Kiểm soát an toàn thực phẩm từ bó rau đến miếng thịt

Kiểm soát an toàn thực phẩm từ bó rau đến miếng thịt
TP - “Năm 2013, chúng ta sẽ kiểm soát theo chuỗi, tức là từ bó rau, miếng thịt, con cá lên bàn ăn có nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP) ở khâu nào, sẽ tập trung đánh ở khâu đó”- Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát nói, tại cuộc họp bàn về ATTP và chất lượng vật tư nông nghiệp, chiều 24-12.

> Công khai để dân thông thái!
> Hà Nội tăng cường thanh tra vệ sinh thực phẩm dịp Tết

Trong năm 2012, Bộ NN&PTNT đã ban hành gần 6.000 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về chất lượng vật tư nông nghiệp, với số tiền phạt gần 10,7 tỷ đồng. Báo cáo từ 46 tỉnh, thành cho thấy, đã kiểm tra hơn 12.000 lượt cơ sở sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, phát hiện có 961 cơ sở vi phạm.

Nafiqad cho biết, năm qua, lấy tổng số mẫu nông sản nguồn gốc thực vật là 5.330, trong đó có 36 mẫu vi phạm quy định về (ATTP) 364 mẫu nhiễm dư lượng thuốc BVTV và nitrate vượt ngưỡng cho phép. Các địa phương cũng lấy 1.434 mẫu thịt, trong đó có 372 mẫu vi phạm chỉ tiêu vi sinh vật…

Ông Phát cũng yêu cầu các đơn vị trong bộ, tăng cường kiểm soát các mặt hàng nông lâm thủy sản nhập khẩu cả chính ngạch, lẫn tiểu ngạch; chọn một số nước, mặt hàng có nguy cơ cao về mất ATTP để sang tận nơi kiểm tra, giam sát.

* Từ hôm nay (25-12), Nghị định 91 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm (ATTP) được áp dụng trên cả nước. Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế), cho biết, nhiều vi phạm có mức xử phạt tăng từ 10 đến vài chục lần so với trước.

Nghị định nêu rõ mức xử phạt sai phạm về sử dụng nguyên liệu thực phẩm. Phạt 3-5 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thịt chưa qua kiểm dịch thú y. Phạt 10-15 triệu đồng nếu dùng nguyên liệu không bảo đảm ATTP hoặc không rõ nguồn gốc để sản xuất, chế biến thực phẩm.

Hành vi kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chưa qua kiểm dịch trước kia có mức phạt cao nhất là 6 triệu đồng, nay lên tới 70 triệu đồng.

Dùng phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, quá thời hạn sử dụng sẽ bị phạt đến 25 triệu đồng. Nếu sử dụng hóa chất bị cấm dùng trong sản xuất, chế biến thực phẩm thì bị phạt 30-50 triệu đồng… .

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG