Kiếm tiền tỉ trên đỉnh Pù Lầu

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đặng Hành Dũng (SN 1996) là người đầu tiên của bản đồng bào dân tộc Dao xây dựng trang trại nuôi cá tầm, cá hồi thành công trên đỉnh Pù Lầu với thu nhập tiền tỉ. Anh đã giúp nhiều bạn trẻ khác phát triển kinh tế, góp phần đổi thay quê hương.

Đưa cá ngược núi

Đặng Hành Dũng sinh ra và lớn lên ở bản người Dao Phiêng Phàng cheo leo trên núi Pù Lầu thuộc xã Yến Dương (huyện Ba Bể, Bắc Kạn). Nguồn sống của gia đình Dũng cũng như người dân bản nơi đây trông chờ chủ yếu vào cây dong riềng, ngô sắn. Từ bé chứng kiến cái nghèo khó, sự lam lũ của bố mẹ dường như đã hun đúc cho Dũng một ý chí làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Sau thời gian theo học trung cấp y và thực hiện nghĩa vụ công an, Dũng quyết định trở về Phiêng Phàng khởi nghiệp với mô hình nuôi cá tầm, cá hồi. “Khi còn trong quân ngũ, tôi tình cờ biết loại cá hồi, cá tầm cho giá trị kinh tế cao nên dành nhiều thời gian tìm hiểu. Tôi đã nhận ra đỉnh Pù Lầu thuộc dãy núi cao hơn ngàn rưỡi mét có khí hậu mát mẻ, nước đầu nguồn sạch và lạnh quanh năm, sườn núi có dốc cao, nước chảy mạnh... rất thích hợp để nuôi hai loại cá này. Năm 2020, tôi bắt đầu xây dựng mô hình với số vốn ban đầu hơn 500 triệu đồng, huy động trong gia đình, họ hàng và vay vốn ngân hàng chính sách”, Dũng chia sẻ.

Kiếm tiền tỉ trên đỉnh Pù Lầu ảnh 1

Anh Đặng Hành Dũng - Bí thư Chi đoàn thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương, huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) đã thành công với mô hình nuôi cá nước lạnh trên đỉnh Pù Lầu. Ảnh: NVCC

Để xây dựng mô hình nuôi cá trên đỉnh Pù Lầu, Dũng đã dày công xây dựng, từ san gạt đất tạo mặt bằng, mở đường dẫn nước, chuyển vật liệu xây bể, đến kéo điện. Dũng tìm đến các trung tâm nuôi cá tầm, hồi để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm nuôi và chọn mua cá giống mang về Pù Lầu. “Hồi đầu xây dựng trang trại chủ yếu thủ công, dựa vào sức người vì đường sá nhỏ hẹp, địa hình phức tạp khó sử dụng máy móc. Người dân trong bản lúc đầu bàn tán và tỏ ra ái ngại khi thấy tôi nuôi cá trên núi”, Dũng nói.

Hệ thống bể cá nuôi ban đầu hình thành với quy mô hơn 300m2. Dũng thả lứa đầu tiên gần 2.000 con cá giống. Vừa làm vừa tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, Dũng nhanh chóng đưa mô hình hoạt động ổn định, cá trưởng thành tốt.

Giải quyết đầu ra, Dũng sử dụng các trang mạng xã hội Facebook, Zalo và nền tảng số để quảng bá giới thiệu sản phẩm và bán hàng trực tuyến. “Đơn hàng đầu tiên là của một khách ở Hà Nội lên tận trang trại bắt cả tấn cá. Chỉ đến khi bán được cá, thu tiền về, tôi mới thực sự tin rằng mô hình nuôi cá của mình sống được và có thêm động lực để cố gắng hơn nữa. Lợi nhuận thu được tôi lại quay vòng đầu tư và đến nay quy mô trang trại mở rộng gấp hơn 2 lần, với hơn 25 bể nuôi”, Dũng chia sẻ.

Với những thành tích đạt được trong khởi nghiệp làm giàu, góp phần thay đổi diện mạo quê hương, anh Đặng Hành Dũng - Bí thư Chi đoàn thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương, huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn), đã được T.Ư Đoàn trao tặng giải thưởng Lương Định Của năm 2023.

Hiện mô hình của Dũng cho thu hoạch từ 15 - 20 tấn cá/năm. Năm 2022 mô hình mang lại doanh thu 2 tỷ đồng với lợi nhuận 1 tỷ đồng. Mô hình đã tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động địa phương với mức thu nhập 5 - 6 triệu đồng/tháng. Những thành công bước đầu của anh đã tạo niềm tin cho hộ tại địa phương học hỏi, xây dựng bể nuôi cá làm giàu.

Phát triển mô hình kinh tế gắn với du lịch

Năm 2022, Đặng Hành Dũng mở thêm nhà hàng ẩm thực và đầu tư chế biến nhiều sản phẩm từ cá tầm, cá hồi như dầu cá, ruốc cá... Dũng phát triển trang trại gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm. Bởi Phiêng Phàng đang phát triển, trở thành một trong những điểm đến cuốn hút du khách cùng với ruộng bậc thang, thác Pù Lầu cao gần 100m, rừng trúc...

Đặc biệt, Dũng đã xây dựng “mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái tại thôn Phiêng Phàng” tham gia các cuộc thi khởi nghiệp. Mô hình đã giành giải Nhất cuộc thi khởi nghiệp năm 2022 do Tỉnh Đoàn Bắc Kạn tổ chức; lọt vào Chung kết cuộc thi Dự án Khởi nghiệp thanh niên nông thôn do T.Ư Đoàn tổ chức.

Dũng chia sẻ, ý tưởng phát triển kinh tế gắn với du lịch xuất hiện khi nhận thấy ngày càng có nhiều du khách đến tham quan cảnh đẹp núi rừng, tận hưởng khí hậu trong lành, mát mẻ và trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa địa phương vào các ngày nghỉ lễ, Tết. Dũng đã “đón đầu”, tìm hiểu kỹ nhu cầu của du khách và xây dựng các dịch vụ chất lượng để “chiều lòng khách đến”. Đến nay, trang trại nuôi cá của Dũng đã đón gần chục nghìn lượt du khách.

Cùng với làm kinh tế giỏi, chàng trai người Dao còn đảm nhiệm vai trò Bí thư Chi đoàn thôn Phiêng Phàng. Dũng rất tích cực vận động triển khai các chương trình, hoạt động của Đoàn, Hội và chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, làm giàu với bạn trẻ địa phương. Dũng đã vận động và cùng với 7 bạn trẻ khác thành lập hợp tác xã nuôi cá hồi, cá tầm với quy mô 5.000m2, gần 50 bể nuôi và được tín nhiệm bầu giữ chức giám đốc.

MỚI - NÓNG
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
TPO - Hoa hậu Ngọc Hân vừa nhận tin trúng tuyển với số điểm 14, xếp thứ 5 trong số các học viên của chuyên ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam.