Kiểm soát ATM, ngăn chặn lừa đảo, rửa tiền

TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu thẻ ATM không được kiểm soát chặt chẽ có thể dẫn đến lừa đảo, thậm chí còn lừa đảo quốc tế, rửa tiền… Chính vì thế cần phải có quy chế chung, có hướng dẫn thực hiện và ngân hàng nào sai phải bị xử lý nghiêm.

Trước tình trạng mua bán thẻ ATM tràn lan như báo Tiền Phong phản ánh ngày 24/5, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, việc làm thẻ thuộc các ngân hàng thương mại, tuy nhiên công tác quản lý nói chung là do Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Chính vì thế phải có quy chế chung, đặc biệt có sự chỉ đạo của NHNN cho các tổ chức tín dụng.

Theo ông Nhưỡng, trước hết phải xác định đối tượng và quy tắc được làm thẻ để đảm bảo tính chặt chẽ, chứ không phải thích thì làm, cho ai thì cho. Thứ nữa, khi làm thẻ phải đảm bảo tính chính xác về định danh của công dân, phải hết sức rõ ràng, minh bạch.

Chúng ta đều biết, thẻ ATM liên quan trực tiếp đến khách hàng, mà khách hàng thì có thể là công dân Việt Nam, cũng có thể người nước ngoài. Vậy việc quản lý người nước ngoài khi làm thẻ ở Việt Nam như thế nào để tránh chuyện lừa đảo quốc tế, chuyển tiền bất hợp pháp, hay rửa tiền..? Chính vì thế cần phải có quy chế chung, có hướng dẫn thực hiện và ngân hàng nào sai phải bị xử lý nghiêm.

“Tôi có thể làm thẻ tên anh, hay tên người khác, và tôi có thể sử dụng bất kỳ thẻ nào khi được cấp mã. Khi đó, tôi có thể làm một thẻ giả, sử dụng mã đó lấy tiền, thâm nhập vào hệ thống ATM. Hay việc lừa đảo cũng có khả năng xảy ra, đơn cử như lừa đảo khi mua bán hàng trên mạng… Cần phải bịt lỗ hổng này lại”, ông Nhưỡng cho hay. Ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, phải có quy chế kiểm soát thẻ ATM chặt chẽ.

Cùng trao đổi với phóng viên, TS. Trần Hoàng Ngân (ĐBQH đoàn TP HCM) khẳng định, đã làm thẻ giả như vậy là vi phạm pháp luật. Song điều quan trọng ở đây là vấn đề an ninh tiền tệ, và giải pháp vẫn phải nâng cao công nghệ, nâng cao ý thức quản lý tài khoản của chính mình.

Theo ông Ngân, gian lận trong sử dụng công nghệ cao trong hệ thống thanh toán qua ngân hàng đang ở mức cần phải được xem xét thấu đáo. Ngân hàng Nhà nước phải sớm có quy định, kể cả về luật pháp, hình thức khuyến cáo cho người sử dụng cũng như có hướng dẫn, tuyên truyền công khai trên các phương tiện thông tin.

“Hiện nay chúng ta đang khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt. Các công cụ như thẻ tín dụng, ATM, máy rút tiền tự động, rồi giao dịch thanh toán qua Banking…hiện chúng ta đang khuyến khích. Tuy nhiên, đi kèm với đó phải bảo vệ cho người tiêu dùng. Hiện chúng ta đang thiếu công cụ bảo vệ và cần phải làm tốt điều này”, TS. Trần Hoàng Ngân bày tỏ.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, đây cũng là sự khuyến khích để tạo ra sự cạnh tranh giữa các ngân hàng. Cần phải đầu tư để bảo vệ khách hàng, nâng cao uy tín để thu hút khách hàng. “Các nước họ cạnh tranh bằng công nghệ, bảo vệ người gửi tiền chứ không phải cạnh tranh bằng lãi suất”, ông Ngân nói.

Sẽ rà soát và yêu cầu giám sát

Ngày 24/5, một đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ rà soát lại và yêu cầu giám sát chặt chẽ về quy trình, thủ tục cũng như quản lý chặt chẽ hồ sơ mở thẻ.

“Các ngân hàng cần nhận biết khách hàng khi thực hiện mở thẻ, quy trình yêu cầu mở thẻ phải chặt chẽ hơn để phát hiện hành vi giả danh mở thẻ hoặc thuê người mở thẻ. Trước mắt sẽ có chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ khi xử lý hồ sơ mở thẻ, tăng cường nhận diện khách hàng, bổ sung quy phạm pháp luật để xử lý”, đại diện NHNN nói.

Về việc nhiều người dân đã dễ dãi cho mượn hay thuê chứng minh thư để mở thẻ nhưng không sử dụng mà cho luôn người trả tiền thẻ ATM đó, được biết NHNN đã từng ra văn bản khuyến cáo từ năm 2016. (Hiện, đã có ý kiến đề xuất nên chăng xử phạt cả người mở thẻ hộ). Về thủ đoạn, giám đốc một ngân hàng cho biết: Những đối tượng mời gọi mở thẻ thường trả giá “thuê mở” cao từ 200.000 - 500.000 đồng với những người làm đưa luôn thẻ ATM. Đây là chiêu thức mới, người được thuê mở chỉ nghĩ đơn giản, trong tài khoản không có tiền thì đưa luôn, mà còn được giá cao hơn. Sau đó, những đối tượng này có thể dùng những thẻ ATM có được để rút tiền ra, sau khi chuyển liên tiếp qua nhiều ngân hàng khác nhau. “Đây có thể là hình thức chuyển tiền lòng vòng. Nếu bị phát hiện, công an chỉ biết làm việc với chủ thẻ, còn các đối tượng này  có thể đã trốn mất”, vị này nói.

NHNN cho biết theo quy trình mở thẻ ngân hàng mọi thông tin cá nhân phải được bí mật. Mở thẻ xong, ngân hàng sẽ gửi thông tin cá nhân về địa chỉ mail, số điện thoại đăng ký. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM từng khuyến cáo: “Mọi thông tin cá nhân của thẻ ATM không thể tiết lộ. Nếu xảy ra trường hợp thực hiện các giao dịch chuyển tiền không rõ nguồn gốc thì chủ thẻ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, chứ không phải người thuê”.

Tìm hiểu của Tiền Phong cũng cho thấy, từng có thời, một số ngân hàng cổ phần rất dễ dãi trong việc mở thẻ ATM. Có ngân hàng chạy theo doanh số và chiến dịch phát hành thẻ, đã mời mọc nhiều người dân tham gia dù trong đó nhiều người không có nhu cầu.

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lập An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.