Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình

Kiên Giang cần tăng tốc thực hiện các đột phá chiến lược và nhiệm vụ trọng tâm

TPO - Ngày 15/10, phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025), ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng, nhiệm kỳ qua Kiên Giang đã có nhiều nỗ lực vượt khó vươn lên giành được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Tuy nhiên: “nghiêm túc kiểm điểm trên từng lĩnh vực, vẫn còn những hạn chế, yếu kém”.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình phát biểu: Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức như thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn... nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Kiên Giang đã phát huy thành quả đạt được, đoàn kết, thống nhất, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các mặt. Hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu về Kinh tế - Xã hội đều đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ X; thực hiện có trọng tâm, trọng điểm 3 đột phá chiến lược, các tiềm năng lợi thế như nuôi trồng, đánh bắt thủy sản xa bờ, vận tải biển, du lịch biển được khai thác, phát huy tốt hơn, góp phần cùng cả nước thực hiện hiệu quả mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”, nổi bật.

Kiên Giang cần tăng tốc thực hiện các đột phá chiến lược và nhiệm vụ trọng tâm ảnh 1 Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang.

Kinh tế tăng trưởng nhanh, bình quân đạt 7,22%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng gấp 1,52 lần so với năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 2.458 USD/năm (gấp 1,66 lần so với đầu nhiệm kỳ). Thu ngân sách gấp 2,13 lần so với 2015 và đứng thứ 2 khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đều tăng trưởng khá. Kiên Giang là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về sản lượng lương thực và thủy sản (sản lượng lúa năm 2020 ước đạt 4,3 triệu tấn, lúa chất lượng cao chiếm 72%; sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản khoảng 755 nghìn tấn). Đặc biệt, du lịch phát triển khá mạnh, doanh thu hơn 20 nghìn tỷ đồng, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Chất lượng giáo dục-đào tạo tiếp tục được nâng lên, đạt mức khá trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và trên mức bình quân chung của cả nước. Phát triển văn hóa, xây dựng con người, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được chú trọng thực hiện đồng bộ; bảo tồn những phong tục tập quán, lễ hội đặc sắc, đậm đà của miền sông nước miền Tây… Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm nhanh từ 9,78% (đầu nhiệm kỳ) xuống còn 2,69%.

Công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh và đạt được kết quả bước đầu, qua đó đã góp phần phòng ngừa, răn đe, hạn chế xảy ra sai phạm. Quốc phòng-an ninh được tăng cường, chủ quyền biên giới quốc gia, biển đảo được giữ vững; thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân ngày càng vững chắc; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục mở rộng, rất có ý nghĩa đối với một tỉnh có đường biên giới khá dài, vùng biển khá rộng như Kiên Giang.

Những kết quả nêu trên là rất ấn tượng, cho thấy sự nỗ lực, quyết tâm chính trị rất cao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Kiên Giang, đã tạo được những tiền đề rất căn cơ và quan trọng để Kiên Giang phát triển nhanh hơn trong thời gian tới.

 Những thành tựu của nhiệm kỳ qua là rất đáng phấn khởi, song nghiêm túc kiểm điểm trên từng lĩnh vực, vẫn còn những hạn chế, yếu kém, đó là: Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên một số mặt chưa hiệu quả. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn thấp. Công tác tổ chức cán bộ còn một số hạn chế; tạo nguồn cán bộ nữ, cán bộ trẻ còn khó khăn. Hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền các cấp ở một số lĩnh vực, nhất là trong quản lý tài nguyên môi trường, đất đai còn hạn chế. Phát triển Kinh tế - Xã hội chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh còn thấp (đứng thứ 31/63 tỉnh, thành phố).

