Kiến nghị dùng 100% kinh phí công đoàn chăm lo đời sống người lao động

Các hiệp hội kiến nghị dùng toàn bộ kinh phí công đoàn chăm lo đời sống người lao động
Các hiệp hội kiến nghị dùng toàn bộ kinh phí công đoàn chăm lo đời sống người lao động
TPO - “Khoản kinh phí công đoàn phải được đối xử đúng ý nghĩa của nó là chăm lo đời sống của người lao động, đầu tư vào các hoạt động cho người lao động. Toàn bộ hoặc tối đa kinh phí công đoàn phải được dành cho các lợi ích của người lao động”, các hiệp hội kiến nghị.

Đề nghị giảm còn tối đa 1%

8 hiệp hội doanh nghiệp, trong đó có Hiệp hội dệt may, Hiệp hội chè Việt Nam, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam vừa gửi đóng góp ý kiến xây dựng Luật Công đoàn sửa đổi lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…

Kiến nghị đáng chú ý được các hiệp hội đưa ra là giảm tỷ lệ trích nộp kinh phí công đoàn xuống còn tối đa 1% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Đề xuất này có sự không đồng nhất giữa Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Công đoàn về kinh phí hoạt động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Theo các hiệp hội, nếu Luật Công đoàn cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được quyền thu và nắm giữ kinh phí công đoàn là tạo ra một mâu thuẫn nội tại trong hệ thống pháp luật, cụ thể là Luật Ngân sách Nhà nước.

“Trong trường hợp Quốc hội quyết định tiếp tục thu kinh phí công đoàn từ người sử dụng lao động, chúng tôi xin được kiến nghị khoản tiền này không nhằm phục vụ cho hoạt động của các cơ quan trong hệ thống công đoàn đã được ngân sách nhà nước cấp kinh phí và chỉ phục vụ cho việc chăm lo đời sống cho người lao động tại doanh nghiệp”, kiến nghị nêu.

Các hiệp hội cũng để nghị đổi tên kinh phí công đoàn thành khoản tiền chăm lo cho lợi ích của người lao động và khoản tiền này do nhà nước quản lý chứ không phải do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nắm giữ, nhằm tách biệt hẳn khoản tiền này ra khỏi các chi phí hoạt động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - tức kinh phí hoạt động thuộc trách nhiệm của ngân sách nhà nước.

Các hiệp hội cũng lập luận, doanh nghiệp đóng thuế, tức đã gián tiếp đóng góp kinh phí cho công đoàn thông qua ngân sách nhà nước. Nay phải trích nộp thêm kinh phí công đoàn nghĩa là doanh nghiệp phải đóng thêm 2% thuế trên qũy lương làm căn cứ đóng BHXH của doanh nghiệp.

“Sau 8 năm thực hiện Luật Công đoàn 2012, khi tình hình kinh tế xã hội đã có rất nhiều thay đổi, các mức lương tối thiểu vùng đã tăng lên nhiều lần và quy mô lao động tại các doanh nghiệp đã tăng lên, khiến cho quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác) trở nên rất lớn và tiếp tục phình to khi lương tối thiểu tiếp tục tăng trong các năm tới, vì vậy đã đến lúc chúng ta cần phải xem xét giảm tỷ lệ đóng kinh phí công đoàn 2% xuống mức phù hợp”, hiệp hội nêu.

Dẫn chứng báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước năm 2019 về việc quản lý, sử dụng tài chính công của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, với tổng thu tài chính công đoàn trong 7 năm là 100.354 tỷ đồng. Tổng thu trung bình mỗi năm tăng 12%... Số liệu nêu trên cho thấy việc tăng trưởng mạnh của quỹ công đoàn theo mức thu 2% kinh phí đông đoàn, các cấp công đoàn đã không sử dụng hết số tiền thu được.

Chúng tôi kiến nghị Luật Công đoàn cần sửa đổi và quy định mức nộp kinh phí công đoàn tối đa 1% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Chính phủ có quyền quyết định tỷ lệ đóng này theo từng thời kỳ, tùy theo tình hình kinh tế xã hội.

Cần cơ quan độc lập quản lý kinh phí công đoàn

Đáng lưu ý, mức chi lương phụ cấp và quản lý hành chính chiếm tới 20.200 tỷ đồng, gần 26,3% tổng chi công đoàn, đồng nghĩa với việc cứ chi cho người lao động 1 đồng lại mất 0,5 đồng chi lương và hành chính. So sánh với cùng cơ quan quản lý hành chính thì định mức chi cho cán bộ công đoàn cao hơn rất nhiều so với định mức chi hành chính của biên chế nhà nước khác.

“Khoản kinh phí công đoàn phải được đối xử đúng ý nghĩa của nó là chăm lo đời sống của người lao động, đầu tư vào các hoạt động cho người lao động. Toàn bộ hoặc tối đa kinh phí công đoàn phải được dành cho các lợi ích của người lao động. Chúng tôi một lần nữa nhấn mạnh kiến nghị rằng không dùng kinh phí công đoàn làm kinh phí hoạt động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”, các hiệp hội nhấn mạnh.

Theo các hiệp hội, cần có một cơ quan nhà nước độc lập thuộc Chính phủ, tách biệt với tổ chức công đoàn để quản lý nguồn kinh phí công đoàn này và quyết định việc sử dụng, chi tiêu một cách hiệu quả nhất cho lợi ích của người lao động. Trong bối cảnh sẽ có các tổ chức đại diện người lao động khác ngoài công đoàn, độc lập và bình đẳng với công đoàn, cần phải có một cơ chế công bằng và minh bạch, rạch ròi về khoản tiền này, nhằm tạo ra một môi trường bình đẳng cho tất cả các tổ chức đại diện của người lao động hoạt động.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.