> Lê Đạt-Bóng chữ ngả dài trên đường chữ
Các diễn giả trong Tọa đàm “Trần Dần văn xuôi” tại L’Espace. Ảnh: Nhã Nam. |
Cuốn sách xuất bản tháng 10 năm ngoái, đến nay tái bản lần một, theo các nhà nghiên cứu đủ thời gian để dư luận kịp đọc, ngẫm. Dịch giả Cao Việt Dũng người biên tập bản thảo thì cuốn sách này là hiện tượng bất thường. Tác phẩm di cảo của nhà văn quá cố, gần 50 năm sau khi viết mới xuất bản được.
Sự bất thường càng rõ nét khi cuốn sách xuất hiện trong giai đoạn có sự khủng hoảng nhất định trong thể loại tiểu thuyết Việt Nam. Mỗi cuốn sách một số phận, dù in ra rất lâu sau khi viết, và khi nhà văn qua đời, văn giới kỳ vọng ở tác động tích cực đến khát vọng đổi mới văn phong hiện nay.
Nói như nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: “Cuốn tiểu thuyết ra đời, giới văn học hân hoan, khoái trá. Bởi sau Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, rất lâu mới có một cuốn tiểu thuyết đọc sướng như thế. Những ngã tư và những cột đèn là cuốn viết nội dung, không phải kể nội dung. Đọc rồi, đọc lại tôi vẫn thấy háo hức, hồi hộp xem những gì xảy ra tiếp.
Trần Dần giải được bài toán văn chương không đề cao cách viết bấy lâu nay”. Nhắc lại lời nhận xét nói trong cuộc tọa đàm về thơ Trần Dần, Phạm Xuân Nguyên cho rằng hơn 30 năm ngồi trong bóng tối, Trần Dần bắt đầu lộ sáng. Cứ mỗi tác phẩm của ông lộ sáng, chúng ta đều “sốc”, “choáng”.
Đồng tình với ý kiến này đã đành, nhà thơ Dương Tường còn không tiếc lời khen người bạn Trần Dần: “Tôi có lẽ là độc giả đầu tiên của Những ngã tư và những cột đèn. Mỗi khi ông viết xong một chương, tôi được đọc.
Ở Việt Nam có ai đáng Nobel, người đó là Trần Dần. Nếu không in được tất cả di cảo của ông, không phải thiệt cho Trần Dần mà thiệt cho văn học nước ta. Đọc Trần Dần, người ta thấy khoái cảm chữ, tiếng. Cuốn tiểu thuyết như bữa tiệc ngôn ngữ. Có nhiều trang, chương như thơ”.
Buổi tọa đàm về văn xuôi Trần Dần thiếu hẳn không khí sôi nổi như khi người ta nói về thơ ông. Nhưng đa phần đều có chung cảm xúc kinh ngạc khi đọc xong Những ngã tư và những cột đèn. Nhà văn Lê Minh Khuê: “Với tư cách người viết, tôi kính trọng Trần Dần-một người trọng nghề nghiệp, một người lao động nghiêm khắc. Tôi đọc rất nhiều của ông, nhưng rất ngạc nhiên khi đọc Những ngã tư và những cột đèn. Và tôi nghĩ, nếu cuốn này được dịch tốt sẽ không thua kém tác phẩm tốt nào ở nhiều nơi, vùng đất khác”.
Ở tư cách người viết, Lê Minh Khuê cho rằng “Tiểu thuyết không được viết một cách điềm đạm, bình tĩnh, không phải là sự dễ dàng của một người kể chuyện. Nhà văn chọn cách viết, trong đó các nhân vật đi qua sắc như một nhát chém. Từ những trang đầu đã có cảm giác ông làm khó chữ nghĩa, có những đoạn lủng củng một cách cố ý”.
Một độc giả thuộc thế hệ 9X lại ấn tượng ở giọng điệu vui, cách thể hiện câu chữ “hiện đại như một blogger”, khi dùng chữ “iêu” thay vì “yêu”. Như một nhà nghiên cứu nhận xét, dù cuốn sách viết từ năm 1966 đến nay mới in, nhưng chưa dễ có cuốn nào hiện đại về kỹ thuật viết như vậy.
Cách tân về phong cách của Trần Dần ở Những ngã tư và những cột đèn, là điều dễ nhận thấy song vẫn tồn tại tranh cãi. Các diễn giả Phạm Xuân Nguyên, Cao Việt Dũng, thậm chí nhà thơ Dương Tường cho rằng tìm thấy chất Dostoevsky trong văn Trần Dần, bởi ông đưa Tội ác và trừng phạt (Dostoevsky) vào Những ngã tư và những cột đèn.
Nhưng nhà nghiên cứu sân khấu Nguyễn Văn Thành mạnh dạn: “Với tư cách người đọc, tôi thấy có không khí ngột ngạt của Kafka khi đọc tiểu thuyết Trần Dần. Trần Dần không đời nào chỉ là học trò của Dostoevsky, Trần Dần luôn thích cải tiến. Ông suốt ngày ở thư viện quốc gia, Trần Dần có thể đọc nhiều sách nước ngoài, nên rất có thể đã tiếp cận với Kafka”.
Ông cho rằng, Trần Dần chỉ có trùng lặp với Dostoevsky ở vẻ bên ngoài. Tình thế nhân vật Dưỡng thật ghê gớm-người lính đào ngũ của bên kia, bị sự săn đuổi của cả hai phía, không khác gì nhân vật của Kafka. Đó chính là cái mới, cái khác Dostoevsky của Trần Dần, và Dostoevsky không có cái xáo trộn không gian, thời gian. Điều này phải đọc tiểu thuyết mới-tiểu thuyết Kafka- thì mới có được.
Ông Thành nói thêm, Những ngã tư và những cột đèn đọc vừa thích lại vừa mệt, có cảm giác như Trần Dần chưa bộc lộ hết văn tài của mình trong đó. Trong số diễn giả, chỉ nhà văn Lê Minh Khuê đưa ý kiến hơi ngỡ ngàng về phần cuối của tiểu thuyết: Giống với tiếng thở hắt ra, có sự êm thấm, gọn gàng và sắp xếp của Trần Dần. Có lẽ con người trong sáng của ông không nỡ để mọi thứ nghiêm trọng mãi.
Trần Dần viết Những ngã tư và những cột đèn sau một thời gian dài tiếp xúc với nhiều ngụy binh cũ thời Pháp thuộc. Sở công an Hà Nội đã cấp giấy phép ra vào trại giam, để sau đó bản thảo được gửi lên Sở Công an, bản thảo đề năm 1966. Năm 1988, Sở Công an Hà Nội mang trả nguyên vẹn bản thảo cho gia đình, nhưng các nhà xuất bản từ chối in. Sau này, Trần Dần một lần nữa sửa lại bản thảo, được cho là khác nhiều với bản đặt hàng đầu tiên. |