Liên minh Kinh tế Á – Âu đưa Việt Nam ra khỏi danh sách hưởng ưu đãi thuế

0:00 / 0:00
0:00
Liên minh Kinh tế Á – Âu đưa Việt Nam ra khỏi danh sách hưởng ưu đãi thuế
Liên minh Kinh tế Á – Âu đưa Việt Nam ra khỏi danh sách hưởng ưu đãi thuế
TPO - Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) gồm 5 nước Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan sẽ chính thức đưa Việt Nam ra khỏi danh sách hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) từ tháng 10/2021. Sự thay đổi này dự kiến sẽ tác động mạnh đến các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa .

Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga đã thông báo về việc Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) sẽ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

Cùng với Việt Nam, EAEU cũng đưa một số nước khác khỏi danh sách được hưởng ưu đãi thuế như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore, Brunei…

Theo thỏa thuận, hệ thống ưu đãi GSP dành cho hàng hóa các nước chậm phát triển xuất khẩu vào các nước phát triển, thậm chí bằng 0% tùy từng chính sách các quốc gia phát triển. Việt Nam nằm trong danh sách được hưởng GSP với EAEU từ nhiều năm nay.

Khi Việt Nam ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với EAEU, ưu đãi thuế quan GSP của EAEU đã chấm dứt ngay sau khi FTA giữa Việt Nam và EAEU có hiệu lực từ năm 2016. Tuy nhiên, EAEU đã chấp thuận cho Việt Nam tiếp tục hưởng GSP thêm 5 năm nữa sau khi hiệp định này có hiệu lực. Do đó, đến ngày 12/10/2021, hiệu lực này hết hạn và Việt Nam rời danh sách hưởng thuế.

Bộ Công Thương cũng khuyến cáo sau thời điểm ngày 12/10/2021, các doanh nghiệp xuất cần chú ý đến thời hạn, tìm hiểu về mức thuế ưu đãi và quy tắc xuất xứ tương ứng để tận dụng ưu đãi thuế quan; đáp ứng điều kiện về ưu đãi xuất xứ và cả điều kiện hạn ngạch của từng nhóm hàng để điều chỉnh chiến lược xuất khẩu cho phù hợp.

Ngoài ra, Việt Nam hiện là đối tác FTA đầu tiên của EAEU điều này sẽ giúp hàng hóa Việt Nam có lợi thế đặc biệt. Tuy nhiên, để vào những thị trường này, các doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp không ít thách thức và cần có sự chuẩn bị kỹ đặc biệt trong vấn đề tiêu chuẩn hàng nông, thủy sản xuất khẩu. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, thông qua các cơ chế Ủy ban Hỗn hợp, Ủy ban Liên Chính phủ...; tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thiết lập các khung khổ pháp lý thuận lợi hóa thương mại, đầu tư, tăng cường hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại.

Hồi tháng 3/2021, Bộ Công Thương thông báo đã nhận được Công hàm số 14-52 của Ủy ban Kinh tế Á Âu (EEC) thông báo mặt hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu vào Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU) vượt mức ngưỡng hạn ngạch thuế quan ưu đãi nhập khẩu theo quy định. Dù vượt ngưỡng ở mức thấp, tuy nhiên, theo Điều 2.10 của VN-EAEU FTA quy định về biện pháp phòng vệ ngưỡng đối với 12 nhóm mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, mặt hàng dệt may có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng khi nhập khẩu vào EAEU. Tùy thuộc lượng xuất khẩu vượt ngưỡng, các mặt hàng dệt may của Việt Nam sẽ bị áp mức thuế nhập khẩu ưu đãi trong thời gian 6 tháng hoặc 9 tháng.

Theo số liệu của Ủy ban kinh tế Á-Âu (EEC), xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này năm 2020 là 4,471 tỷ USD. Quý 1/2021 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 1,25 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2020. Liên bang Nga vẫn chiếm phần lớn trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa EAEU với Việt Nam (92,8% lượng xuất khẩu và 88,1% lượng nhập khẩu).Các nhóm hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng cao vào khu vực EAEU trong quý 1/2021 bao gồm: cá đông lạnh (tăng 4,4 lần), động vật giáp xác (tăng 3,8 lần), động vật thân mềm (tăng 2 lần).

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".