Kinh tế Việt Nam năm 2022: Thách thức và kỳ vọng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Năm 2022 có nhiều thách thức với nền kinh tế khi các chỉ số kinh tế được dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn phức tạp. Tuy nhiên, trong thách thức luôn có cơ hội đi cùng.

Nhiều thách thức thu, chi ngân sách

Tại Hội nghị tổng kết ngành thuế mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay: Năm 2021 đầy biến động do dịch COVID-19 ảnh hưởng mạnh tới nền kinh tế trong và ngoài nước. Đặc biệt, đợt dịch bùng phát lần thứ 4 ảnh hưởng không nhỏ tới thu và chi ngân sách nhà nước. Một số khoản thu giảm, trong khi nhiệm vụ chi tăng lên để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Tăng chi đầu tư công để kích thích nền kinh tế; chi cho công tác phòng chống dịch bệnh. Dù vậy, bằng nhiều giải pháp tăng thu, giảm chi, tới cuối năm, thu ngân sách nhà nước vẫn về đích, thậm chí vượt dự toán, đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước.

Theo Bộ trưởng Tài chính, thu ngân sách năm 2022 sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức lớn bởi nền kinh tế còn bị tác động của dịch bệnh cùng chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (DN). Do đó, toàn ngành thuế phải quyết tâm cao, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp.

Cần tiếp tục tăng cường quản lý, chống thất thu thuế, chống chuyển giá, trốn thuế, gian lận hoàn thuế. Tăng cường quản lý đối với những lĩnh vực còn tiềm năng như sàn giao dịch điện tử, các hoạt động trên nền tảng số, bất động sản, khoáng sản ngân hàng, chứng khoán.

Tăng trưởng GDP năm 2021 ước đạt 2,58%

- Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP năm 2021 ước đạt 2,58%. Trong đó khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,05%, khu vực dịch vụ tăng 1,22%, đóng góp 22,23%.

- Khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 13,97%, khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 63,80%; khu vực dịch vụ đóng góp 22,23%.

- Xét theo quý, GDP quý 1 tăng 4,72%, quý 2 tăng 6,73%, quý 3 giảm 6,02%, quý 4 tăng 5,22%, so với cùng kỳ năm trước.

PV

Bộ Tài chính cũng nhìn nhận, kinh tế thế giới sẽ phục hồi và tốc độ tăng trưởng được dự báo thấp hơn năm 2021. Vì vậy ngành Tài chính đối mặt nhiệm vụ khó khăn là tăng đầu tư công để kích thích tăng trưởng. Dự báo năm nay giá cả biến động khó lường, các gói kích thích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp có thể khiến lạm phát tăng cũng là thách thức không nhỏ.

Năm 2022, dự kiến tổng thu ngân sách nhà nước khoảng 1,41 triệu tỷ đồng, dự toán chi ngân sách khoảng 1,78 triệu tỷ đồng, bội chi ngân sách trong năm khoảng 4% GDP. Dự kiến gói hỗ trợ miễn, giảm thuế trong năm nay có thể lên khoảng 60.000 tỷ đồng, gấp 3 lần năm 2021. Năm vừa qua khó khăn, thu ngân sách vẫn vượt dự kiến. Việc thực hiện tốt các nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2022 có ý nghĩa quan trọng, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh cần có những động lực hỗ trợ khôi phục nền kinh tế sau đại dịch.

Kinh tế Việt Nam năm 2022: Thách thức và kỳ vọng ảnh 1

Xuất khẩu gạo - một trong những thế mạnh của Việt Nam

Ưu tiên đưa người lao động trở lại làm việc

Đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 trong năm 2021đã tác động mạnh tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, cuộc sống người lao động tại nhiều địa phương trọng điểm về kinh tế, đặc biệt các tỉnh thành phía Nam như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... Giãn cách xã hội kéo dài, mất việc làm tăng cao dẫn tới làn sóng rời phố về quê. Khi dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế dần khôi phục, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh lại rơi vào tình cảnh thiếu lao động.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, trong năm qua, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh, các gói hỗ trợ hàng chục nghìn tỷ đã được tung ra: Gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 (26.000 tỷ đồng), Nghị quyết 116 (hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp xấp xỉ 38.000 tỷ đồng) của Chính phủ. Các địa phương tùy theo khả năng ngân sách của mình đã chi thêm hàng nghìn tỷ đồng hỗ trợ người lao động tự do, các nhóm yếu thế trong xã hội.

Năm 2022, dự báo kinh tế phục hồi, nhu cầu lao động sẽ càng trở nên cấp bách hơn với doanh nghiệp. Đòi hỏi ngành LĐ-TB&XH phải thực hiện các giải pháp tổng thể để kết nối cung- cầu lao động, đưa người lao động trở lại các đô thị, trung tâm kinh tế để đáp ứng nhu cầu phát triển.

Qua dịch bệnh bộc lộ vấn đề về nhà ở cho công nhân, lao động di cư lâu nay chưa được quan tâm, trong năm mới này hy vọng có đột phá với sự vào cuộc của nhiều bộ ngành, địa phương.

Ngành GTVT phải tiên phong “mở đường”

Hạ tầng và giao thông vận tải được ví là người tiên phong, đi trước mở đường cho phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2021, dịch COVID-19 đã làm bộc lộ không ít vấn đề của ngành GTVT mà bình thường ít ai để ý tới. Đó là mỗi khi dịch bùng phát, các biện pháp chống dịch của từng địa phương đã làm gián đoạn hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa, đi lại của người dân. Hàng loạt DN đối mặt nguy cơ phá sản, đặc biệt lĩnh vực vận tải hành khách cả đường bộ, đường sắt lẫn hàng không.

