Kinh tế vượt 10 lần Nhật, TQ mới được hưởng thái bình?

Kinh tế vượt 10 lần Nhật, TQ mới được hưởng thái bình?
TPO- Những cáo buộc bị radar tên lửa trên tàu khu trục Trung Quốc ngắm vào tàu chiến hải quân và máy bay của Nhật trên Biển Hoa Đông mấy ngày qua đã khiến quân đội hai bên luôn sẵn sàng nổ súng bất cứ lúc nào.

> Trung Quốc ‘tố’ Nhật bôi nhọ hình ảnh vụ Radar tên lửa

> Radar tên lửa TQ nhắm bắn tàu Nhật ở Hoa Đông 

Kinh tế vượt 10 lần Nhật, TQ mới được hưởng thái bình? ảnh 1

Ngày 8-1, Hoàn Cầu đã đăng tải bài viết rất gay gắt có tựa đề: Chỉ khi kinh tế Trung Quốc vượt 10 lần Nhật Bản, quan hệ hai nước mới thái bình.

Hoàn Cầu phân tích, nhìn lại lịch sử có thể thấy rõ trong bối cảnh nào, quan hệ Trung - Nhật mới yên ổn, thái bình. Dưới thời nhà Đường và nhà Minh, Trung Quốc và Nhật Bản xảy ra hai lần xung đột quân sự, kết quả là Nhật Bản đều thua trận. Số liệu kinh tế thời ấy cho thấy, từ năm thứ 1 sau công nguyên đến năm 1820, nếu tính theo đơn vị “tiền quốc tế”, GDP của Trung Quốc gấp gần hoặc trên 10 lần GDP Nhật Bản.

Con số này chứng tỏ, thời kỳ quan hệ hai nước êm đẹp kéo dài hơn 2.000 năm là giai đoạn “Trung mạnh Nhật yếu”. Bài học sâu sắc mà giai đoạn lịch sử này để lại cho Trung Quốc là: Nếu Trung Quốc chỉ tiên tiến thôi sẽ chưa đủ để khiến Nhật Bản phải theo đuôi; Nếu chỉ lớn mạnh thôi cũng chưa đủ để khiến Nhật Bản phải phục tùng, chỉ khi vừa tiên tiến vừa lớn mạnh, Trung Quốc mới có thể khiến Nhật Bản vừa “tâm phục, khẩu phục”, quan hệ Trung - Nhật mới có thể thái bình, “hữu hảo”.

Tiếp đó, Hoàn Cầu đã chỉ ra những mốc lịch sử quan trọng đánh dấu sự thay đổi trong quan hệ Trung -Nhật. Năm xảy ra cuộc cải cách Minh Trị 1868 là bước ngoặt quan trọng, Nhật Bản học theo Mỹ và các nước châu Âu, bước vào con đường công nghiệp hóa, sức mạnh quốc gia ngày càng được tăng cường, sau đó đi vào con đường xâm lược Trung Quốc.

Năm 1895, Nhật Bản phát động chiến tranh Thanh - Nhật, đánh bại triều đình nhà Thanh mục nát, quan hệ Trung - Nhật bước vào giai đoạn “Nhật mạnh, Trung yếu”. Sau đó, năm 1905 chiến tranh Nhật – Nga xảy ra ngay trên đất Trung Quốc, đến năm 1937 bắt đầu chiến tranh xâm lược Trung Quốc toàn diện.

Năm 1945, Nhật Bản thất bại nặng nề. Năm 1949, đất nước Trung Quốc mới ra đời. Quan hệ Trung Quốc và Nhật Bản bắt đầu bước vào thời kỳ thứ ba “cả hai cùng mạnh” chưa từng xuất hiện trong hơn 2.000 năm qua. Tuy nhiên, sau chiến tranh, tốc độ vươn tới sự tiên tiến, lớn mạnh của Trung Quốc và Nhật Bản có sự cách biệt lớn. Xét về sức mạnh kinh tế, năm 1950, nếu tính theo đơn vị “tiền quốc tế”, GDP của Trung Quốc gấp khoảng 1,5 Nhật Bản, tuy nhiên, đến năm 1973, GDP của Nhật Bản lại vượt và gấp khoảng 1,7 lần Trung Quốc, GDP bình quân theo đầu người gấp 13,6 lần Trung Quốc.

