Ngày 21/2, đoàn giám sát Uỷ ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Kiểm toán Nhà nước (KTNN) về thực hiện chính sách pháp luật, đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.
Kiểm toán Nhà nước cho biết, vị trí trạm thu phí theo quy định khoảng cách các trạm thu phí 70 km nhưng thực tế xảy ra hai tình trạng. Một là trạm thu phí cho dự án nhưng đặt trên tuyến đường khác và không gắn với dự án, dẫn đến người dân không đi trên đường được đầu tư bằng BOT nhưng vẫn phải trả phí cho nhà đầu tư.
Thứ hai là khoảng cách giữa các trạm thu phí không đảm bảo tối thiểu 70 km, tuy nhiên các trạm này đều được sự chấp thuận giữa bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính và địa phương đã tạo điều kiện cho mật độ trạm thu phí càng dày đặc thêm.
Từ thực tế đó, theo KTNN, cần phải quy định rõ ràng hơn về vị trí đặt các trạm thu phí như: trạm thu phí phải đặt trên dự án thực hiện; khoảng cách giữa các trạm tối thiểu 70 km.
Về mức thu phí, KTNN cho rằng, việc cứ qua trạm thu phí là thu phí không kể chiều dài đi được là bao nhiêu đều có mức thu như nhau, gây khó khăn cho người dân và DN tại địa phương nơi đặt trạm thu phí hàng ngày phải di chuyển qua lại trạm thu phí dù đi quảng đường rất ngắn nhưng lại trả phí rất cao. Do vậy cần quy định mức thu phí với người dân địa phương nơi đặt trạm thu phí.
Về lợi nhuận của nhà đầu tư được xác định qua hai trường hợp đấu thầu và chỉ định thầu, tuy nhiên hai phương án này đều rất khó khăn cho quản lý, kiểm tra kiểm soát. Hầu hết các dự án BOT đều theo hình thức chỉ định thầu.
Về kết quả kiểm toán 27 dự án BOT, theo KTNN, việc tính toán xác định tổng mức đầu tư của 11/27 dự án còn chưa chính xác, làm tăng tổng mức đầu tư bất hợp lý giá trị 465,5 tỷ đồng do nguyên nhân tính toán dự phòng trượt giá chưa phù hợp, áp dụng lương công nhân không đúng quy định, áp sai giá vật liệu, tính sai khối lượng. Một số dự án lớn BOT tăng tổng vốn đầu tư ban đầu lên 100%. KTNN kiến nghị xử lý tài chính hơn 1.358 tỷ đồng.
Sau khi rà soát các chỉ tiêu đầu vào, tính toán lại phương án tài chính sát thực tế, phù hợp quy định, KTNN đã giảm thời gian thu phí hoàn vốn của các dự án từ 10 tháng đến 13 năm so với phương án tài chính ban đầu.
Đoàn giám sát Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, bản chất của dự án BOT cũng là của nhà nước, nhưng do không đủ điều kiện làm trong khoản thời gian đó, nên ủy quyền cho các thành phần kinh tế khác làm. Nhà nước thông qua các quyết định, cho nhà đầu tư thu tiền hoàn vốn, chứ không phải dự án của nhà đầu tư. Do vậy vai trò quản lý nhà nước, như của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong phê duyệt, quyết định đầu tư, rồi của Bộ Giao thông Vận tải trong triển khai hợp động BOT, rồi vai trò của các địa phương ra sao, cần phải rõ.
Trước thực trạng dự án BOT chủ yếu là chỉ định thầu, đại biểu đoàn giám sát cho rằng, cần phải xem xem? Đại biểu băn khoăn, khi chỉ định thầu mua sắm công rất khó khăn, khắt khe, tổ chức hội nghị nhiều khi cũng phải đấu thầu, mà tại sao dự án BOT lớn như thế lại chỉ định thầu? Đại biểu đề nghị lựa chọn nhà đầu tư phải qua đấu thầu, đảm bảo công khai minh bạch.