Kiện Trung Quốc về Biển Đông: Philippines không đơn độc

Kiện Trung Quốc về Biển Đông: Philippines không đơn độc
TPO - Xét trên mọi bình diện từ lợi ích dân tộc, ổn định khu vực, mối quan tâm của quốc tế và diễn biến thực tế, Philippines không đơn độc trong vụ kiện Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông.

> Tân ngoại trưởng Mỹ ủng hộ Philippines kiện Trung Quốc
> Trung Quốc phản đối đưa tranh chấp ra tòa quốc tế

Một hòn đảo thuộc Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam
Một hòn đảo thuộc Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Trong bài xã luận mới đây, báo The Straits Times (Singapore) và South China Morning Post (Hồng Kông) cho rằng sau 3 tuần tiến hành hành động chưa từng có tiền lệ (kiện Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông), rõ ràng Manila đang đi một mình trong cuộc chiến pháp lý kéo dài nhiều năm. The Straits Times thậm chí còn cảnh báo rằng hành động mang tính khiêu khích của Manila đe dọa các nỗ lực giữa ASEAN và Trung Quốc.

Trên thực tế, Philippines không đơn độc. 

Trước khi Philippines khởi kiện, nhiều học giả Việt Nam trong những năm gần đây cho rằng trong trường hợp Trung Quốc liên tục không tuân thủ Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trong Biển Đông thì chiếu theo điều 33 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, Việt Nam có thể khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS).

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng nhiều lần lên tiếng khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, lên án các hành động của Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông và cũng đã có phản ứng chính thức trước việc Philippines khởi kiện Trung Quốc.

Báo The Inquirer (Philippines) vừa đưa tin Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario hôm 14-2 cho biết, ông đã thông báo qua điện thoại một ngày trước đó với người đồng cấp Mỹ John Kerry về việc nước này đưa tranh chấp lãnh hải lên tòa án quốc tế. 

Theo lời ông Rosario, Ngoại trưởng Mỹ Kerry ủng hộ nỗ lực của Philippines nhằm giải quyết các tranh chấp chủ quyền bằng pháp lý.

Phái đoàn nghị sĩ Liên minh châu Âu đang thăm Philippines không chỉ bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông mà còn lên tiếng ủng hộ việc Manila đưa yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc với Biển Đông ra tòa quốc tế và kêu gọi Bắc Kinh tham gia vụ kiện.

Các nhà lãnh đạo Philippines, chuyên gia quốc tế dự báo đây sẽ là cuộc chiến pháp lý kéo dài hơn cả quy trình 3-4 năm và ngay cả khi tòa án thụ lý, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không tham gia tiến trình, thậm chí không công nhận phán quyết của tòa án.

Ngay trong khu vực Đông Nam Á, ít nhất đã có ba vụ kiện lên Tòa án Công lý Quốc tế liên quan tranh chấp lãnh thổ. Đó là vào năm 1959 giữa Campuchia và Thái Lan liên quan đền Preah Vihear. Năm 1998, Indonesia và Malaysia kiện nhằm giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với hai hòn đảo. Năm 2003, Malaysia và Singapore cùng yêu cầu Tòa án Công lý Quốc tế giúp xử lý tranh chấp lãnh thổ.

Xuất phát từ tầm quan trọng của Biển Đông về địa chính trị, hàng hải quốc tế, nguồn tài nguyên khổng lồ như Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ vừa công bố…, Philippines thực sự không đơn độc trong cuộc chiến pháp lý với gã khổng lồ Trung Quốc.

Trong mối quan hệ giằng chéo về lợi ích giữa các bên liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp, cùng việc Biển Đông trở thành điểm nóng thế giới, hành trình khởi kiện Trung Quốc của Philippines trên thực tế đã không chỉ nhận được sự hỗ trợ mang tính ngoại giao tinh thần.

Sau khi Philippines đệ đơn kiện, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon lập tức lên tiếng kêu gọi giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách thân thiện, hòa bình thông qua đối thoại giữa Trung Quốc và các nước ASEAN.

Ông Ban Ki-moon cũng cho biết đang theo dõi sát sao vụ kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế về Luật Biển.

Không thể hiện quan điểm ủng hộ bên nào, nhưng ông Ban Ki-moon cho biết Liên Hợp Quốc sẵn sàng “cung cấp sự hỗ trợ kỹ thuật và chuyên nghiệp, nhưng đầu tiên, các vấn đề này nên được giải quyết giữa các bên liên quan”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG