Thợ họp
Chủ tịch UBND một xã thuộc huyện Cần Giờ, TPHCM cho biết, bình quân mỗi tuần ông phải lên thị trấn 4-5 lần để họp với lãnh đạo UBND huyện, hết họp an toàn giao thông, bồi thường giải phóng mặt bằng, lại đến an ninh trật tự… UBND xã cách thị trấn gần 20 cây số, mỗi lần lên UBND huyện họp là mất cả ngày.
Ông kể: “Có hôm buổi sáng họp ở huyện, buổi chiều chạy lên UBND thành phố họp tiếp. UBND xã nhiều hôm không còn cán bộ lãnh đạo trực giải quyết hồ sơ thủ tục cho người dân vì các phó chủ tịch cũng đi họp. Người nào cũng kiêm nhiệm thêm việc của 6-7 ban chỉ đạo. Có hôm 7- 8 giờ tối phải có mặt ở cơ quan để ký duyệt hồ sơ, thủ tục. Đó là chưa nói lãnh đạo UBND xã còn phải chủ trì nhiều cuộc họp tại địa phương, không còn thời gian đi cơ sở. Họp nhiều quá nên ai cũng ngán nhưng ngán nhất là giải quyết hồ sơ trễ hạn, phải xin lỗi dân. Xin lỗi nhiều sẽ bị cấp trên đánh giá là yếu kém năng lực, điều chuyển công tác”.
Theo ông Huỳnh Văn Hồng Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, so với cấp xã thì lãnh đạo UBND huyện phụ trách mảng miếng nhiều hơn nên họp cũng nhiều hơn. Để công việc chỉ đạo điều hành trôi chảy, nhiều cán bộ lãnh đạo tranh thủ thời gian ngồi không trong cuộc họp để… ký duyệt hồ sơ; còn ông Ngọc thì trực tiếp chỉ đạo công việc dưới huyện qua điện thoại.
Chánh văn phòng UBND một quận cho biết quận có 1 chủ tịch và 3 phó chủ tịch, bình quân mỗi ngày phải dự 6 - 10 cuộc họp ở thành phố, các sở ngành và ít nhất 10 cuộc họp tại nội bộ cơ quan giữa các phòng, ban, mặc dù đã chủ động chỉ đạo bằng văn bản, bút phê vào công văn đến...
“Nếu lãnh đạo TPHCM chủ trì mời họp thì bắt buộc lãnh đạo quận phải đi. Khi lãnh đạo quận bận đi họp cuộc khác thì phân công trưởng, phó phòng dự họp tại các sở ban ngành. Họp quá nhiều, gây áp lực nên nhiều người nói đùa là đi họp miết thành nghề đi họp luôn”, ông cho biết.
Lịch họp của lãnh đạo sở ban ngành còn dày đặc. Tại Sở Giao thông Vận tải (GTVT), ngày 7/9, phó giám đốc Nguyễn Văn Tám phải dự khởi công cầu qua đảo Kim Cương (quận 2) lúc 7 giờ sáng; 8 giờ, ông Tám dự tiếp buổi làm việc của Bí thư Thành uỷ với Sở Quy hoạch Kiến trúc và đến 14 giờ chiều phải tham gia đoàn giám sát của Thành uỷ làm việc với Sở Xây dựng.
Ngày 8/9, ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT, phải dự 3 cuộc họp: Nghe báo cáo rà soát tính khả thi của dự án giao thông xanh (lúc 8 giờ); họp báo cáo một số dự án về đô thị tại UBND TPHCM (9 giờ) và làm việc với Cty Beepro về sàn giao dịch vận tải hành khách (14 giờ).
Mới đây, làm việc với Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng phản ánh lãnh đạo và cán bộ các sở ngành, quận huyện họp quá nhiều.
Bình quân, mỗi lãnh đạo sở họp 3 - 4 cuộc/ngày, chưa kể các cuộc họp đột xuất, họp phát sinh. Họp với cường độ như vậy thì phải gọi là “thợ họp” chứ không phải lãnh đạo. Nếu cả thành phố đều rơi vào tình trạng này thì cán bộ trong các cơ quan công quyền hầu hết là “thợ họp”, ông Sử Ngọc Anh nhận xét.
Họp nhiều, việc vẫn ì ạch
Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Lê Hoài Trung nói rằng, thực trạng họp hành dày đặc ở nhiều nơi đang là “bệnh nan y” trong bộ máy hành chính. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng họp nhiều. Đó là có những vấn đề họp rồi nhưng sau đó các cơ quan, đơn vị không triển khai hoặc triển khai không hiệu quả dẫn đến tiến độ công việc ì ạch, phải quay lại họp tiếp.
Ông Trung nói rằng, tại một cuộc họp về giải phóng mặt bằng mới diễn ra, có một giám đốc sở đề nghị lập ban chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Trong khi đó, nhiệm vụ này đã giao cụ thể cho một địa chỉ cụ thể. Đơn vị nào được giao nhiệm vụ thì phải làm, lập thêm ban chỉ đạo, mỗi lần họp mời đủ ban bệ sẽ khiến tình trạng họp hành càng nhiều hơn.
Theo ông Trung, họp nhiều sẽ không thể hiện được vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Cũng vì tình trạng sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc dẫn đến tiến độ chậm, làm phát sinh thêm họp hành. Bộ máy hành chính vận hành phân định rõ trách nhiệm từng vị trí việc làm và làm đúng quy trình thì sẽ giảm họp. “Cứ làm theo luật, đâu cần gì phải bàn tới, bàn lui. Nếu trong trường hợp luật chưa rõ, có vướng mắc thì kiến nghị, chứ họp nhiều rất tốn thời gian, chi phí. Cần tăng cường liên thông giải quyết thủ tục hành chính, đẩy mạnh họp trực tuyến giữa các đơn vị, họp theo mảng, theo khối để giảm chi phí, nguồn lực con người, thời gian, chứ việc gì cũng họp lẻ tẻ sẽ gây tốn kém nhiều thứ”, ông Trung nói.
Làm việc với Sở Nội vụ mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở nghiên cứu, tham mưu để giảm số lượng các cuộc họp ở cơ quan hành chính, dành nhiều thời gian đi cơ sở, thực tế. “Nếu phải họp thì thông tin ngắn thôi, vấn đề gì cần xin ý kiến thì nêu, giải quyết nhanh. Cuộc họp phải đúng thành phần, quan trọng là nâng cao chất lượng và phải đúng giờ. Họp lâu không tiếp thu được, kết luận cũng không sáng suốt”, ông Phong nói.
Họp ngày không đủ, tranh thủ họp đêm
Theo ông Dương Thanh Hậu, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân), phường có dân số khoảng 115.000 người, là một trong những phường có khối lượng công việc phải giải quyết nhiều nhất TPHCM. Do lịch họp dày đặc, hết ở quận, ở phường, ở khu phố lại tiếp công dân nên nhiều khi không đủ thời gian họp, phải họp tiếp xúc cử tri vào buổi tối.
Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Thanh Nhã cho biết: Từ đầu năm đến nay, giám đốc, 3 phó giám đốc và lãnh đạo phòng ban, cán bộ chủ chốt của Sở QH-KT phải dự tổng cộng hơn 1.500 cuộc họp.
Theo ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, có ba áp lực rất lớn. Đó là sức ép về công việc, sức ép về lập nhiều tổ công tác (329 tổ công tác) và sức ép về... các cuộc họp mà lãnh đạo sở phải tham dự. Với 4 người trong ban giám đốc, trong 7 tháng đầu năm, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phải dự hơn 2.000 cuộc họp.