Kiểm toán Nhà nước: Ba ngân hàng 0 đồng “tiếp tục thua lỗ lớn”

Chủ tịch Quốc hội làm việc tại KTNN. Ảnh Như Ý
Chủ tịch Quốc hội làm việc tại KTNN. Ảnh Như Ý
TPO - Qua kiểm toán cho thấy, sau 2 năm được NHNN mua lại giá 0 đồng, thực trạng tài chính của 3 ngân hàng vẫn không được cải thiện, hoạt động kinh doanh tiếp tục thua lỗ lớn. KTNN cảnh báo, nếu không có biện pháp xử lý hữu hiệu thì sẽ tiếp tục lỗ thêm nhiều nghìn tỷ đồng.

Kiểm toán 22 dự án PPP, kiến nghị giảm thu phí 62 năm

Sáng 3/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến thăm và làm việc với KTNN. Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành, Phó Tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên cho biết, năm 2016, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 38 nghìn tỷ đồng, cao nhất 22 năm hoạt động của ngành và tăng gấp 2 lần so với năm 2015.

Trong 8 tháng đầu năm 2017, tổng hợp sơ bộ kết quả xử lý tài chính của 108 dự thảo báo cáo kiểm toán là gần 23 nghìn tỷ đồng (thu về NSNN 11 nghìn tỷ đồng, giảm chi NSNN hơn 6 nghìn tỷ và kiến nghị xử lý khác hơn 5 nghìn tỷ), riêng tăng thu về NSNN gấp hơn 4 lần so với 8 tháng cùng kỳ năm 2016.

Cũng trong 8 tháng 2017, KTNN đã kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ 40 văn bản nhằm bịt chỗ hổng thất thoát, lãng phí từ cơ chế, chính sách.

Qua 8 tháng đầu năm 2017, kiểm toán cũng đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản ls, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các bộ, ngành địa phương và đơn vị được kiểm toán:

Đáng lưu ý, về quản lý đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư (PPP) của Bộ GTVT, qua kiểm toán 22 dự án, KTNN kiến nghị giảm thời gian thu phí 62 năm 8 tháng, tương ứng giảm doanh thu hơn 22 nghìn tỷ đồng.

Đồng thời, KTNN cũng phát hiện 6/52 trạm thực hiện thu phí trước 14 năm 6 tháng, trong khi chưa đủ điều kiện thu phí, thu phí trước thời điểm dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng. Trên toàn quốc có 31/87 trạm thu phí trên cùng tuyến không đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa hai trạm 70 km.

Giao chỉ tiêu cao hơn 2.173 biên chế

Liên quan đến việc quản lý và sử dụng đất dự án khu đô thị, qua kiểm toán tại một số địa phương, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 4 nghìn tỷ đồng và đã chỉ rõ một số tồn tại như việc phê duyệt, thay đổi quy hoạch sử dụng đất còn tùy tiện, một số khu đô thị, nhà ở được phê duyệt quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch chiều cao tầng, hệ số sử dụng đất, chỉ tiêu mật độ dân số chưa phù hợp với định hướng quy hoạch chung; việc xác định giá đất chưa kịp thời, làm chậm nộp vào NSNN; xác định giá thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa đúng quy định; chuyển nhượng dự án khi chưa đủ điều kiện theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.

Ngoài ra, qua kiểm toán tại một số bộ, ngành và địa phương, KTNN đã phát hiện việc giao chỉ tiêu biên chế cao hơn chỉ tiêu Bộ Nội vụ giao 2.173 biên chế, trong đó số thực tế tuyển dụng biên chế viên chức vượt so với số được cấp có thẩm quyền giao hơn 3 nghìn viên chức; sử dụng biên chế và lao động hợp đồng tại các đơn vị vượt chỉ tiêu được giao gần 7 nghìn biên chế và hơn 15 nghìn lao động, trong đó sử dụng hơn 8 nghìn lao động hợp đồng làm việc chuyên môn, nghiệp vụ, không đúng quy định của Bộ Nội vụ.

Bên cạnh đó, qua kiểm toán tại 4 doanh nghiệp, KTNN xác định các khoản phải nộp NSNN tăng thêm 491 tỷ đồng, xác định vốn nhà nước tăng thêm hơn 6 nghìn tỷ đồng, giá trị thực tế doanh nghiệp tăng hơn 7 nghìn tỷ đồng.

Về kết quả tái cơ cấu lại 3 ngân hàng thương mại được NHNN mua giá 0 đồng (NH Xây dựng, NH Đại Dương và NH Dầu khí toàn cầu), qua kiểm toán cho thấy, sau 2 năm được NHNN mua lại, thực trạng tài chính của 3 ngân hàng vẫn không được cải thiện, hoạt động kinh doanh tiếp tục thua lỗ lớn.

“Việc âm vốn chủ sở hữu ngành càng tăng và kiến nghị chính sách nếu không có biện pháp xử lý hữu hiệu thì sẽ tiếp tục lỗ thêm nhiều nghìn tỷ đồng”, ông Tiên nêu…

KTNN kiến nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan thanh tra phối hợp với KTNN để tránh trùng lặp, chồng chéo trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra, tránh gây khó khăn cho địa phương, doanh nghiệp.

KTNN cũng kiến nghị chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm kiến nghị của KTNN, đặc biệt kiến nghị xử lý tài chính và hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật nhằm bịt các chỗ hổng thất thoát, lãng phí từ cơ chế, chính sách.

MỚI - NÓNG