Kiểu tiết kiệm của người Mỹ

Kiểu tiết kiệm của người Mỹ
TP - Mua xe mới hay dùng xe cũ thì người Mỹ đều nghĩ đến tiết kiệm cho đất nước, tiết kiệm cho chính mình. Chính sách của nước Mỹ là mang đến cho dân những hàng hóa tốt nhất, rẻ nhất. Song không vì thế mà người dân ăn chơi phung phí, vung tay quá trán.

>> Đến Mỹ, xem lắp ráp Boeing

Chuẩn bị đi hội chợ đảo Whidbey
Chuẩn bị đi hội chợ đảo Whidbey.

Mới hay cũ đều là tiết kiệm

Thời gian đầu ở đảo Whidbey khi đi thăm thành phố Seattle tôi đã chú ý tới ô tô con ở các bãi đỗ. Phải nói rằng, không kiếm đâu ra xe xấu, xe cũ. Tất cả bóng loáng, toàn xe xịn. Khi đi thăm thành phố Olimpia, ghé vào các cửa hàng mua sắm, tôi thấy các bãi đỗ xe cũng đều thế cả.

Rocky- người bạn Mỹ mà tôi đến ở nhà (home stay) bên đó còn dừng chỉ cho tôi một bãi đỗ trực thăng loại nhỏ, máy bay thể thao của tư nhân ở đằng xa. Tôi hỏi Rocky có phải người Mỹ luôn sài xe đắt tiền, xe mới? Thấy nhà ai cũng mỗi người một xe riêng, vợ, chồng, con cái? Rocky cười mà rằng: Đó là nhận xét phổ biến của bất kỳ ai đến Mỹ.

Song bạn chớ lầm. Việc sở hữu một xe ô tô cá nhân ở Mỹ là điều bình thường. Giá xe rẻ, hình thức mua xe linh động, có thể mua một lần hay trả góp. Chính phủ khuyến khích bỏ xe cũ, hỗ trợ mua xe mới trước hết để kích cầu sản xuất. Các hãng xe mới bán được hàng, và sáng tạo cải tiến mẫu mã mới đẹp hơn, ít tốn năng lượng hơn, giảm ô nhiễm môi trường, không cho xe cũ lưu hành để tránh tai nạn giao thông …

Nhà nước giảm gánh nặng phải giải quyết bao hậu quả tốn kém tiền của hơn nhiều so với tiền hỗ trợ. Thế là ích cho quốc gia, mình được đi xe mới! Ra thế! Cái đầu tôi thật “xuẩn quá”. Mình nhìn sự việc theo quan điểm của “nền nông nghiệp lúa nước” nên cứ tẩn mẩn tính toán cỏn con, không tính xa được. Hóa ra mua xe mới cũng là đóng góp, tiết kiệm làm lợi cho đất nước.

Nhưng đó là nhìn ở góc độ vĩ mô thôi, dưới góc độ cá nhân nhiều người lại có lựa chọn khác. Nhớ lại, khi tôi ở cùng ông bà William Jeffrey – Christine ở đảo Whidbey. Hai ông bà cũng có hai xe con, một xe taxi bán tải. Chiếc xe của bà trông đã cũ. Tôi hỏi sao bà không thay xe mới. Bà cười nói rằng, ông bà đã già rồi không cần thay làm gì. Vì xe này chạy vẫn tốt không có sự cố gì.

Để thể hiện, bà lái xe đưa chúng tôi đi chỉ một tay bám vô lăng, và vê vô lăng đoạn đường cong rất diệu nghệ. Thế ra có nhiều lựa chọn, nhưng mua xe mới hay dùng xe cũ thì người Mỹ đều nghĩ đến tiết kiệm cho đất nước, tiết kiệm cho chính mình. Chính sách của nước Mỹ là mang đến cho dân những hàng hóa tốt nhất, rẻ nhất. Song không vì thế mà người dân ăn chơi phung phí, vung tay quá trán.

Một chút mặt trái của tiết kiệm

Quá tiết kiệm cũng có mặt trái của nó. “Ăn cố, uống cố”, tiết kiệm không bỏ thừa thức ăn, ăn đồ ăn nhanh, đồ ăn sẵn, đồ đóng gói, uống đồ có ga, có nhiều đường có lẽ cũng là một trong những nguyên nhân làm cho phân nửa dân số Mỹ mắc bệnh béo phì.

Đi ăn với người Mỹ, tôi nhận ra, một khẩu phần ăn của họ quá lớn về số lượng. Tôi thuộc loại to con so với người Việt Nam nhưng chỉ ăn bằng ½ suất của họ. Trừ ở nhà hàng có bát đĩa, thìa dĩa bằng sứ hay kim loại, còn các đồ ăn uống đều đóng hộp, đóng gói, đóng chai – mà suất nào cũng lớn cả. Ai cũng cố ăn, cố uống bằng hết để bỏ hộp, túi, chai nhựa, bát đĩa bằng giấy tráng nhựa vào thùng rác.

Tôi mua một cốc cà phê pha sẵn đựng trong một cốc giấy tráng nhựa có nắp và ống hút. Uống no chỉ hết ½ cốc. Tôi học người Mỹ không bỏ vào thùng rác. Cứ phải cầm cốc cà phê đó, chốc chốc lại hút một ít. Gần giữa buổi sáng mới hết.

Hộp bằng giấy hay bằng nhựa ở các tiệm ăn đều có sẵn gọi là “doggy bag” để mang thức ăn thừa về nhà. Một số người Mỹ đã bắt đầu ý thức được việc ăn cố, uống cố. Nên ở tiệm ăn có gia đình chỉ gọi hai món chính, rồi nhờ bồi bàn chia cho 4 người …

Ăn cố, ăn mọi nơi = béo phì
Ăn cố, ăn mọi nơi = béo phì.

