Khuyến khích ngư dân ra Hoàng Sa làm dịch vụ

Tàu ĐNa 90444 TS - tàu dịch vụ Hoàng Sa hạ thủy Ảnh: Nam Cường
Tàu ĐNa 90444 TS - tàu dịch vụ Hoàng Sa hạ thủy Ảnh: Nam Cường
TP - Ông Đào Hồng Đức – Cục phó Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho hay, Cục đang làm hết sức để phát triển ngành nghề dịch vụ ở Hoàng Sa.

> Ngư dân bắt được cá mập 80kg

Tàu ĐNa 90444 TS - tàu dịch vụ Hoàng Sa hạ thủy Ảnh: Nam Cường
Tàu ĐNa 90444 TS - tàu dịch vụ Hoàng Sa hạ thủy.             Ảnh: Nam Cường.

Ông Đào Hồng Đức vào thăm và kiểm tra hoạt động dịch vụ nghề cá của ngư dân Đà Nẵng nhân việc tàu ĐNa 90444 TS của gia đình ông Lê Mến (Thuận Phước, Hải Châu, Đà Nẵng) hạ thủy.

Đây cũng là tàu dịch vụ duy nhất sắp tới sẽ cung cấp dầu, thực phẩm, đá… và trực tiếp thu mua, bảo quản hải sản ngay trên vùng biển Hoàng Sa. Theo ông Đức: cứ mỗi đợt giá nhiên liệu, thực phẩm tăng khiến chi phí mỗi chuyến biển của ngư dân thời gian qua tăng ít nhất 10%.

Ngoài ra, theo thống kê của Cục, có ít nhất 30% lượng hải sản bị hao hụt trên biển hằng năm mà nguyên do chính là chất lượng bảo quản kém, vì thế, sự ra đời của dịch vụ hậu cần nghề cá trực tiếp trên biển, đặc biệt tại ngư trường Hoàng Sa là tất yếu, phù hợp chính sách nâng cao chất lượng, bảo quản, quy hoạch dịch vụ đánh bắt xa bờ của Bộ NN&PTNT.

Theo ông Ngô Văn Quang - Sở NN&PTNT Đà Nẵng, hiện toàn miền Trung, ngoài tàu Hải Vương (Cty Hải Vương) ở Nha Trang cũng làm dịch vụ trực tiếp trên biển thì tàu ĐNa 90444 TS là tàu lớn duy nhất đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của ngư dân.

“Hiện gia đình ông Lê Mến có 2 tàu, ông Trần Toàn có 2 tàu làm dịch vụ. Chúng tôi sẽ lấy Thuận Phước làm thí điểm, sau đó nhân rộng mô hình. Tuy nhiên, việc hỗ trợ cho ngư dân vẫn còn nhiều khó khăn, vì thế trước mắt vẫn phải dựa vào tiềm lực tự thân vận động của ngư dân là chính” - ông Quang cho biết.

Theo ông Đào Hồng Đức, hiện liên Bộ Tài Chính - NN&PTNT đã có những nghiên cứu cụ thể và sắp tới sẽ ra một dự thảo hỗ trợ ngư dân cả nước chuyển đổi ngành nghề sang làm dịch vụ hậu cần nghề cá trực tiếp trên biển.

Cụ thể, sẽ hỗ trợ vay vốn đóng mới tàu, mua máy mới và các vật dụng, áp vốn vay lãi suất chỉ 16%/năm.

Trước câu hỏi về sự đổ vỡ làm ăn theo mô hình “tàu mẹ -tàu con” ở Khánh Hòa với tàu mẹ Hải Vương 68 thu mua hải sản trên biển của ngư dân thấp hơn so với giá thị trường, khiến ngư dân quay về với mô hình làm ăn cũ, ông Đức cho rằng, những người kinh doanh trên tàu dịch vụ cần hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng cùng văn hóa, tập quán của ngư dân.

“Làm ăn rõ ràng phải có lợi nhuận, nhưng không nên hưởng lợi một mình, sự đổ vỡ này rõ ràng lỗi phần lớn từ doanh nghiệp” - ông Đức cho biết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG