Kiến nghị thành phố Hà Nội điều chỉnh lại phí lòng, hè đường

Để tránh việc “sốc” giá trông xe, quận Hoàn Kiếm đề xuất thành phố chỉ nên tăng gấp đôi hoặc thấp hơn
Để tránh việc “sốc” giá trông xe, quận Hoàn Kiếm đề xuất thành phố chỉ nên tăng gấp đôi hoặc thấp hơn
TPO - Sau hơn 1 tuần UBND thành phố Hà Nội có đề xuất tăng phí sử dụng tạm thời lòng, hè đường lên cao nhất gấp 3 lần, đại diện một số cơ quan trong đó có chính quyền quận Hoàn Kiếm đã kiến nghị lãnh đạo thành phố Hà Nội cần điều chỉnh lại.

Giá trông xe tăng “sốc” trên 3 lần

Từ thực tế trông giữ xe tại Hà Nội hiện nay, giá trông phương tiện đang được hình thành từ nguồn phí, thuế phải nộp cho nhà nước, phí nhân công và chi phí quản lý doanh nghiệp (DN). Theo đó, với mức phí sử dụng lòng, hè đường được HĐND thành phố Hà Nội thông qua tại Quyết định số 20 năm 2016, thì phí sử dụng tạm thời lòng đường có mức cao nhất là 80.000 đồng/m2/tháng, phí vỉa hè cao nhất là 45.000 đồng/m2/tháng.

Từ mức phí này, cộng thuế VAT (trên hợp đồng hoặc vé), thuế DN và chi phí nhân công, mức phí trông giữ xe tại khu vực nội thành Hà Nội hiện được niêm yết như sau: Đối với xe máy mức phí cao nhất là 50.000 đồng/tháng (giá vé lượt 3.000 đồng/lượt); đối với ô tô gửi ban ngày có giá từ 1 triệu đến 2,5 triệu đồng/tháng (vé lượt từ 20.000 đồng đến 40.000 đồng/lượt).

Tuy nhiên đầu tháng 11 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội có đề xuất điều chỉnh mức phí sử dụng lòng, hè đường tại khu vực trung tâm tăng cao nhất 3 lần. Từ mức đề xuất tăng phí mới của UBND thành phố, nhiều đơn vị, DN đang tổ chức trông giữ xe theo Quyết định số 58/2016 của UBND thành phố Hà Nội đều khẳng định, nếu thành phố tăng phí lòng, hè đường như trên sẽ đồng nghĩa với việc họ phải tăng giá trông xe.

Theo đại diện một đơn vị đang được cấp phép trông giữ xe trên đường tại các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, với mức tăng phí lòng, hè đường từ 2 đến 3 lần được thực hiện, mức phí trông xe cũng sẽ được điều chỉnh ngay cho phù hợp. Cụ thể, thay vì mức giá từ 1 triệu đến 2,5 triệu đồng/tháng (vé lượt từ 20.000 đồng đến 40.000 đồng/lượt) với ô tô, để đủ kinh phi thu chi DN trông xe phải thu mỗi ô tô 4 triệu đồng/tháng, vé lượt là 100.000 đồng/lượt (2 giờ); với xe máy 220.000 đồng/tháng, vé lượt là 10.000 đồng/lượt (2 giờ). Lý giải cho mức thu trên, DN đưa ra con số tính toán: 1 ô tô đang chiếm chỗ đỗ 11 m2, với mức phí lòng đường đề xuất tăng 240.000 đồng/m2, mỗi tháng DN phải trả 2.640.000 đồng/ôtô, cùng với đó là 10% thuế VAT, 20% thuế thu nhập DN, chi phí lương, chế độ nhân viên… khoảng 1.200.000 đồng/tháng.

Tổng cộng mỗi tháng 1 ô tô DN phải chi 3.940.000 đồng. Với mức phí này, để hoạt động được, mỗi tháng DN phải thu ít nhất từ 4 triệu đến 4,1 triệu/ô tô, nếu chi ra vé lượt mỗi lượt sẽ có giá 130.000 đồng/lượt (2 giờ). Với xe máy, theo tính toán, mỗi xe máy đang chiếm 1 m2, mỗi tháng DN phải đóng 135.000 đồng/tháng, cộng các khoản chi phí DN như ở trên thêm khoảng 80.000 đồng, mỗi tháng DN phải đóng thuế là 215.000 đồng/xe máy, để hoạt động được DN phải thu ít nhất, từ 230.000 đến 240.000 đồng/xe máy, thu theo lượt sẽ là 10.900 đồng/lượt.

Kiến nghị thành phố điều chỉnh lại

Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến - Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội cho rằng, với mức tăng phí đến gấp trên 3 lần như ở trên là quá cao, nếu buộc phải tăng cần tăng, UBND thành phố Hà Nội chỉ cần đưa ra phương án tăng từ 1,5 đến 2 lần là hợp lý.

Trước việc UBND thành phố Hà Nội vừa trình HĐND thành phố phương án tăng phí sử dụng tạm thời lòng, hè đường lên gấp 3 lần, ngày 20/11 đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, quận vừa có văn bản có văn bản kiến nghị với các cơ quan của thành phố cần phải điều chỉnh lại mức này theo hướng giảm xuống.

Theo lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm, theo quy định của thành phố, mức phí sử dụng tạm thời lòng, hè đường để trông giữ ô tô có các mức cụ thể, trên 12 tuyến phố chính là 80.000 đồng/m2/tháng, các tuyến còn lại – gồm 154 đường phố là 60.000 đồng/m2/tháng; với xe máy, mức phí là 45.000 đồng/m2/tháng trên 17 tuyến phố chính, 25.000 đồng/m2/tháng trên 149 tuyến phố còn lại. Tuy nhiên, theo phương án sẽ trình HĐND thành phố vào tháng 12 tới, mức phí trên được UBND thành phố đề xuất tăng cao nhất gấp 3 lần. Căn cứ tình hình thực tế địa bàn, UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất cần điều chỉnh mức phí này ở mức tăng thấp hơn.

Cụ thể, khu vực lõi đô thị (12 tuyến phố cấp 1): với ô tô từ 240.000 đồng/m2 (như phương án của thành phố) giảm xuống 100.000 đồng/m2/tháng; với xe máy từ 135.000 đồng giảm xuống còn 50.000 đồng/m2/tháng; các tuyến phố còn lại, với ô tô: từ 150.000 đồng giảm xuống 80.000 đồng/m2/tháng, xe máy từ 90.000 đồng giảm xuống 30.000 đồng/m2/tháng.

MỚI - NÓNG