Một cán bộ lãnh đạo thuộc Bộ Công Thương cho hay, hiện trên thị trường có rất nhiều hệ thống cửa hàng quảng cáo bán các loại hàng hóa nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản hay Thái Lan. Tuy nhiên, nguồn gốc hàng hóa của các cửa hàng này không nhiều người biết.
Việc Công ty cổ phần Con Cưng bị phát hiện sản phẩm có vấn đề về nhãn mác là một hồi chuông cảnh báo về tâm lý sính hàng ngoại của người Việt.
Trước trường hợp của Con Cưng, chuỗi cửa hàng Khaisilk bán đồ Trung Quốc đội lốt lụa Việt Nam chất lượng cao. Gần đây nhất là trường hợp gần như 100% sản phẩm về thời trang, đồ dùng gia đình, đồ điện tử, hóa mỹ phẩm tại 32 cửa hàng trên cả nước thuộc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Mumuso Việt Nam (Mumuso), giới thiệu là thương hiệu đến từ Hàn Quốc, đều có nguồn gốc Trung Quốc.
Mới đây nhất, chuỗi hệ thống siêu thị hàng Nhật Sakuko Japanese Store cũng đã phải kêu cứu khi bị một đơn vị nhái thương hiệu với tên gọi mới là OSAKA, sao chép tỉ mỉ từ màu sơn, biển mặt tiền, biển bên trong siêu thị...và còn rất nhiều hình ảnh poster, banner quảng cáo. Chỉ khi đại diện của Sakuko Japanese Store phản ứng, đơn vị “làm hàng nhái” ngưng hành vi ăn cắp thương hiệu.
Thêm hàng loạt vi phạm của Con Cưng
Theo nguồn tin của Tiền Phong, ngày 23/7, Chi cục Quản lý thị trường TPHCM đã báo cáo về việc phát hiện nhiều vi phạm trong quá trình kiểm tra các cửa hàng của Con Cưng tại TPHCM. Cụ thể tại điểm kinh doanh số 20 của Con Cưng ở 833-835 Hồng Bàng (phường 9, quận 6, TPHCM), quản lý thị trường đã tạm giữ các sản phẩm kem massage bụng trên bao bì in “Sản xuất bởi Công ty TNHH G&C”, nhưng lại được dán chồng lên với mác thông tin ghi “Sản xuất bởi Công ty TNHH Mỹ phẩm TITIONE”. Lực lượng chức năng cũng phát hiện áo có chữ “Made in Thailand” nhưng trên áo không có bất cứ tem nhãn nào khác để chứng minh nguồn gốc. Trên sản phẩm có in mã vạch của Thái Lan nhưng khi kiểm tra cũng không hiển thị thông tin gì. Nhiều sản phẩm quần áo, mỹ phẩm, phấn, sữa tắm, sữa dưỡng da hiệu Johnson’s baby do Thái Lan, Philippines, Malaysia sản xuất…khi kiểm tra đều có vấn đề về nhãn mác và xuất xứ.
Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường cho rằng, về nguyên tắc, sản phẩm nhập khẩu phải có gắn tem nhãn phụ, thể hiện rõ ràng xuất xứ, nguồn gốc, nơi sản xuất, thành phần đều phải dịch trung thành từ tem nhãn gốc. Trong khi hầu hết các sản phẩm được nhập từ Thái Lan tại cửa hàng chỉ in thông tin mờ nhạt trên sản phẩm và dễ dàng bị xóa đi chỉ sau vài lần giặt. Ngoài ra, mác sản phẩm cũng được treo bên ngoài móc, có thể dễ dàng thay đổi, thể hiện đơn vị cung cấp không liên quan trách nhiệm đối với sản phẩm, không nêu rõ được nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm.
Cũng theo thông tin của Tiền Phong, quản lý thị trường đã có báo cáo về việc phát hiện hàng loạt vi phạm của hệ thống cửa hàng Con Cưng. Theo đó, hệ thống cửa hàng này có dấu hiệu kinh doanh hàng lậu, gian lận về nguồn gốc xuất xứ vi phạm về chất lượng, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ sơ sinh. Các cửa hàng của Con Cưng còn có dấu hiệu vi phạm về đăng ký khuyến mại, kinh doanh hàng hóa chưa đăng ký lưu hành…
Trao đổi với Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, trường hợp siêu thị Con Cưng là gian lận thương mại. Chủ cửa hàng đã lợi dụng tâm lý sính hàng có xuất xứ Nhật, Thái Lan của người tiêu dùng Việt Nam.
Theo ông Long, cơ quan chức năng có thể căn cứ trên hóa đơn chứng từ nhập hàng đầu vào và hàng bán ra để tìm ra sai phạm. Bởi chủ cửa hàng bán hàng chính ngạch phải có chứng từ đầy đủ và cơ quan chức năng kiểm tra, có thể dễ dàng kiểm tra nguồn gốc xuất xứ.
Con Cưng thừa nhận “có vấn đề”
Về việc người dùng và truyền thông đặt câu hỏi về nguyên liệu, xuất xứ và lỗi sản phẩm đang bán tại hệ thống cửa hàng Con Cưng, đại diện đơn vị này nói đã kiểm tra và xác nhận lỗi sản phẩm. Lãnh đạo Con Cưng nói, đã rà soát lại toàn bộ quy trình đặt hàng, quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm đầu vào và nhận thấy lỗi của Con Cưng là “đã không kiểm tra hết toàn bộ lô hàng”.