Cần xây dựng nhiều kịch bản ứng phó cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Trung Quốc và Mỹ đang là một trong những thị trường XNK hàng hóa lớn nhất của Việt Nam. Ảnh minh họa của: Tuấn Nguyễn.
Trung Quốc và Mỹ đang là một trong những thị trường XNK hàng hóa lớn nhất của Việt Nam. Ảnh minh họa của: Tuấn Nguyễn.
TP - Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đề xuất Chính phủ cùng các bộ, ngành phải: Xây dựng các kịch bản khác nhau để ứng phó trước tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc. Ðịnh hướng doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường...

Các nước thứ ba có thể vào tầm ngắm của lệnh trừng phạt

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đã được Washington "châm ngòi" hôm 6/7 khi chính thức áp mức thuế 25% lên tổng số 818 mặt hàng nhập khẩu (NK) từ Trung Quốc với trị giá 34 tỷ USD. Ðợt áp thuế tiếp theo của Mỹ lên hàng hóa Trung Quốc với trị giá 16 tỷ USD có thể sẽ có hiệu lực sau vài tuần nữa. Nếu tính luôn cả đợt áp thuế lên mặt hàng thép NK từ Canada và châu Âu cũng như mức thuế trả đũa Mỹ từ 2 khu vực này, có thể thấy, Washington đang triển khai một cuộc chiến tranh thương mại trên nhiều mặt trận.

Chính phủ Trung Quốc cho biết, sẽ đáp trả hành động này và nhanh chóng kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Và, như tuyên bố, Bắc Kinh ngay lập tức đã “ăn miếng trả miếng” tương xứng khi đánh thuế NK lên 545 mặt hàng của Mỹ với tổng trị giá 34 tỷ USD, trong đó, chủ yếu là nông sản.

Theo TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc - Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, sự trả đũa lan tỏa của các đối tác thương mại lớn với nhau có thể là tương lai ảm đạm đối với các nước yếu. Theo ông, có hai tổn hại lớn, một là tổn hại đến nền tảng tăng trưởng đang phục hồi của kinh tế toàn cầu, hai là tổn hại đến chuỗi sản xuất.

Cần xây dựng nhiều kịch bản ứng phó cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ảnh 1
 

“Năm 2017, theo WTO, tăng trưởng thương mại toàn cầu đạt 4,7%. Thế nhưng năm 2018, mức tăng trưởng này có thể sẽ khó dự đoán hơn và biên độ dao động 3,1% - 5,5%. Ðiều này là do sự “bất trắc” trong chính sách thương mại của các nước lớn. Như vậy, sự đảo lộn của môi trường thương mại toàn cầu sẽ tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế tất cả các quốc gia”, ông Thành phân tích.

Vị chuyên gia lo ngại, nếu những căng thẳng này không được giải quyết, chuỗi sản xuất có thể phải điều chỉnh để thích ứng với các rào cản mới. Ðiều này sẽ làm nhiều nước mất lợi ích cho dù họ không có tên trong danh sách các nước chịu lệnh áp thuế trừng phạt của Mỹ và Trung Quốc. Tất nhiên, Việt Nam không nằm ngoài “vòng xoáy” này, nhất là khi chuỗi sản xuất sẽ phải điều chỉnh cho phù hợp thị trường.

Rất may cho Việt Nam khi trong ngắn và trung hạn, hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa không bị ảnh hưởng nhiều. Nguyên nhân theo ông Thành, các ngành mà Mỹ trừng phạt Trung Quốc đều không phải là ngành mà Việt Nam tham gia XK hàng hóa đầu vào nhiều sang Trung Quốc. Việt Nam cũng nằm ở vị trí cuối trong chuỗi sản xuất.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia về lâu dài, việc các biện pháp trừng phạt được mở rộng sang nhiều ngành hàng khác sẽ có thể có tác động không ngờ tới. Dẫn chứng cho vấn đề này, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, kiêm Giám đốc Trường đào tạo BIDV, kiêm Giám đốc Trường Ðào tạo BIDV cho hay,  mặt hàng thép của Trung Quốc đang bị Mỹ đánh thuế rất cao nên thay vì XK sang Mỹ thì Trung Quốc đã xuất sang Việt Nam và từ Việt Nam đội lốt sang Mỹ. Thực tế thời gian qua, Mỹ đã tiến hành điều tra và áp thuế đối với một số trường hợp sắt thép, xi măng của Việt Nam thuộc dạng này. Do đó, Việt Nam phải cẩn trọng.

Xây dựng nhiều kịch bản ứng phó

Các chuyên gia kinh tế nhận định, khi 2 cường quốc xảy ra xung đột sẽ làm giảm thương mại toàn cầu, giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, giảm sức cầu của thế giới khiến  XK của Việt Nam gặp khó khăn hơn. Nguy cơ nhập siêu từ Trung Quốc có thể trầm trọng hơn do hàng hóa Trung Quốc khó vào thị trường Mỹ sẽ chuyển hướng sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Mặt khác, một phần hàng hóa lẽ ra XK sang Mỹ buộc phải tiêu dùng trong nội địa Trung Quốc. Khi đó, XK của Việt Nam vào thị trường này khó khăn hơn.

Theo TS Cấn Văn Lực, thị trường chứng khoán đã phản ứng rất mạnh, giảm điểm trên toàn cầu. Kéo theo đó, danh mục đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trên sàn chứng khoán cũng thay đổi.

Cần xây dựng nhiều kịch bản ứng phó cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ảnh 2

Ông Lực đề xuất Chính phủ cùng các bộ, ngành phải xây dựng các kịch bản khác nhau khi chiến tranh thương mại xảy ra. “Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách phải theo sát mọi diễn biến của cuộc chiến thương mại này, đặc biệt là Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, cũng như Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính. Cơ hội đã ít mà chưa chắc tận dụng được. Muốn làm được phải cải cách thể chế đột phá, cải thiện môi trường đầu tư rất nhiều”, ông Lực đề nghị.

Song song với đó, ông Lực cho rằng, Chính phủ và các bộ ngành cũng phải định hướng doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, nhất là với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) vừa mới ký như với Liên minh châu Âu (EU). Còn doanh nghiệp phải nỗ lực tìm kiếm các thị trường mới và có phương án thay thế khi tình huống xấu có thể xảy ra. 

“Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung”.

          TS Phạm Sỹ Thành

“Chính phủ cùng các bộ, ngành phải xây dựng các kịch bản khác nhau ứng phó cuộc chiến thương mại”.  

TS Cấn Văn Lực

MỚI - NÓNG