Kiến nghị di chuyển rùa Hoàn Kiếm đến nơi an toàn hơn

TPO - Chương trình Bảo tồn rùa châu Á (ATP) vừa có công văn kiến nghị các cơ quan chức năng có biện pháp kịp thời bảo vệ cá thể rùa Hoàn Kiếm mới phát hiện trước các mối đe dọa vừa phát sinh, đồng thời di chuyển cá thể này về nơi ở an toàn hơn.
Kiến nghị di chuyển rùa Hoàn Kiếm đến nơi an toàn hơn ảnh 1

Cá thể rùa Hoàn Kiếm ở Xuân Khanh

Theo ATP, nguy cơ cá thể rùa Hoàn Kiếm ở Xuân Khanh có thể bị bắt, buôn bán, và vận chuyển trái phép đang gia tăng. Cụ thể, từ ngày 17 tháng 9 tới ngày 04 tháng 10 năm 2018, đội đánh cá thuộc Công ty TNHH xí nghiệp Thủy sản Suối Hai (đơn vị thầu khai thác thủy sản tại hồ Xuân Khanh) đã tiến hành đánh bắt cá trên hồ Xuân Khanh và tiếp tục sử dụng phương thức “đánh chuồng” có nguy cơ gây hại, bắt rùa Hoàn Kiếm. Hôm qua (29/10/2018), đội đánh cá lại tiếp tục sử dụng phương thức đánh bắt này và tiếp tục triển khai hoạt động đánh bắt cá trên hồ.

Theo ATP, với diện tích nhỏ, sản lượng cá đánh bắt được thấp (ước tính khoảng 40 tấn cá bắt được từ tháng 4/2018 tới tháng 9/2018), và tần suất đánh bắt cao, các hoạt động khai thác thủy sản đã và đang triển khai trên hồ Xuân Khanh sẽ có tác động tới môi trường sống và sức khỏe của cá thể rùa Hoàn Kiếm đang sống trong hồ. 

ATP cũng cho biết, hoạt động xả thải trái phép xuống hồ Xuân Khanh (vừa bị cơ quan chức năng bắt quả tang) cũng gây tác động xấu đến môi trường sống của cá thể rùa Hoàn Kiếm mới phát hiện. Cụ thể, vào đêm ngày 23 tháng 10 năm 2018, đoàn thanh tra thuộc Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã phát hiện bãi rác Xuân Sơn xả trái phép nước rỉ rác chưa qua xử lý ra hồ cạnh Hợp tác xã Thành Công và chảy tràn ra hồ Xuân Khanh với lưu lượng khoảng 700m3/ngày đêm. Theo các chuyên gia, nước rỉ rác có nồng độ ô nhiễm rất cao, thành phần ô nhiễm đa dạng nên khi thải ra môi trường sẽ gây tác động xấu tới môi trường sống và đặc biệt là sức khỏe của cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Xuân Khanh. 

ATP đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông Thông Hà Nội có các biện pháp kịp thời để giải quyết các vấn đề nêu trên nhằm bảo vệ môi trường sống và cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Xuân Khanh. Tổ chức này cũng kiến nghị UBND thành phố Hà Nội sớm có biện pháp di chuyển cá thể rùa này về môi trường sống mới sạch và ít bị tác động hơn. 

Trước đó, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch Bảo tồn các cá thể giải Sin-hoe (rùa Hoàn Kiếm) tại các hồ Đồng Mô và hồ Xuân Khanh giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2030 với mục tiêu lâu dài là ngăn chặn sự suy giảm, từng bước phục hồi, cải thiện và tăng số lượng rùa Hoàn Kiếm trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo kế hoạch, trước mắt tập trung bảo vệ an toàn rùa Hoàn Kiếm tại 2 hồ, nghiên cứu xây dựng cơ sở bảo tồn rùa Hoàn Kiếm đồng thời tiến hành điều tra, xác minh số lượng cá thể, giới tính rùa Hoàn Kiếm tại hồ Đồng Mô và Xuân Khanh.

Dự kiến giai đoạn 2021- 2025 sẽ nghiên cứu đặc điểm sinh học, điều kiện tự nhiên, môi trường phù hợp làm căn cứ đề xuất kế hoạch ghép đôi sinh sản, nếu được. Từ đó đến 2026 sẽ thực hiện các dự án bảo tồn, ghép đôi sinh sản, ương nuôi giống loài rùa Hoàn Kiếm, tiến tới phục hồi quần thể loài rùa quý hiếm nhất thế giới và là biểu tượng tâm linh của người Hà Nội.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.