Dịch COVID-19 cũng mở ra cơ hội lớn với ngành GTVT, đặc biệt trong đầu tư hạ tầng giao thông. Trước những bất cập phát sinh trong nhiều năm qua, hàng loạt dự án đường cao tốc đã được đồng loạt chuyển sang đầu tư công. Điển hình là 5 đoạn cao tốc Bắc- Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 được chuyển từ đầu tư BOT sang đầu tư công; giải ngân vốn nâng cấp sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất...

Ngành xây dựng đối mặt hàng loạt vấn đề “nóng”

Theo Bộ Xây dựng, năm 2022, sự phát triển của thị trường bất động sản hiện chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn yếu tố rủi ro. Tình trạng vi phạm quy định pháp luật của doanh nghiệp, cá nhân còn xảy ra tại một số địa phương. Mặt khác, cơ sở dữ liệu, thông tin về thị trường bất động sản chưa đầy đủ, thiếu minh bạch...

Trái tim của nền kinh tế

Sáng 31/12, phát biểu tại Ðại hội đại biểu toàn quốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lần thứ VII nhiệm kỳ 2021-2026, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: “Doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể của hoạt động sản xuất, kinh doanh - là “trái tim” của nền kinh tế, là nhân tố đóng góp quan trọng vào sự phát triển và thịnh vượng”.

Ðại hội Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lần thứ VII có chủ đề “Doanh nghiệp vững mạnh-Quốc gia thịnh vượng”.

Tại một số địa phương đã xảy ra hiện tượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chưa đủ điều kiện pháp lý; người mua, bán chuyển nhượng đất đai, kinh doanh bất động sản trái quy định; thực hiện các dự án phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở... Bộ Xây dựng phải tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung pháp luật về nhà ở (Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014).

Một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của ngành xây dựng năm nay là tổ chức lập các quy hoạch và quản lý quy hoạch. Những quy hoạch có chất lượng, bảo đảm tầm nhìn sẽ mở ra không gian và định hướng phát triển cho từng ngành, từng địa phương cũng như cả nước. Cùng với việc phê duyệt quy hoạch cần phải kiểm soát tốt quá trình quản lý thực hiện theo quy hoạch, đặc biệt là việc điều chỉnh quy hoạch.

Bộ Xây dựng cũng tập trung Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030, trong đó, cần giải quyết cơ bản nhu cầu về nhà ở cho người dân, nhất là các hộ gia đình nghèo, cán bộ, công chức, viên chức, công nhân khu công nghiệp và các đối tượng chính sách xã hội có khó khăn về nhà ở trong giai đoạn thích ứng với dịch COVID-19. Đẩy nhanh việc thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ. Tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu, hoàn thiện Hệ thống thông tin quản lý nhà ở và thị trường bất động sản đảm bảo kết nối và liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Xây dựng cơ chế minh bạch đánh giá giá trị đất đai, bất động sản.

Giải bài toán vượt mốc xuất khẩu lịch sử 48,6 tỷ USD

Kinh tế Việt Nam năm 2022: Thách thức và kỳ vọng ảnh 2
GS-TS Võ Tòng Xuân

GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động mọi mặt đến đời sống kinh tế, xã hội, xuất khẩu nông nghiệp dự báo lập mốc lịch sử 48 tỷ USD là một nỗ lực rất lớn của nông dân và doanh nghiệp, thể hiện sản phẩm của Việt Nam bắt đầu tăng dần về giá trị. Tuy nhiên, thời gian qua ngành nông nghiệp bộc lộ nhiều hạn chế sản xuất thiếu tính chủ động, nguồn vật tư, đầu vào phụ thuộc lớn từ bên ngoài, khâu thị trường còn mù mờ. Nghị quyết Đại hội XIII, khi nói về ngành nông nghiệp, rất nhiều nội dung sử dụng từ “bứt phá”. Ngành nông nghiệp trong thời gian tới còn nhiều dư địa để phát triển, nhưng thực sự cần phải có những bước đi táo bạo, khác biệt, tập trung khai thác sâu vào giá trị sản phẩm; chuyển từ tăng trưởng bằng sản lượng, sang tăng trưởng bằng chất lượng và hiệu quả.

Nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lúng túng trong việc chuyển vùng đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác. Sắp tới chúng ta cần chuyển đổi mạnh mẽ hơn. Tại vùng biên giới Việt Nam - Campuchia có nhiều nước ngọt, có thể quy hoạch trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực. Còn khoảng 1,2 triệu ha dọc ven biển, có thể trồng lúa chất lượng cao để chinh phục các thị trường cao cấp như Trung Đông, Mỹ, Hồng Kông (Trung Quốc). Các vùng khác chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, vùng chuyên canh nuôi tôm, cá…

Vừa qua, khi địa phương chống dịch mỗi nơi một kiểu, gây đứt gãy sản xuất, bộc lộ tính liên kết vùng của Việt Nam còn rất yếu. Ngành nông nghiệp cần xây dựng các vùng sản xuất quy mô lớn, hiện đại, xây dựng trung tâm chế biến kết nối với hệ thống logistics quy mô lớn. Đặc biệt, cần có một đầu mối quốc gia làm nhiệm vụ liên kết với các đại sứ quán, tổng lãnh sự quán ở nước ngoài để nắm bắt thông tin thị trường, có kế hoạch sản xuất, điều phối thị trường.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.