Khủng hoảng Qatar: Điều tồi tệ đã ở phía sau

Ảnh:Reuters
Ảnh:Reuters
TP - Mỹ hôm qua tuyên bố, tình hình Qatar đang diễn biến theo hướng tích cực sau khi quan chức cấp cao nước này trao đổi với các quốc gia vùng Vịnh để giảm nhiệt cuộc đối đầu. Trong khi đó, nhiều gia đình đa quốc tịch đang chịu cảnh ly tán vì chiến dịch phong tỏa. 

"Tôi có thể mô tả tình hình hiện nay là có hy vọng, và tin tưởng rằng điều tồi tệ nhất đã ở phía sau chúng ta”, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói với các phóng viên.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson gặp Ngoại trưởng Ả-rập Xê-út Adel al-Jubeir, trong bối cảnh chính phủ Ả-rập Xê-út cáo buộc Qatar tài trợ cho các nhóm cực đoan và đã đóng cửa biên giới với quốc gia láng giềng nhỏ bé.

Ông Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis có nhiều cuộc trao đổi qua điện thoại để hạ nhiệt cuộc khủng hoảng giữa Ả-rập Xê-út và Qatar, nơi đang có căn cứ không quân rất lớn của Mỹ.

Bà Nauert từ chối nói rằng liệu Washington có coi Qatar là nước tài trợ khủng bố hay liệu việc đóng cửa biên giới và cấm các chuyến bay của Qatar qua không phận của Ả-rập Xê-út có phải là hành động phong tỏa hay không.

“Hãy nhớ mọi người đều đồng ý, các bên đều đang làm việc với nhau để đạt được thỏa thuận chống khủng bố, và đó là trọng tâm chính”, bà Nauert nói.

Con không được đưa tang bố

Trong khi đó, những người bị ảnh hưởng bởi chiến dịch phong tỏa Qatar kéo đến ủy ban nhân quyền quốc gia nước này để xin giúp đỡ, nhất là về giấy tờ. Nhiều người bị ảnh hưởng trực tiếp từ việc Ả-rập Xê-út, Bahrain và Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) yêu cầu tất cả người Qatar rời khỏi ba quốc gia này.

“Chúng tôi đã đón 700 người trong tuần qua. Tối nào tình hình cũng như vậy”, đại diện ủy ban nói. Những người tìm đến đây gặp nhiều vấn đề phức tạp: thành viên gia đình có quốc tịch khác nhau có nguy cơ bị chia ly; mất việc hoặc mất chỗ học vì cuộc khủng hoảng…

Các quan chức của ủy ban kể rằng, một người đàn ông Ả-rập Xê-út qua đời tại bệnh viện Hamad ở Qatar mà các con trai của ông không được chính quyền Ả-rập Xê-út cho sang Qatar để đưa tang bố. Những câu chuyện tương tự được ghi nhận tại văn phòng của các tổ chức nhân quyền khác. Trong số những người tìm kiếm sự giúp đỡ không chỉ có công dân Qatar mà có nhiều người Ả-rập Xê-út và Bahrain.

Anh Fawaz Abdullah Bukamal, 35 tuổi, là nhân viên truyền thông người Bahrain đang làm việc cho một kênh thể thao của Qatar. Sinh sống ở Qatar từ khi 1 tháng tuổi, anh Bukamal tuần trước bị đuổi việc sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng và bị chính quyền Bahrain gọi về nước.

“Tôi sống ở Qatar mấy chục năm qua mà tuần trước kênh truyền hình thể thao nói với tôi rằng họ không cần tôi nữa”, anh kể. “Nhưng tôi không thể trở về Bahrain. Cuộc đời tôi ở đây, vợ tôi là người Bahrain và chúng tôi sắp có em bé. Ở Bahrain, chúng tôi không có nơi nào để ở và không có việc gì làm”, Bukamal chia sẻ.

Một cô gái Qatar mới kết hôn kể rằng, cô sắp chuyển sang Bahrain để sống với chồng thì không đi được vì các biện pháp hạn chế. Cuối tuần qua, Ả-rập Xê-út, UAE và Bahrain thông báo sẽ cân nhắc tác động của cuộc khủng hoảng đối với các gia đình nhiều quốc tịch, nhưng ít người tin rằng, điều này sẽ giảm nhẹ vấn đề.

Trong số những người đợi ở ủy ban có một cô gái Qatar 28 tuổi. Cô gái giấu tên này cho biết, gần đây cô đầu tư 2 căn hộ ở UAE. “Vì họ cắt đứt quan hệ nên giờ tôi không biết điều gì xảy ra với 2 căn hộ của tôi. Tôi đã chờ hơn 1 tuần trước khi đến đây”, cô gái kể.

Một nhóm khác cũng chịu ảnh hưởng nặng nề là những sinh viên Qatar đang học tập ở các nước láng giềng. Một số người đã trả 40.000 USD học phí mỗi năm mà nay phải chờ ở nhà trong khi sắp đến kỳ thi cuối.

MỚI - NÓNG