1. Hà Lan quá sắc sảo, Chile quá mạnh mẽ. Nhưng, trong quá khứ, khi còn đích thực là “Cơn cuồng nộ màu đỏ”, Tây Ban Nha cũng đã từng đứng vững và vượt qua Đức hay Italia, những địch thủ “đồng dạng”.
Tuy nhiên, đó là thời điểm họ còn chưa thực sự “nhất thống sơn hà”, chưa hoàn tất một sự nghiệp kỳ vĩ: ba lần liên tiếp độc chiếm những đỉnh cao danh vọng.
Khi ấy, không địch thủ nào đủ bóng để tạo nên những mối nguy hiểm thực thụ dành cho họ.
Còn bây giờ, Hà Lan chẳng cần nhiều “vũ khí” đến thế để tiến hành một cuộc tàn sát, trong khi Chile có những lúc còn kiểm soát nhiều bóng hơn cả Tây Ban Nha.
2. Rất khó cho Vicente Del Bosque, khi phải đối diện với thực tế là các trụ cột dưới tay ông đều đã rã rời, sau một mùa giải rất dài và khốc liệt.
Dĩ nhiên, đó là vấn đề muôn thưở tại mọi kỳ “tranh bá đồ vương”, nhưng mọi chuyện hẳn sẽ khác nếu những bầu nhiệt huyết vẫn còn đủ sôi sục trong khát vọng.
Chính Iker Casillas cũng thừa nhận: “Tuổi tác không phải là nguyên nhân dẫn đến thất bại”. Nỗi chua xót này đã hiện diện, đầu tiên là bởi La Furia Roja không còn khả năng cháy hết mình cho chiến thắng.
Họ vẫn vào trận với tư cách là những nhà vô địch, với tâm thế của những nhà vô địch, nhưng không phải với thực lực cũng như uy thế của những nhà vô địch.
Còn chưa kịp “hoàn hồn” sau trận đòn thù bầm dập phải nhận từ Hà Lan, họ đã lại ngã sấp mặt trước “khí thế” Chile.
Và họ đều đã quá mỏi mệt để gượng dậy.
3. Kể cả Del Bosque cũng vậy, cũng không còn đủ khao khát để bật ra những ý tưởng chiến thuật hữu dụng nữa. Hay nói đúng hơn, gánh nặng hào quang phải mang trên vai đã hướng ông đi vào những con đường mịt mù, ngay từ khi lên danh sách chính thức.
Ông không nỡ từ bỏ tiqui-taca (và cũng không có lý do gì để làm điều đó), nhưng lại đặt vào tuyến đầu sức vóc của một tiền đạo chơi “cậy sức” như Diego Costa.
Có lẽ, những gì anh làm được trong mùa qua với Atletico đã che mờ mọi sự cân nhắc cần thiết, kể cả việc anh không đạt phong độ cao nhất.
Và bên cạnh anh, những “đại công thần” như Fernando Torres hay Villa vẫn còn đó, còn Negredo hay Soldado không được đoái hoài.
Phía dưới họ, Fabregas và Mata đến Brazil cũng chỉ để “làm cảnh”. Ngoài ra, tốc độ của Navas và sức trẻ của Isco cũng bị lãng quên. Còn ở hàng thủ, vẫn chưa đến thời điểm đích thực cho David De Gea.
Nghĩa là, ngoại trừ vị trí trung phong, Del Bosque vẫn đặt niềm tin vào những giải pháp quen thuộc. Phong cách truyền thống của ông là thế, mà Tây Ban Nha không cất nổi mình lên cũng vì như thế.
Lẽ ra, ông đã có thể mang đến World Cup lần này những nguồn sinh lực mới, những cánh “viện binh” xứng đáng được tin tưởng, để bảo đảm cho sự nối dài của một kỷ nguyên vô tiền khoáng hậu.
Nhưng không, điều đó chỉ còn là nỗi tiếc nuối. Các ngôi sao đã quá “thừa mứa” danh vọng rồi, và Del Bosque cũng thật sự già rồi.
Điều đặc biệt nhất ông có thể làm là xoa đầu an ủi từng nỗi thất vọng đơn lẻ. Để trong nỗi cảm hoài, người ta vẫn phải trân trọng nhân cách của bậc “Hoàng thượng sa cơ”…