Do biết phong tục ở Mỹ và châu Âu, nên khi tôi và Võ Đăng Thiên - bạn đồng hành - mời ông bà Jeffrey Christine dùng bữa ở cửa hàng Việt Nam đã không gọi quá nhiều thức ăn. Ở nước ngoài chiêu đãi bạn bè, nhưng mỗi người tự chọn món mình thích và ăn vừa đủ không bỏ thừa vì nếu gọi chung món này tôi thích bạn không thích sẽ thừa. Và như vậy là lãng phí.

Ông bà Jeffrey cũng chỉ gọi ít bún, ít thịt bò hầm nhừ, đĩa sa lát nhỏ và hai con tôm là ăn vừa hết. Chuyện tiết kiệm cá nhân và gia đình ở Mỹ còn nhiều điều mà người Việt Nam chúng ta có thể học tập được.

Không có những dự án phá cũ làm mới

Xin quay lại một chút với tiết kiệm và ý thức cá nhân góp phần vào tầm nhìn tiết kiệm quốc gia. Tôi quan sát khắp hành trình không thấy người quét rác. Vì mỗi người có ý thức bảo vệ môi trường cũng là tiết kiệm. Để nhà nước không phải nuôi một đội ngũ vệ sinh viên hùng hậu. Đã vậy, số này còn làm cản trở cả giao thông đi lại - tức là ăn bớt thời gian sản xuất ra hàng hóa cho xã hội.

Từ Whidbey Island đến Seattle, Olempia, Washington, Philadelphia, New York, tôi chú ý quan sát cả ban ngày lẫn ban đêm. Thấy một số đường phố không cách xa trung tâm có nhiều cột điện bằng gỗ thông rất cũ - thân đã nứt nẻ, đen sạm - có dễ đã dùng vài chục năm chưa thay mới.

Cảng New York, các cọc ở cầu tầu du lịch đảo Tự do (nơi có tượng Nữ thần tự do) là những hàng cọc (không biết bằng gỗ thông hay gỗ tếch) gồm 3 chiếc to chừng cột nhà bó lại với nhau bằng các cáp thép đóng sâu vào lòng đất. Nhìn các đầu cọc nhô trên mặt nước thấy đã bị hà ăn lồi lõm, nứt nẻ - chứng tỏ đã dùng từ rất lâu. Nếu như ở xứ ta lập tức sẽ có người lập dự án để bỏ đi, thay bằng cột bê tông cốt thép cho “hiện đại, hoành tráng”. Và tất nhiên phải chi tiền không nhỏ.

Trên các xa lộ mỗi chiều mấy làn đường nối các thành phố lớn ở nước Mỹ. Có nhiều đoạn dài làn xuôi và làn ngược cách nhau một dải phân cách lớn. Làn trên ở chân các dải đồi thấp, hoặc dải đất cao có các hàng cây to lớn, xanh tốt. Làn dưới thấp hơn làn trên chừng 1,5 m.

Tôi hỏi lái xe: Tại sao không san béng cho hai làn đường bằng nhau, có phải đẹp không? Và lần này tôi lại trở thành “thằng ngốc”. Vì làn cao làn thấp cách xa nhau tránh được tiếng ồn, bụi cuốn. Có không gian phóng tầm mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp hai bên đường.

Theo như tài xế lý giải, nếu san bằng bấy nhiêu cây số sẽ tốn nhiều tiền của quốc gia. Mà như thế thì đẹp gì. Đúng thật! Để hai làn đường cao thấp có dải cỏ hoa ở giữa đẹp hơn nhiều. Đầu mình đã kém tầm, mắt lại kém thẩm mỹ. Tôi cố thề sẽ không hỏi những câu “ngốc nghếch” như vậy nữa.

Ban đêm tôi chú ý khi đi qua thành phố Seattle vào 12 giờ đêm, ở Washington vào chừng gần 10 giờ đêm, ở New York hơn 10 giờ đêm … nhiều xa lộ, phố dài gần trung tâm đèn đường đã tắt bớt, các cột điện khá thấp để tiết kiệm năng lượng. Nhà dân, công sở, các cửa hàng, siêu thị … thường làm trần thấp.

Hỏi ra mới biết đó cũng là tiết kiệm điện năng. Trần cao bóng điện phải công suất lớn mới đủ sáng. Về mùa đông khoảng không rộng, cao thì tốn điện máy điều hòa nhiệt độ. À, ra thế! Đều có tính toán khoa học cả đấy.

Nước Mỹ năng lượng ghê gớm đến thế mà tiết kiệm đến thế. Giàu đến thế nhưng những gì còn sử dụng được (như cột điện gỗ, cọc cầu tầu) thì chưa cần phải thay. Tự nhiên tôi bỗng nhớ tới câu chuyện Bác Hồ không cho thay chiếc xe Peugeot của Pháp cũ đang dùng, không cho thay dép cao su khi còn đi được …

Nhiều khi Bác không tiện nói, mà bằng hành động rất nhỏ trong đời thường để giáo dục cấp dưới, giáo dục cán bộ - những công bộc của dân…

Nhà dân, công sở, các cửa hàng, siêu thị … thường làm trần thấp. Hỏi ra mới biết đó cũng là tiết kiệm điện năng. Trần cao bóng điện phải công suất lớn mới đủ sáng. Đông - hè, khoảng không rộng, cao thì tốn điện máy điều hòa nhiệt độ. 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG