Bộ Nông nghiệp bất ngờ trả hơn 1.800 tỷ đồng vốn ODA

Công trình thủy lợi Bản Mồng ở Nghệ An đang chậm tiến độ do vướng chuyển đổi đất rừng phòng hộ, giải phóng mặt bằng
Công trình thủy lợi Bản Mồng ở Nghệ An đang chậm tiến độ do vướng chuyển đổi đất rừng phòng hộ, giải phóng mặt bằng
TP - Bộ NN&PTNT được giao gần 3.640 tỷ đồng vốn ODA nhưng nhu cầu thực tế của các dự án là 1.830 tỷ đồng.

Ngày 19/8, tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về tình hình triển khai các dự án trọng điểm, thúc đẩy đầu tư công trong nông nghiệp, Bộ NN&PTNT cho biết, bộ này cùng Bộ KH&ĐT đã trình Thủ tướng kế hoạch điều chuyển hơn 1.800 tỷ đồng vốn ODA cho đơn vị khác, do không có nhu cầu sử dụng trong năm 2020.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, tổng vốn giai đoạn 2016-2020 được phân bổ cho Bộ NN&PTNT là trên 70.000 tỷ đồng với 288 dự án. Đến nay, tổng vốn đã được Thủ tướng đồng ý để giao cho các dự án là hơn 69.920 tỷ đồng. Trong đó, vốn đã giao hết năm 2020 là 62.000 tỷ đồng (gồm cả 10% dự phòng) và còn khoảng 7.900 tỷ đồng vốn trung hạn chưa được bố trí. Đến hết tháng 7/2020, vốn được Thủ tướng giao chi tiết đã giải ngân 51.965 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 74,3%. Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng cho biết, năm 2020, tổng vốn phải giải ngân là 17.324 tỷ đồng, trong đó vốn kế hoạch năm 2020 được phân bổ gần 13.980 tỷ đồng.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, các dự án dùng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ gặp khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư. Với các dự án sử dụng vốn ODA, năm nay, Bộ NN&PTNT được giao gần 3.640 tỷ đồng, nhưng nhu cầu thực tế của các dự án là 1.830 tỷ đồng, không có nhu cầu sử dụng 1.808 tỷ đồng. “Bộ NN&PTNT và Bộ KH&ĐT đã đề nghị Thủ tướng điều chuyển cho đơn vị khác”, ông Hiệp nói.

Ông Hiệp cho biết, kết quả giải ngân vốn ODA 7 tháng đầu năm đạt 31,1%. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho rằng, việc các bộ trả lại vốn ODA chủ yếu là do thủ tục phức tạp của các nhà tài trợ, khó khăn trong giải phóng mặt bằng. “Bộ KH&ĐT đã trình Thủ tướng về vấn đề này và sẵn sàng chuyển cho các bộ ngành, địa phương nào cần nguồn vốn trên. Từ tháng 8 này, hơn 1.800 tỷ đồng trên sẽ không tính vào vốn ODA của ngành nông nghiệp”, ông Phương nói.

Theo Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, việc giải ngân vốn đầu tư công của ngành không chỉ là báo cáo tiến độ, quan trọng là hiệu quả đầu tư và hoàn thiện các thể chế cho giai đoạn tới. “Đây là thời điểm đầu tiên chuyển hình thức đầu tư từ ăn đong, năm nào biết năm đó, sang đầu tư trung, dài hạn, từ cân đối nợ công, nguồn lực quốc gia… để phát triển bền vững”, ông Cường nói.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, “giải ngân nhanh nhưng phải gắn với chất lượng, hiệu quả đầu tư”, đồng thời yêu cầu Bộ NN&PTNT phối hợp Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính… tháo gỡ các nút thắt, thúc đẩy đầu tư công của ngành, ít nhất đạt mục tiêu trên 94%, nhất là ở khâu giải phóng mặt bằng, thi công, điều chỉnh vốn.

“Kiểm soát, quản lý chặt chẽ quản lý đầu tư xây dựng, thi công, gắn với phòng chống dịch, đảm bảo công trình đúng tiến độ, an toàn cho người thi công và chất lượng công trình, chống thất thoát, lãng phí”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

MỚI - NÓNG