Thiếu nữ quê Cần Thơ được lấy tên đặt cho cả một giải đấu, một bể bơi, nhận tiền thưởng lên tới vài tỷ đồng đã có cuộc trải lòng với Tiền Phong từ nước Mỹ, nơi chị tập huấn miệt mài và gian khổ suốt 4 năm nay xuyên qua cả Tết.
48 huy chương cũng chỉ…tạm hài lòng
Giành tới gần 50 huy chương các loại, trong đó có 8 HCV và 8 kỷ lục tại SEA Games 28, 3 huy chương Cúp thế giới, Viên được coi như một “kỳ nhân” và hiện tượng thập kỷ của thể thao Việt Nam. Với bản thân, Viên có bất ngờ với thành quả “khổng lồ” đó?
Tôi không bất ngờ. Ở nhiều cuộc đấu, như SEA Games 28, Cúp thế giới và nhất là giải vô địch thế giới, thầy trò tôi còn đặt ra mục tiêu cao hơn. Xin nói thật SEA Games 28 tôi còn nhắm 9 hay 10 HCV kèm theo số kỷ lục tương ứng cơ. Tất nhiên kết quả thi đấu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bản thân tôi rất vui và tự hào về những thành tích, đóng góp cho thể thao Việt Nam, song về chuyên môn, nhìn lại cả năm, thực sự tôi mới chỉ… tạm hài lòng.
Ðó có phải là lý do khiến chị đã tạo nên một câu chuyện khó hiểu một cách thú vị, với hiếm khi thể hiện niềm vui, sự hài lòng, thậm chí còn buồn khóc lúc cán đích?
Nếu nhìn vào số huy chương, kỷ lục, điều đó có vẻ như kỳ lạ và đáng ngạc nhiên nhưng thực sự đó là những phản ánh, cảm xúc hoàn toàn tự nhiên của tôi. Mọi cuộc đấu, tôi đều chuẩn bị, dự tranh theo một lộ trình chặt chẽ mà ở đó các thông số chuyên môn được định sẵn trước, và thành tích hay huy chương chỉ là sau. Thực tế, một số nội dung ở vài cuộc đấu, tôi đã chưa đạt đúng thông số chuyên môn so với dự tính, khả năng, cũng như mắc sai sót về kỹ thuật. Vì thế, thi thoảng mọi người thấy tôi khóc và bị thầy la đấy thôi.
Ðâu là kết quả mà Viên còn phải nuối tiếc trong năm?
Tôi thấy còn tiếc vì mình chưa thể lọt vào chung kết, tương ứng với Top 8 tại giải vô địch thế giới, dù thực lực mình có thể làm hơn thế.
Tập huấn Mỹ và thầy Tuấn đều quá… quan trọng
Tố chất, ý chí và sức vươn tự thân của Viên rõ ràng đặc biệt đến mức kỳ lạ trong làng thể thao Việt. Thế nhưng, trong những bước tiến khổng lồ của chị chắc hẳn không thể thiếu chuyến tập huấn dài hạn tại Mỹ?
Ánh Viên rạng rỡ thực hiện động tác chào cờ khi quốc kỳ Việt Nam được kéo lên trong lễ trao huy chương tại SEA Games 28. Ảnh: VSI
Vô cùng may mắn cho tôi vì ngay từ năm 15 tuổi được sang tập huấn tại một trung tâm hàng đầu tại Mỹ với các điều kiện đảm bảo theo đúng chuẩn quốc tế. Cũng thật may bởi tôi đã có đủ niềm đam mê, sự bền bỉ để đeo đuổi và đáp ứng được quy trình với những đòi hỏi hết sức gắt gao. Rõ ràng không được đầu tư kịp thời, không có một môi trường lý tưởng như thế, không có một người thầy giỏi và tận tâm như thầy Tuấn, có lẽ giờ, may lắm tôi mới giành được một vài HCV SEA Games.
Theo Viên, đâu là những điều tạo nên khác biệt cho mình khi tập huấn tại Mỹ?
Ðó là những bài tập chuyên biệt về kỹ thuật, thể lực mà việc đặt chiếc cốc trên trán để luyện bơi ngửa hay chạy ngược với dòng nước cực mạnh do máy đẩy, cũng chỉ là một phần. Cùng đó là chế độ dinh dưỡng, thuốc men, hồi phục cũng đặc biệt không kém. Riêng về chuyện ăn mà tôi đã phải mất tới nửa năm vừa ăn vừa khóc với thực đơn nhiều, phức tạp quá, đến giờ vẫn là một nhiệm vụ gian khổ hàng ngày… Tất cả làm nên một quy trình đúng chuẩn quốc tế, điểm nổi bật là một khối lượng vận động rất cao. Trung bình mỗi tuần tôi đang phải bơi 50-70km, gấp ba lần khi còn ở trong nước, và tới đây sẽ còn phải tăng lên.