Năm 1978, Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa, đúng thời điểm kinh tế Nhật Bản phát triển cực thịnh sau chiến tranh. Sau đó cuộc đua giữa hai nước bắt đầu bước vào giai đoạn “Nhật chậm, Trung nhanh”. Năm 2005, GDP của Trung Quốc bằng 50% Nhật Bản, năm 2010, Trung Quốc vượt Nhật Bản và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng GDP bình quân theo đầu người trong năm của Trung Quốc chỉ bằng 1/10 Nhật Bản.

Thời gian tới, vị thế cường quốc về kinh tế của Nhật Bản vẫn sẽ được duy trì. Năm 2010, trong bản Báo cáo hiện đại hóa Trung Quốc, Viện Khoa học - Xã hội Trung Quốc đã chỉ ra rằng, năm 2007, trình độ hiện đại hóa tổng hợp của Trung Quốc đứng thứ 78 thế giới, trong khi Nhật Bản chỉ sau Mỹ đứng thứ 2 thế giới.

Năm 2008, Hệ số Gini của Trung Quốc là 0,49, trong khi chỉ số này của Nhật Bản là 0,32 (Hệ số Gini dùng để biểu thị độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập). Khoảng cách giàu nghèo ở Nhật Bản không chênh lệch quá lớn như Trung Quốc.

Hoàn Cầu cũng phải thừa nhận rằng, mặc dù GDP Trung Quốc đã vượt Nhật Bản, nhưng kinh tế Trung Quốc phát triển rất không cân bằng. Hiện tại, Trung Quốc vẫn là nước đang phát triển, Nhật Bản vẫn là quốc gia phát triển. Cùng với đó, mặc dù sức mạnh kinh tế và quốc phòng của Trung Quốc tương đối lớn, nhưng so với Mỹ vẫn còn một khoảng cách rất xa.

Vậy thì, xét về “bản tính” của dân tộc thích theo đuôi sự tiên tiến, phục tùng sự lớn mạnh sẽ thấy, chắc chắn Nhật Bản sẽ tiếp tục theo đuôi sự tiên tiến, phục tùng sự lớn mạnh của Mỹ, còn đối với một quốc gia đang phát triển với tốc độ cao như Trung Quốc, thông qua báo chí, người Nhật chủ yếu tập trung quan sát những vấn đề đang tồn tại trong quá trình phát triển của Trung Quốc.

Tâm lý của người Nhật đối với Trung Quốc hiện nay là: hẫng hụt vì GDP Trung Quốc vượt Nhật Bản; Cảm thấy rất “hãnh diện” vì Trung Quốc vẫn là nước đang phát triển; Sợ hãi trước sự trỗi dậy của quân sự Trung Quốc; Tóm lại, trong suy nghĩ của người Nhật Bản, một mặt là ghen tị với sự phát triển của Trung Quốc, mặt khác là không tỏ ra “tâm phục khẩu phục” trước Trung Quốc.

Sức mạnh của Trung Quốc, Nhật Bản là tham số cơ bản ảnh hưởng đến sự phát triển trong quan hệ Trung – Nhật, dự đoán tương lai của mối quan hệ này rất có thể sẽ quay trở về với trạng thái “Trung mạnh, Nhật yếu”, nhưng ít nhất trong 20 năm đầu của thế kỷ XXI, quan hệ Trung - Nhật vẫn sẽ duy trì mô hình “cả hai cùng mạnh”.

Trong bối cảnh này, quan hệ Trung - Nhật có thể sẽ xuất hiện hai khả năng: Hoặc là, cả hai cùng áp dụng chính sách sáng suốt, ổn định, xây dựng cục diện hai bên cùng có lợi, cùng thắng; Hoặc là, cả hai đều áp dụng chính sách cứng rắn, không sáng suốt, thậm chí bị ảnh hưởng bởi sự can thiệp từ bên ngoài, kết quả chắc chắn là cả hai nước “cùng tổn thất, cùng thua”, thậm chí xảy ra cuộc chạy đua vũ trang và đối đầu quân sự.

Huy Long
Theo Hoàn Cầu

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG