Kiên quyết loại nhà thầu nước ngoài yếu kém

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông do nhà thầu Trung Quốc thực hiện bị đội vốn, chậm tiến độ kéo dài gây bức xúc trong dư luận
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông do nhà thầu Trung Quốc thực hiện bị đội vốn, chậm tiến độ kéo dài gây bức xúc trong dư luận
TP - Chấm điểm nhà thầu nước ngoài và chấm điểm các quốc gia có nhà thầu đó để đưa ra lựa chọn tốt nhất cho mỗi công trình dự án, để tránh “vết xe đổ” như đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông. Đó là đề xuất của GS Nguyễn Anh Trí, Anh hùng Lao động, đại biểu Quốc hội trò chuyện với phóng viên Tiền Phong.  

Cảnh tỉnh nhà thầu nước ngoài

Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu phải sớm đưa dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông vào khai thác trong năm 2020. Trước tình trạng dự án “đội vốn”, chậm tiến độ, tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, ông đề nghị Chính phủ chấm điểm nhà thầu và các quốc gia có nhà thầu  để đưa vào “danh sách đen” làm ăn không nghiêm túc ở Việt Nam. Vì sao ông lại đưa ra đề xuất này?

Thực tế nhiều nhà đầu tư, nhà thầu nước ngoài đã đến và thực hiện các gói thầu ở Việt Nam. Bên cạnh những kết quả rất đáng ghi nhận, vẫn còn nhiều nhà thầu nước ngoài không hoàn thành dự án, đội vốn, chậm tiến độ và để lại nhiều hệ lụy không nhỏ. Nổi cộm trong số đó phải kể đến dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đội vốn, chậm tiến độ kéo dài khiến nhân dân và cử tri vô cùng bức xúc.

Cơ sở để tôi đưa ra đề xuất trên xuất phát từ thực tế làm ban quản lý của một số dự án trước đây. Tôi nghiệm thấy có một giải pháp hiệu quả để loại bỏ nhà thầu yếu kém bằng cách chấm điểm trước khi lựa chọn nhà thầu. Ngay từ kỳ họp thứ 8, tôi đã đề nghị Chính phủ phải chấm điểm các nhà thầu nước ngoài và chấm điểm các quốc gia có nhà thầu tại Việt Nam. Nhưng quan trọng nhất, việc chấm điểm phải được thực hiện một cách nghiêm túc, minh bạch, công khai để chúng ta loại bỏ những nhà thầu không nghiêm túc và lựa chọn được những nhà thầu xứng đáng nhất.

Kiên quyết loại nhà thầu nước ngoài yếu kém ảnh 1 GS Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội (Đoàn Hà Nội)

Việc chấm điểm phải  thực hiện như thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất, thưa ông?

Việc này rất dễ dàng thôi. Trước tiên cần thống kê xem ở Việt Nam đã có bao nhiêu nhà thầu nước ngoài tham gia các dự án, các nhà thầu đó đến từ quốc gia nào? Từ đó chúng ta mới chấm điểm từng nhà thầu căn cứ vào những dự án họ đã thực hiện. Chẳng hạn, dự án hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng công trình tốt thì chấm 100 điểm; dự án chậm tiến độ bao nhiêu tháng, bao nhiêu năm thì cứ căn cứ vào đó mà trừ điểm. Sau đó cộng lại sẽ cho ra điểm số cuối cùng. Nhìn vào số điểm, chúng ta sẽ biết được năng lực, uy tín của mỗi nhà thầu.

“Điều quan trọng nhất là chúng ta cần nhà đầu tư, nhà thầu nước ngoài nghiêm túc, có kinh nghiệm, có trách nhiệm chứ không cần những đơn vị làm ăn thiếu đứng đắn, không nghiêm túc”. 


GS Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội (Đoàn Hà Nội)

Bên cạnh đó cũng cần phải chấm điểm cả quốc gia có nhà thầu nữa. Tuy nhiên để làm được điều này, Thủ tướng Chính phủ phải cử ra một đơn vị độc lập, không liên quan đến công trình nào cả, thậm chí có thể mời cả những định chế quốc tế đến chấm điểm. Sau đó sẽ công bố công khai kết quả chấm điểm đó ở trong nước và cả quốc tế nữa.

Khi có dự án mới xây dựng các công trình lớn, rất lớn cần đấu thầu quốc tế, thì chủ đầu tư dự án sẽ dựa vào chỉ số này để lựa chọn nhà thầu. Nhà thầu nào, quốc gia nào điểm thấp, dưới 50 điểm chẳng hạn sẽ nằm trong “danh sách đen” và sẽ bị loại ngay. Như vậy, cách làm của chúng ta rất công khai, công bằng và hiệu quả.

Cách làm đó không chỉ có giá trị cảnh tỉnh đối với một nhà thầu nước ngoài, mà có giá trị để thức tỉnh sự làm ăn nghiêm túc đối với một quốc gia nữa. Quốc gia nào chẳng muốn đầu tư ra nước ngoài. Nhưng nếu bị đưa vào “danh sách đen”, bản thân họ phải tự thay đổi. Không ai khác mà chính họ phải có ý kiến về những nhà thầu của họ để chấn chỉnh, để lấy lại niềm tin với chủ đầu tư và các quốc gia họ muốn đến.

Nếu chúng ta làm tốt, tôi tin chỉ một vài năm sau, nhà thầu quốc tế sẽ tự nhìn lại mình để làm tốt hơn, đến làm ăn ở Việt Nam sẽ nghiêm túc hơn, hiệu quả hơn. Dần dần thế giới cũng thấy được môi trường đầu tư ở Việt Nam rất tốt, rất đàng hoàng, minh bạch.

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về cơ chế đặc thù đối với Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội muốn tự làm 2 dự án đường sắt đô thị với tổng số vốn hơn 100 nghìn tỷ đồng. Cá nhân ông thấy gì ở đề xuất này, và Hà Nội cần làm gì để tránh “vết xe đổ” như đường sắt Cát Linh – Hà Đông?

Tôi cơ bản đồng tình với đề xuất mà Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đưa ra tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc vừa qua là Hà Nội sẽ tự dùng nguồn vốn của thành phố để làm 2 tuyến đường sắt đô thị số 3 và số 5 trị giá 106.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là vấn đề về nguồn vốn; còn về tiến độ và chất lượng công trình dự án thì liên quan đến rất nhiều vấn đề khác nữa.

Để tránh “vết xe đổ” như đường sắt Cát Linh - Hà Đông, chúng ta cần rút ra nhiều bài học đắt giá, đặc biệt tình trạng đội vốn, chậm tiến độ kéo dài. Để đảm bảo đúng tiến độ đề ra, trước tiên, địa phương phải sớm có mặt bằng sạch để thực hiện dự án. Kế đến là kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện. Từng tham gia làm dự án, tôi có thể đánh giá, Ban quản lý dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã không có đủ kinh nghiệm, mới để xảy ra kết cục như ngày hôm nay.

Đặc biệt, bài học đáng rút kinh nghiệm nhất đó là việc lựa chọn nhà thầu quốc tế. Với dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, vừa qua nhà thầu Trung Quốc lại đòi “50 triệu USD mới cho chạy thử” khiến người dân bức xúc, đó là một đòi hỏi không nghiêm túc, một sự mặc cả của nhà thầu không đứng đắn. Vì chạy thử là một bước trong lộ trình thực hiện dự án. Còn “đưa 50 triệu USD” là một việc trong lộ trình giải ngân. Hai lộ trình này là trong một dự án nhưng không có nghĩa là một. Không thể mặc cả như một giao dịch mua sắm đơn giản giữa 2 cá nhân hay 2 gia đình nhỏ được.

Sớm quy hoạch không gian ngầm

Ngoài đường sắt trên cao, cá nhân ông cũng từng nhiều lần đề nghị phải sớm triển khai hệ thống tàu điện ngầm. Vì sao ông lại rốt ráo đưa ra đề xuất này?

Lý do đơn giản bởi đường sắt trên cao cũng chỉ là giải pháp tình thế, không thể để ở một thành phố mà chi chít những đường sắt trên cao che khuất cả tầm nhìn. Vậy, giải pháp căn cơ và lâu dài phải phát triển hệ thống tàu điện ngầm. Tôi rất mong muốn Hà Nội và TPHCM nếu phát triển hệ thống giao thông thì đừng xây dựng đường sắt trên cao nữa mà nên xây dựng hệ thống tàu điện ngầm.

Hiện không gian ngầm ở những thành phố lớn, đặc biệt ở Hà Nội còn đang để lãng phí. Nhiều nước trên thế giới, đặc biệt Nhật Bản, nhiều nơi của họ trở thành thành phố dưới lòng đất, với đầy đủ các hoạt động thương mại, du lịch, vui chơi, giải trí, nhà hàng, khách sạn… Chính vì vậy, dù có tốn kém, đắt đỏ, dù khó khăn mấy chúng ta cũng phải làm. Chúng ta càng để lâu càng tốn kém và lãng phí không gian ngầm.

Hà Nội đến nay cũng đã lên đến gần 10 triệu người. Với mức tăng dân số như vậy, thử hỏi sau 30 năm nữa, làm sao đủ đất để chúng ta mở rộng? Vì vậy, bắt buộc chúng ta phải khai thác không gian ngầm dưới lòng đất. Dù bây giờ chưa làm ngay được thành phố ngầm nhưng tôi vẫn tha thiết đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mời chuyên gia quốc tế  giỏi, có kinh nghiệm đến làm quy hoạch không gian ngầm của các thành phố như Hà Nội và TPHCM với tầm nhìn hàng trăm năm.

Có thể nhiều năm nữa chúng ta mới xây dựng được, nhưng ngay lúc này chúng ta phải có quy hoạch không gian ngầm, để các công trình xây dựng trên mặt đất bây giờ đã phải tuân thủ quy hoạch không gian ngầm cho tương lai. Có như vậy chúng ta mới giải quyết tốt được bài toán về giao thông, nhà ở, về phát triển kinh tế và cả mỹ quan đô thị trong tương lai.

Cảm ơn ông. 

MỚI - NÓNG