 Một số chỉ tiêu chủ yếu và mục tiêu đưa Kiên Giang thành tỉnh phát triển khá của cả nước chưa đạt được. Kết cấu hạ tầng phát triển chưa đồng bộ, nhất là kết nối với các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh. Chất lượng nguồn nhân lực chưa cao. Đời sống của một bộ phận nhân dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn. An ninh vùng biển, biên giới, nông thôn và tình hình khiếu kiện đông người... cần tiếp tục được quan tâm nhiều hơn. Công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất và đầu tư còn nhiều hạn chế, bất cập. Phát triển dịch vụ du lịch chưa gắn với bảo vệ tốt môi trường. Đây là những hạn chế, yếu kém đã được các đồng chí chỉ rõ trong báo cáo chính trị và nhất là trong báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Kiên Giang cần tăng tốc thực hiện các đột phá chiến lược và nhiệm vụ trọng tâm ảnh 3 Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo tỉnh Kiên Giang.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình cũng hoan nghênh tinh thần tự phê bình và phê bình của các đồng chí đảng viên và tin tưởng rằng những hạn chế, yếu kém đó sẽ được khắc phục trong nhiệm kỳ tới.

Với chủ đề: “Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; giữ vững quốc phòng, an ninh; đổi mới, sáng tạo, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế; duy trì là một trong những tỉnh phát triển dẫn đầu của vùng đồng bằng sông Cửu Long và trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030”. Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI đã thể hiện định hướng, ý chí, quyết tâm và khát vọng vươn lên của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh trong nhiệm kỳ tới và tầm nhìn đến năm 2030.

 Phó thủ Tướng Thường trực Trương Hoà Bình nhất trí với Chủ đề Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI, các nội dung đã nêu trong Báo cáo chính trị. Để đạt được những mục tiêu đề ra, đòi hỏi toàn Đảng bộ phải đoàn kết, thống nhất hơn nữa, có quyết tâm rất cao, tạo bước đột phá để phát triển; cùng nhau phát huy tinh thần, hun đúc ý chí khát vọng vươn lên mạnh mẽ, khai thác tốt những lợi thế, tiềm năng đưa Kiên Giang trở thành một tỉnh khá của cả nước trước năm 2030. Đại hội phải xác định nhiệm kỳ tới dù là thời cơ, thuận lợi, hay khó khăn, thách thức đều là động lực thôi thúc toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh nỗ lực hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đề ra.

Tỉnh cần xác định tiếp tục thực hiện 3 đột phát chiến lược về xây dựng kết cấu hạ tầng, cải cách thể chế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xác định các trụ cột phát triển Kinh tế - Xã hội của tỉnh như kinh tế biển, xây dựng hạ tầng giao thông; tăng tỷ trọng dịch vụ với việc đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ du lịch chất lượng cao, phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân. 

Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đề nghị các đồng chí đại biểu của Đại hội cần quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn của Trung ương về công tác nhân sự Đại hội, phát huy truyền thống đoàn kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm, dân chủ, sáng suốt lựa chọn các đồng chí tiêu biểu về trí tuệ, bản lĩnh chính trị, có phẩm chất đạo đức, năng lực lãnh đạo và sức khỏe bầu tham gia Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI; bầu một lần đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, cơ cấu theo phương án nhân sự đã được duyệt để Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 thực sự là hạt nhân lãnh đạo, đủ năng lực triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội. Đại hội cần xem xét lựa chọn những đồng chí xứng đáng, đủ tiêu chuẩn, để bầu vào Đoàn đại biểu đi dự Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang đặt ra trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là rất nặng nề, nhưng cũng rất vẻ vang. Bộ Chính trị, Ban Bí thư tin tưởng rằng Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Kiên Giang tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, tăng tốc thực hiện các đột phá chiến lược và những nhiệm vụ trọng tâm, hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.

 Nhân dịp này, Đoàn chủ tịch Đại hội cũng phát động phong trào quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung đang bị ảnh hưởng bão lũ nghiêm trọng trong thời gian qua.

MỚI - NÓNG
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
TPO - Công viên chạy dọc từ cầu Ba Son đến cầu Thủ Thiêm với chiều dài hơn 1 km, tổng diện tích 10ha được đề xuất thực hiện để nối dài tổ hợp công viên ven sông Sài Gòn tạo nên sân chơi công cộng có sức chứa lớn, nhiều hoạt động mới lạ, thu hút người dân và du khách đến tham quan, giải trí, tận hưởng dòng sông.