Ngoài nỗ lực tự thân, tôi chỉ có thể vượt lên mọi thách thức nhờ có HLV Ðặng Anh Tuấn, trong vai trò của không chỉ một người thầy, mà còn là một người cha, một chuyên gia dinh dưỡng, tâm lý đích thực.
Phải lọt vào Top 8 Olympic 2016
SEA Games giờ có lẽ không cần phải nói nhiều, ASIAD cũng hoàn toàn trong tầm tay, song với các đấu trường lớn như giải vô địch thế giới hay Olympic, Viên tự thấy mình đang ở đâu và có thể tiến tới đâu?
Tôi hiểu rằng mình chưa là gì so với đẳng cấp thế giới cả. Thứ hạng cao nhất của tôi tại giải vô địch thế giới mới đây chỉ là đứng thứ 10 nội dung 400m hỗn hợp. Tôi đã 19 tuổi không còn trẻ so với “chuẩn” của một kình ngư quốc tế, nhưng mới ăn tập chuyên nghiệp 4 năm nên còn có nhiều khả năng để khai phá. Ðích nhắm của tôi là phải phấn đấu đoạt HCV ASIAD và huy chương Olympic - một điều cực khó nhưng không có nghĩa là bất khả thi.
Thế còn tại Olympic 2016?
Tôi sẽ quyết tâm lọt vào tới chung kết, tương ứng với Top 8 Olympic 2016 ở một vài nội dung sở trường, trước khi nghĩ và tính tới điều cao xa hơn. Giải vô địch thế giới đã khó, Olympic còn khó hơn rất nhiều.
Mọi người đều rất kính nể và rất tò mò theo mọi nghĩa hoàn toàn tích cực về khoản thưởng nhiều tỷ đồng, tính cả vật chất và tiền mặt mà Ánh Viên nhận được trong năm? Nếu không có gì quá tế nhị, chị có thể bật mí một chút?
Người hâm mộ chờ đón “tiểu tiên cá” Ánh Viên trở về nước sau màn trình diễn rực rỡ tại SEA Games 28. Ảnh: facebook
Không có gì bí mật hay tế nhị đâu, nhưng quả thật tôi không quan tâm và không biết mình được thưởng những gì và bao nhiêu đâu. Mọi khoản thưởng đều được chuyển về cho bố mẹ, hay nằm trong tài khoản mà chẳng mấy khi tôi để ý tới. Cuộc sống của tôi đơn giản lắm, và hiện tại vẫn gần như chưa có nhu cầu gì về tiền cả, nên nói tôi chưa biết tiêu tiền cũng đúng.
Thế thì chuyện tình yêu có lẽ với Viên còn ở rất xa?
Người yêu của tôi giờ vẫn là đường bơi xanh, cho dù tôi bị mẹ giục đấy khi thấy bạn bè ở quê nhiều người đã lấy chồng, có con bồng. Chắc chắn còn lâu tôi mới tính đến chuyện ấy. Mọi người giờ nói tôi không dùng điện thoại, mạng xã hội, chơi game là không còn đúng đâu. Tôi còn sử dụng rất thạo ấy chứ, nhưng rất hạn chế và chỉ để giải trí. Còn đúng là xe máy tôi chưa biết đi.
7 cột mốc lịch sử mang tên Ánh Viên
- Nữ kình ngư đầu tiên đoạt HCB SEA Games (2 HCB 100m ngửa, 400m hỗn hợp tại SEA Games 26).
- Kình ngư đầu tiên giành suất chính thức dự Olympic, năm 2012, sau khi vượt tới 4 chuẩn A, đồng thời là VÐV trẻ nhất của TTVN dự 1 kỳ TVH.
- Kình ngư đầu tiên giành HCV ở một cuộc đấu tầm châu Á, tại Á vận hội trẻ 2013 với 3 lần đăng quang.
- Kình ngư đầu tiên đoạt HCV một cuộc đấu tầm thế giới, tại Olympic trẻ 2014 (nội dung 200m hỗn hợp).
- Kình ngư cũng là VÐV đoạt nhiều HCV, phá nhiều kỷ lục nhất tại 1 kỳ SEA Games, ở kỳ Ðại hội 2015. VÐV ÐNÁ phá nhiều kỷ lục cá nhân nhất tại 1 kỳ SEA Games.
- Kình ngư có thứ hạng cao nhất tại một giải vô địch thế giới, với hạng 10 nội dung 400m hỗn hợp giải năm 2015.
-Kình ngư đầu tiên giành huy chương ở một giải thế giới chính thức, với 1 HCB, 1 HCÐ 400m hỗn hợp, 1 HCÐ 200m hỗn hợp, tại Cúp thế giới 2015.