Cho ô tô đi làn xe máy trên cầu Chương Dương là sai thiết kế:

Kiểm tra, rà soát lại giao thông trên cầu

Ngoài đông phương tiện, hiện cầu Chương Dương còn có rất nhiều xe tải chở hàng dưới 3 tấn lưu thông cả ngày Ảnh: T.Đảng
Ngoài đông phương tiện, hiện cầu Chương Dương còn có rất nhiều xe tải chở hàng dưới 3 tấn lưu thông cả ngày Ảnh: T.Đảng
TP - Đề cập đến công tác tổ chức giao thông khi cho ô tô đi vào làn xe máy trên cầu Chương Dương (Tiền Phong ngày 5/11 đã phản ánh), sáng 5/11 ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở GTVT sẽ rà soát, kiểm tra, nếu có bất cập sẽ điều chỉnh lại cho hợp lý.

Theo ông Tuấn, cầu Chương Dương được đưa vào sử dụng năm 1985, và năm 2003 cầu được Bộ GTVT bàn giao cho thành phố Hà Nội quản lý. Với việc tổ chức cho ô tô đi vào làn xe máy ở hai bên, ông Tuấn cho rằng, do thời điểm tiếp nhận khu vực nội thành Hà Nội chỉ có mỗi cầu Chương Dương đi ô tô qua sông Hồng nên mật độ phương tiện rất đông. Giao thông ở hai làn đường chính dành cho xe ô tô thường xuyên quá tải, ùn tắc kéo dài nên liên ngành GTVT - Công an Hà Nội đã thống nhất đề xuất và được UBND thành phố cho phép ô tô được đi vào làn xe máy ở cả hai bên.

Thời điểm hiện nay khu vực nội thành đã có thêm cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì, ông Tuấn cho biết, sau khi có thêm 2 cầu trên, toàn bộ xe khách, xe tải từ hướng nội thành đi các tỉnh phía Bắc và ngược lại đã được phân luồng ra phía cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì. Với cầu Chương Dương hiện nay ngoài cấm xe tải, xe khách liên tỉnh còn cấm cả taxi chạy giờ cao điểm, tuy nhiên mật độ phương tiện, đặc biệt là ô tô qua cầu vẫn đông, nhất là buổi sáng theo hướng từ Long Biên vào nội thành và buổi chiều thì ngược lại.

Theo khảo sát, phương tiện qua lại cầu Chương Dương vẫn thuộc top cao nhất trong các tuyến đường, nút giao thông lớn trên địa bàn Hà Nội, do vậy việc phần đường giữa cầu Chương Dương dành cho xe ô tô chỉ có 1 làn cho mỗi chiều là quá hẹp, nếu cho ô tô đi hết vào đây sẽ gây ùn tắc kéo dài.

Khi phóng viên đề cập đến thiết kế hai làn đường biên chỉ dành cho xe máy và hệ thống lan can trên cầu cũng chỉ đảm bảo an toàn cho loại xe này, không có bờ bê tông bảo vệ phía ngoài để ngăn ô tô lao ra như cầu Thăng Long, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, ông Tuấn cho rằng, sau sự việc xe ô tô Mercedes đâm đổ lan can cầu Chương Dương lao xuống sông khiến 2 người thiệt mạng, Sở GTVT Hà Nội sẽ rà soát, kiểm tra.

“Đây là vụ tai nạn hy hữu và chưa từng xảy ra trong 15 năm cầu Chương Dương được bàn giao về thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, Sở GTVT sẽ rà soát, kiểm tra các thiết bị đảm bảo an toàn tại đây, cùng với đó là công tác tổ chức, phần luồng giao thông. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện có những vấn đề bất cập, Sở GTVT sẽ thay mặt liên ngành đề xuất UBND thành phố phương án điều chỉnh lại cho hợp lý”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Cần gia cố bờ lan can, nắn lại luồng xe tải

 Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Ô tô Việt Nam cho rằng, do thực tế cầu Chương Dương vốn là nằm trên QL1 trước đây nên khi có thêm cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì, cầu Chương Dương vẫn là cầu huyết mạch tại nội thành. Ông Quyền cho rằng, thiết kế 2 làn đường biên và hệ thống lan can chỉ đảm bảo cho xe máy, nay cho ô tô đi vào cần phải gia cố thêm hệ thống bờ lan can, đắp thêm bờ bê tông cho an toàn, đảm bảo làm sao ô tô có đâm, va vào cũng bị cản, đẩy lại chứ không thể lao ra ngoài.

Ông Trần Anh Đại, Giám đốc Xí nghiệp quản lý cầu Chương Dương cũng đồng tình với phương án kiến nghị phân luồng trên và cho biết, tuy là cầu không hạn chế trọng lượng nhưng dầm, sàn cầu Chương Dương vẫn thi công bằng công nghệ lắp ghép. Sau 33 năm sử dụng, nhiều hệ thống của cầu đã bị giãn, cần điều tiết phương tiện hợp lý để tăng tuổi thọ của cầu, cùng với đó đơn vị quản lý cũng có thêm điều kiện duy tu, bảo dưỡng cầu tốt hơn.

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.