Sáng 23/6, TAND Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục xét xử vụ thất thoát 800 tỷ đồng vốn góp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank).
Tại tòa, chủ tọa cho phép các bị cáo, luật sư được tranh luận. Mở đầu, bị cáo Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐTV PVN đề nghị đại diện VKSND thực hành quyền công tố giải thích việc 244 tỷ đồng cổ tức PVN nhận từ OceanBank là tiền thật hay là ảo? OceanBank sau khi bị mua 0 đồn vẫn giữ nguyên vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng vậy 4.000 tỷ đồng mới này là tiền thật hay là ảo?
Bị cáo này đề nghị tranh luận: “VKSND có nêu tôi ký người đại diện 20% là sai và là căn cứ ra nghị quyết góp vốn. Vậy nếu đại diện VKSND là Chủ tịch PVN thì ký thế nào? Nếu chỉ ký đại diện 15% theo luật, 5% còn lại ai quản lý khi PVN chưa được thoái vốn?”.
Đáng chú ý, bị cáo Đinh La Thăng nêu câu hỏi: “VKSND làm rõ vì sao PVN không được thoái vốn? Trách nhiệm trong việc PVN không được thoái vốn dẫn tới mất 800 tỷ đồng thuộc về ai?”.
Bị cáo này tiếp tục: “Đại diện VKSND cho biết, nếu không giải quyết hệ lụy Ngân hàng Hồng Việt với hơn 300 tỷ đồng và hàng trăm con người thì ai là người chịu trách nhiệm?”.
Cuối cùng, ông Thăng đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan kiểm toán, thuế, thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với ngân hàng thuộc về ai? Báo cáo của các doanh nghiệp trong đó có OceanBank sau khi được thanh tra giám sát có đủ khẳng định, niềm tin để các doanh nghiệp khác căn cứ vào đó để quan hệ, giao dịch hay không?
Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại tòa.
Trước các đề nghị tranh luận trên, đại diện VKSND Cấp cao hầu như chỉ nhắc lại các nội dung đã kết luận trong bản án sơ thẩm. Cụ thể, bị cáo Đinh La Thăng ký thỏa thuận góp vốn số 6934 năm 2008 với Hà Văn Thắm - nguyên Chủ tịch OceanBank trước khi họp HĐQT (sau là HĐTV) PVN và chưa được Thủ tướng đồng ý.
Về mua 0 đồng, kiểm sát viên nói: “NHNN trên cơ sở pháp luật đã mua 0 đồng đúng quy định. Chúng tôi đánh giá việc này, NHNN, Bộ Tài chính mỗi cơ quan có nhiệm vụ khác nhau… Chúng tôi tôn trọng và thấy việc mua này đúng căn cứ, tức các cổ đông đã mất quyền, nghĩa vụ…”.
Về câu hỏi tiền ảo, người giữ quyền công tố nói: “Một số người nói là tiền ảo, chúng tôi không nói tiền của PVN là tiền ảo mà có thật, tiền chuyển đi - nhận về là có thật. Còn theo thanh tra ngân hàng kết luận là lãi của OceanBank là không có thật; 244 tỷ đồng là do hành vi trái pháp luật… PVN cần bảo toàn vốn của mình.
Về việc bán ngân hàng hoặc thoái vốn như luật sư, bị cáo nêu, kiểm sát viên nói: “Vấn đề này qua thanh tra, kiểm tra, NHNN đã thấy ở ngân hàng này, Chủ tịch Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn cùng các lãnh đạo khác đã chiếm đoạt số tiền rất lớn. Riêng Nguyễn Xuân Sơn đã chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng… các lãnh đạo khác chúng tôi không tính. Ngân hàng lỗ lũy kế thì bán ngân hàng mà đã phát hiện các lãnh đạo đã chiếm đoạt của các cổ đông thì người cho phép bán sẽ chịu trách nhiệm rất nặng nề…”.
Theo án sơ thẩm, từ năm 2009 - 2011, bị cáo Đinh La Thăng và các đồng phạm đã 3 lần góp vốn với tổng số 800 tỷ đồng của PVN vào OceanBank nhằm liên tục nắm 20% vốn điều lệ của ngân hàng này. Việc góp vốn trái quy chế làm việc của PVN, Luật các tổ chức tín dụng, trái các yêu cầu của Thủ tướng và các bộ, ngành… Sau đó, do OceanBank thua lỗ nặng nề nên được NHNN mua lại với giá 0 đồng khiến PVN “mất trắng” 800 tỷ đồng.