Kinh tế quý 1-2012: Có biểu hiện suy giảm

Kinh tế quý 1-2012: Có biểu hiện suy giảm
TP - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh đưa ra nhận định như vậy tại phiên họp UBTVQH, hôm qua (20-4).

>Kinh tế quý 1/2012: Tóm lại là thế nào?

Báo cáo tại UBTVQH, Bộ trưởng KH&ĐT cho rằng, tình hình kinh tế quý 1 là khá tốt: Lạm phát đã được kìm ở mức rất thấp - chỉ số tăng giá (CPI) quý 1 giảm rất mạnh, còn 2,55%. Chỉ số tăng giá tháng tư, chắc chắn dưới 0,1%. Cùng đó, kinh tế vĩ mô được giữ ổn định.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Vinh, nếu nhìn vào 3 tháng đầu năm sẽ thấy “có dấu hiệu của suy giảm kinh tế”: GDP quý I chỉ tăng 3,97%, thấp nhất trong vòng hai năm trở lại đây (quý I/2010 và 2011 là: 5,84% và 5,57%). Đây là mức tăng thấp hơn dự kiến của Chính phủ (5%-6%). Các chỉ dấu khác như sản xuất công nghiệp chỉ bằng một nửa cùng kỳ, hàng tồn kho ở mức cao (34,9%), số DN khó khăn tăng lên, thu ngân sách giảm... cho thấy nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại rất nhiều.

Sản xuất đình trệ

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, lần đầu tiên chúng ta xuất siêu đạt 220 triệu USD trong 3 tháng đầu năm. Thông tin này “nghe thì mừng nhưng ngẫm thì rất đáng lo”, bởi như vậy sản xuất đang đình trệ, cả từ khâu nhập nguyên liệu sản xuất, tiêu dùng. Tuy xuất siêu, nhưng xuất khẩu lại giảm chỉ còn 1/4 so với cùng kỳ năm trước.

“Lần đầu tiên GDP tăng trưởng cao hơn CPI, nhưng điều đó cho thấy biểu hiện khó khăn trong sản xuất, đời sống. Mục tiêu tăng trưởng 6% là rất khó đạt được, nếu chúng ta vẫn siết chặt như hiện nay. Một bộ phận nhân dân sẽ khó khăn, thất nghiệp sẽ gia tăng nếu doanh nghiệp tiếp tục phá sản” - Ông Vinh nói.

Nhận định “xu hướng chung là khó khăn”, Bộ trưởng KH&ĐT đề nghị Quốc hội, Chính phủ có biện pháp tháo gỡ - “phải đi bằng hai chân”: Kiềm chế lạm phát nhưng đồng thời phải ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng ở mức hợp lý: CPI không nên để ở mức quá thấp, dưới 10% là phù hợp, nếu rút xuống 5 - 6% thì sẽ khó cho tăng trưởng. Theo đó, tăng trưởng năm nay nên ở mức khoảng 5,5 - 6% là tốt nhất.

Thường trực Ủy ban Kinh tế (UBKT) cho biết, có ý kiến lo ngại từ quý II/2012, nền kinh tế sẽ đứng trước sức ép ngày càng tăng do tăng giá một số hàng hóa và có thể lặp lại tình trạng “lương tăng - giá tăng” của những năm trước đây.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh trình bày báo cáo bổ sung của Chính phủ Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh trình bày báo cáo bổ sung của Chính phủ Ảnh: TTXVN.

Nhìn lại năm 2009, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (UBTC-NS) Phùng Quốc Hiển cho rằng, năm đó 7 tháng liên tiếp tăng trưởng âm và những tháng cuối năm đã nhích lên. Bây giờ, chúng ta chưa tăng trưởng âm, vì vậy cũng chưa thể đánh giá là suy thoái.

Thu ngân sách giảm mạnh

“Chúng ta kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát, thời gian qua giá không tăng, vậy mục tiêu tới đây có điều chỉnh gì không? Tại sao lãi suất giảm, nhưng nhiều người vẫn cho rằng chính sách đó chưa đến được với các doanh nghiệp?” - Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng nêu vấn đề.

Nhận thấy “chưa bao giờ thu ngân sách giảm như thế này” trong một thập kỷ qua, kể cả so với năm 2009, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, cần cập nhật tình hình tháng 4 và 5 để phân tích rõ thêm, nếu quý 2 xấu hơn thì có thể phải xem lại mục tiêu. Phải chỉ ra, đến cuối năm lạm phát ở mức nào, tăng trưởng ra sao, biện pháp thực hiện như thế nào. Đặc biệt, không thể chủ quan với lạm phát, lạm phát mà âm thì rất gay go.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo, cần chọn mức tăng trưởng hợp lý, đảm bảo chống lạm phát: Nên chọn mức tăng trưởng 6- 6,5%, lạm phát ở mức 9% là phù hợp. Nếu tăng trưởng thấp nữa, sẽ khó bảo đảm các mục tiêu an sinh xã hội. “Mục tiêu chung là phải có tăng trưởng, nếu không tăng trưởng sẽ chẳng làm được gì. Nhưng các mục tiêu lạm phát, an sinh xã hội và kinh tế vĩ mô phải ổn định” - Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Để đạt mục tiêu chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 10%, Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, việc ban hành các loại phí cần có quá trình nghiên cứu, chuẩn bị thận trọng; thực hiện theo lộ trình, phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không làm tăng chi phí của doanh nghiệp, không gây khó khăn cho người hưởng lương từ ngân sách, người lao động, người dân, tránh gây bức xúc trong xã hội và ảnh hưởng đến lòng tin.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG