“Với nỗi buồn sâu sắc, chúng tôi xin thông báo ông Donald Rumsfeld, một chính khách Mỹ và một người chồng, người cha, người ông, người cụ tận tuỵ, đã qua đời. Ở tuổi 88, ông đã ra đi bên cạnh gia đình thân yêu ở Taos, New Mexico”, thông báo viết.
Gia đình không cho biết ông qua đời vì nguyên nhân gì.
Ông Rumsfeld là người đã thể hiện chính sách "vận dụng cơ bắp" của chính quyền Bush trong các vấn đề thế giới.
Khi Rumsfeld đương nhiệm, lực lượng Mỹ nhanh chóng lật đổ Tổng thống Iraq Saddam Hussein nhưng không thể duy trì trật tự và luật pháp sau đó, khiến Iraq rơi vào hỗn loạn vì những cuộc nổi dậy và bạo lực đẫm máu giữa những người Hồi giáo Sunni và Shi’ite. Quân Mỹ vẫn ở lại Iraq cho đến tận năm 2011, rất lâu sau khi ông rời vị trí.
Rumsfeld đóng vai trò dẫn dắt trước khi tiến đến cuộc chiến tranh xâm lược vào tháng 3/2003. Ông cảnh báo về mối nguy hiểm của việc Iraq sở hữu vũ khí giết người hàng loạt, nhưng sau đó không có vũ khí nào như vậy được tìm thấy.
Trong lịch sử Mỹ chỉ có McNamara làm bộ trưởng quốc phòng lâu hơn Rumsfeld. Từ năm 1975-1977, ông làm chánh văn phòng Nhà Trắng thời tổng thống Gerald Ford, và từ 2001 – 2006 thời Bush.
Rumsfeld được nói là người gay gắt với một số sĩ quan quân đội và thành viên Quốc hội, đấu tranh với cả những người khác trong nhóm trợ lý của tổng thống Bush, kể cả Ngoại trưởng Colin Powell. Ông cũng xa lánh các đồng minh của Mỹ ở châu Âu.
Năm 2004, tổng thống Bush hồi đó từ chối chấp nhận thư từ chức của Rumsfeld sau khi lộ những bức ảnh binh lính Mỹ lạm dụng tù nhân tại nhà tù Abu Ghraib ở ngoại ô thủ đô Baghdad của Iraq. Vụ bê bối này châm ngòi cho một làn sóng quốc tế chỉ trích Mỹ.
Mỹ cũng bị phê phán khắp thế giới sau khi có những bức ảnh cho thấy binh lính Mỹ tươi cười và giơ ngón tay khi các tù nhân bị bóc lột tình dục và làm những động tác mô tả tư thế tình dục.
Bản thân Rumsfeld đã cho phép sử dụng những kỹ thuật tra tấn tàn bạo đối với tù nhân. Sự đối xử của Mỹ với những người bị bắt giữ ở Iraq và nghi phạm khủng bố nước ngoài ở nhà tù thuộc căn cứ hải quân trên vịnh Guantanamo, Cuba, cũng dẫn đến một làn sóng chỉ trích quốc tế.
Rumsfeld trở thành "cột thu lôi" của những chỉ trích, khi chiến tranh Iraq phần lớn rơi vào bế tắc và làm xói mòn sự ủng hộ của dư luận, khiến tổng thống Bush quyết định thay thế ông vào tháng 11/2006.
Cựu giám đốc CIA Robert Gates thay thế Rumsfeld để trở thành bộ trưởng quốc phòng vào tháng 12/2006, sau đó đã tạo ra những thay đổi lớn về chiến thuật và lãnh đạo quân sự ở Iraq.
Nhiều nhà sử học và chuyên gia quân sự đổ lỗi cho Rumsfeld vì những quyết định khiến Mỹ mắc nhiều sai lầm ở Iraq. Ví dụ, Rumsfeld khăng khẳng chỉ sử dụng một lực lượng nhỏ để tấn công Iraq, trong khi nhiều vị tướng khác phản đối điều này. Lực lượng nhỏ đó đã không đủ để ổn định Iraq sau khi Saddam bị lật đổ.