Sáng 26/12, tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), đại diện UBND TP. Cần Thơ có báo cáo liên quan tới phòng, chống tệ nạn xã hội năm 2023 trên địa bàn.
Theo đại diện UBND TP. Cần Thơ, hiện thành phố có 9 quận/huyện, với hơn 1.000 cơ sở kinh doanh, dịch vụ. Số lượng người bán dâm trên địa bàn thành phố có hồ sơ quản lý là 40 người, nhưng thực tế ngoài xã hội cao hơn. Trong năm 2023, lực lượng thực thi pháp luật địa phương đã khởi tố, đưa ra xét xử 3 vụ môi giới mại dâm, với 5 bị cáo.
Trong năm 2023, địa phương đã triển khai và lồng ghép triển khai tuyên truyền, tư vấn, khám chữa bệnh, can thiệp dự phòng các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho người bị nhiễm HIV/AIDS, người bán dâm. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền, hỗ trợ người bán dâm tiếp cận, sử dụng thuận tiện các dịch vụ y tế; tuyên truyền phòng chống mại dâm 1 cuộc có 46 người dự.
Lãnh đạo TP. Cần Thơ đánh giá, công tác phòng chống tệ nạn xã hội, trong đó có mại dâm, hiện còn một số khó khăn. Hiện, chưa có tiêu chí cụ thể để xác định người bán dâm hoặc người bán dâm hoàn lương. Từ đó, cơ quan quản lý gặp khó trong việc rà soát, thống kê, quản lý, hỗ trợ thay đổi công việc cho người bán dâm hòa nhập cộng đồng, đặc biệt với nhóm nữ nhân viên làm trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ dẫn đến hoạt động mại dâm. Chưa có hướng dẫn về định mức kinh tế - kỹ thuật hỗ trợ hoạt động các mô hình, câu lạc bộ tại cộng đồng.
Từ đó, lãnh đạo địa phương kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH quy định tiêu chí cụ thể việc xác định “người bán dâm”, “người bán dâm hoàn lương”, để đảm bảo việc rà soát, thống kê, quản lý, hỗ trợ thay đổi công việc cho người bán dâm hòa nhập cộng đồng.
Ngoài ra, tại TP. Cần Thơ hiện có hơn 2.200 người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý, với 2 cơ sở cai nghiện. Tuy nhiên, trong 10 năm qua, cơ sở cai nghiện ma tuý tại Cần Thơ không tuyển được bất kể bác sĩ nào vào làm việc, do chính sách thu hút chưa đủ hấp dẫn, khó tuyển dụng được nhân sự.