“Đây thực sự là cách sử dụng tên lửa sáng tạo và ấn tượng”, ông Choi nói. Ông là cựu giám đốc Hội đồng an ninh quốc gia Hàn Quốc và nay là phó chủ tịch Viện nghiên cứu chính sách Asan, một tổ chức tư vấn chính sách nổi tiếng ở Seoul.
Các chuyên gia nói rằng những vụ thử tên lửa gần đây nhất của Triều Tiên cho thấy Bình Nhưỡng lần đầu tiên đang nhắm vào nhiều điểm yếu của hệ thống phòng thủ tên lửa đang bảo vệ Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trước khi khôi phục hoạt động thử tên lửa vào tháng 5 năm nay, Triều tiên không thử bất kỳ tên lửa nào kể từ tháng 11/2017. Giai đoạn nghỉ đó là yếu tố quan trọng giúp tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un vào tháng 6/2018.
Ông Trump và ông Kim sau đó còn gặp nhau hai lần nữa, nhưng đến nay hầu như vẫn chưa đạt được tiến triển nào. Ông Trump hạ thấp tính nghiêm trọng của các vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên, nhấn mạnh rằng ông Kim đồng ý và tuân thủ lời hứa không thử tên lửa tầm xa và bom hạt nhân. Nhưng các vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên vẫn vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc cũng như đe dọa Hàn Quốc và Nhật Bản.
“Bạn biết đấy, ông Kim Jong Un khá thẳng thắn với tôi, tôi nghĩ thế”, Tổng thống Trump nói với các phóng viên ngày 23/8. “Và chúng ta sẽ xem điều gì đang xảy ra, sẽ xảy ra. Ông ấy thích thử tên lửa, nhưng chúng ta không hạn chế tên lửa tầm ngắn...Nhiều nước cũng thử những tên lửa đó”, ông Trump nói.
Tuy nhiên, giới chuyên gia lo ngại những vụ thử vũ khí đó cho thấy Bình Nhưỡng đang tiến xa trong chương trình phát triển vũ khí hơn mọi người tưởng. Tên lửa mới của Triều Tiên về lý thuyết có thể được kích hoạt trong thời gian ngắn hơn và bay xa hơn những thế hệ tên lửa trước.
Một số chuyên gia cảnh báo năng lực mới này có thể được áp dụng vào tên lửa tầm xa, đủ khả năng tấn công lục địa Mỹ.
“Có vẻ Triều Tiên đã có năng lực tên lửa rất rất mạnh, và có thể triển khai mọi tên lửa trong một thời gian rất ngắn”, ông Choi nói.
Nhắm vào khoảng trống
Triều Tiên dường như đã dừng chương trình tên lửa trong 17 tháng để tạo điều kiện thuận lợi cho đàm phán, nhưng giai đoạn này chấm dứt vào ngày 4/5 bằng việc Bình Nhưỡng thử một hệ thống vũ khí mới.
Báo chí nhà nước Triều Tiên nói rằng mục đích của vụ phóng này là “kiểm tra khả năng vận hành, độ chính xác và hiệu suất làm việc nổi bật bệ phóng đa tên lửa tầm xa cỡ lớn và vũ khí dẫn đường chiến thuật".
Các chuyên gia cho rằng riêng mục đích đó đã đáng ngại, nhưng loạt vụ phóng đáng nói nhất diễn ra vào tháng 7.
Sau đó, Triều Tiên phóng hàng loạt tên lửa tầm ngắn ở độ cao từ 25-50km, với tầm xa từ 220-600km từ nhiều bệ phóng khác nhau.
Triều Tiên nói rằng họ làm điều đó vì Mỹ và Hàn Quốc tiếp tục tập trận chung. Bình Nhưỡng cũng nổi giận vì Seoul mua nhiều máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ.
Độ cao của những tên lửa đó khiến ông Choi và các chuyên gia khác lo ngại, vì chúng cho thấy Triều Tiên dường như đang nhắm vào khoảng trống của 2 hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot và THAAD.
THAAD được thiết kế để tiêu diệt tên lửa bay ở tầm cao 50-150km, còn Patriot bao trùm khu vực từ 30km trở xuống, ông Choi cho biết. Hàn Quốc đang phát triển hệ thống có thể khắc phục khoảng trống này.
Theo ông Kim Dong-yub, một nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Viễn đông thuộc ĐH Kyungnam ở Seoul, những tên lửa mà Triều Tiên thử gần đây có thể vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa của Hàn Quốc vì chúng bay quá cao đối với Patriot và quá thấp để THAAD có thể đánh chặn.
Các nhà phân tích ở Hàn Quốc tin rằng Triều Tiên đã thử ít nhất 3 loại vũ khí mới: một hệ thống tên lửa dẫn đường đa nòng cỡ lớn, một hệ thống giống tên lửa Iskander của Nga, và loại “vũ khí mới” được thử vào ngày 10/8 đã bay khoảng 400km.
Không rõ liệu những vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên có được thiết kế để mang theo đầu đạn hạt nhân hay không.
“Dù có đầu đạn hạt nhân hay không...có những tên lửa đe dọa 2 đồng minh quan trọng nhất của chúng ta ở Đông Bắc Á. Đây là điều Mỹ cần giải quyết”, cựu tư lệnh lục quân Mỹ Vincent Brooks nói.
Ông Brooks từng chỉ huy gần 650.000 quân Mỹ và Hàn Quốc từ tháng 4/2014 đến tháng 11/2018, một trong những giai đoạn căng thẳng nhất trên bán đảo Triều Tiên.
Dù các nhà phân tích lo ngại trước những bước tiến quân sự gần đây của Triều Tiên, ông Brooks tin lực lượng liên quân đủ năng lực bảo vệ bán đảo, cho dù ông từ chối tiết lộ năng lực quốc phòng cụ thể. Ông cũng nói rằng các vụ phóng đó giúp Mỹ và đồng minh “hiểu rõ hơn năng lực” của vũ khí Triều Tiên.