Khủng hoảng điện ở Trung Quốc đe dọa nguồn cung toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
Giá than tăng cao gây ra tình trạng thiếu điện nghiêm trọng ở Trung Quốc Ảnh: Getty
Giá than tăng cao gây ra tình trạng thiếu điện nghiêm trọng ở Trung Quốc Ảnh: Getty
TP - Cuộc khủng hoảng thiếu điện ở Trung Quốc khiến nhiều nhà máy khốn khổ khi phải chuyển sang dùng máy phát điện chạy bằng dầu diesel hoặc dừng hoạt động. Đang có nhiều lo ngại rằng tình trạng thu hẹp sản xuất ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ ảnh hưởng nguồn cung toàn cầu.

Bắc Kinh đang cố gắng cung cấp thêm than để khôi phục nguồn cung khi các tỉnh vùng đông bắc vật lộn với cuộc khủng hoảng thiếu điện trầm trọng nhất trong nhiều năm, đặc biệt tại các tỉnh Liêu Ninh, Hắc Long Giang và Cát Lâm. Trong tuần qua, 3 tỉnh này thông báo kế hoạch cắt điện, dẫn đến tình trạng gián đoạn nhiều hoạt động thường ngày của người dân và doanh nghiệp. Một số người dân cho biết họ bị kẹt trong thang máy, đèn giao thông bị tắt, nhiều cửa hàng và hộ gia đình phải thắp nến. Nguồn nước ở một số nơi cũng bị ảnh hưởng. Tình trạng thiếu điện còn xảy ra ở tỉnh Quảng Đông, một trong những trung tâm công nghiệp và vận tải lớn của Trung Quốc.

Gao Lai, chủ một nhà máy giặt là quy mô công nghiệp ở Thẩm Dương, thủ phủ tỉnh Liêu Ninh, cho biết đang mất thêm nhiều tiền vì phải mua máy phát điện chạy bằng diesel. “Chúng tôi có thể chi trả để chạy máy trong 4 ngày qua, nhưng chúng tôi không thể sống sót nếu tình trạng này kéo dài vì chi phí quá cao”, Gao nói với Reuters.

Nguyên nhân của tình trạng thiếu điện lần này là nguồn cung cấp than hạn chế. Than tạo ra khoảng 2/3 tổng lượng điện của Trung Quốc. Giá than tương lai tăng 4,2% trên sàn giao dịch hàng hoá Trịnh Châu ngày 30/9, sau khi đã đạt ngưỡng cao nhất mọi thời đại là 1.408 tệ (218 USD)/tấn. Số liệu chính thức cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng 9 giảm lần đầu tiên kể từ tháng 2/2020.

Từ tuần trước, hơn 100 công ty trong nhiều ngành, từ thiết bị điện tử đến khai thác vàng, đã thông báo cho các thị trường chứng khoán về việc tạm dừng sản xuất. Tình hình càng trở nên căng thẳng sau khi Hiệp hội Công nghiệp than Trung Quốc cảnh báo rằng họ “không lạc quan” về nguồn cung trước mùa đông, mùa cao điểm về sử dụng điện, và cho biết mức dự trữ than của các nhà máy nhiệt điện đang ở mức thấp.

Dù sản lượng khai thác than đạt mức cao kỷ lục trong tháng 9, các nhà phân tích của Ngân hàng Đầu tư Trung Quốc cho biết một loạt tai nạn gần đây khiến giới chức thận trọng hơn khi phê duyệt mở rộng sản lượng khai thác. Trong khi đó, lượng than nhập khẩu từ tháng 1 đến tháng 8 giảm 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái, và khó có thể tăng đáng kể trong giai đoạn cuối năm.

Các chuyên gia nói rằng việc Trung Quốc trả đũa Úc bằng cách hạn chế nhập khẩu than và các loại hàng hoá khác, cùng với việc đưa ra những mục tiêu mới về phát thải góp phần gây ra tình trạng như hiện nay. Trung Quốc, nước phát thải nhiều nhất thế giới, đang cố gắng thực hiện mục tiêu đạt đỉnh về phát thải carbon vào năm 2030. Mục tiêu đó đòi hỏi các địa phương phải giảm sử dụng nhiên liệu hoá thạch. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng hàng hoá tăng lên khi nền kinh tế toàn cầu đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Tác động dây chuyền

Tình trạng thiếu điện đe dọa làm chậm đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và gây thêm căng thẳng cho các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Một số doanh nghiệp chỉ còn hoạt động 2 - 3 ngày mỗi tuần. Một số nhà máy ở hai thành phố Phật Sơn và Sán Đầu (tỉnh Quảng Đông) chỉ còn hoạt động 1 ngày mỗi tuần. Báo chí Trung Quốc cho biết, nhiều nhà máy chỉ hoạt động từ 11h đêm đến 7h sáng, khi họ đang gấp rút hoàn thành các đơn hàng trước mùa Giáng sinh và tránh dùng điện trong giờ cao điểm ban ngày.

Các nhà cung cấp quốc tế đang chuẩn bị đối phó tác động lớn từ việc thiếu điện ở Trung Quốc, sau khi đã chịu nhiều ảnh hưởng vì tình trạng thiếu nguồn cung và chậm trễ do đại dịch gây ra. Pegatron, một công ty Đài Loan (Trung Quốc) chuyên sản xuất linh kiện cho các sản phẩm iPhone của Apple, đầu tuần này cho biết họ đang hợp tác với chính quyền đại lục để “kích hoạt cơ chế tiết kiệm năng lượng” và điều chỉnh dây chuyền sản xuất. Pegatron có một nhà máy lớn ở TP Côn Sơn, tỉnh Tô Châu, nơi cũng đang xảy ra tình trạng thiếu điện.

Thiếu điện trở thành cơn đau đầu mới cho các chuỗi cung ứng công nghệ, dù không nghiêm trọng như tình trạng thiếu chip toàn cầu mà hàng loạt ngành công nghiệp từ ô tô đến máy giặt trải qua trong giai đoạn đại dịch, Dale Gai, giám đốc hãng nghiên cứu Counterpoint Research, nói với CNN.

Tình hình hiện nay khiến các nhà kinh tế giảm kỳ vọng tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong năm nay. Trong báo cáo đưa ra ngày 28/9, các nhà phân tích của Goldman Sachs giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Trung Quốc từ 8,2% xuống 7,8%, vì “tình trạng cắt giảm mạnh sản xuất ở hàng loạt ngành công nghiệp sử dụng nhiều điện gần đây”.

Chính phủ Trung Quốc cho biết sẽ ưu tiên bảo đảm điện và hệ thống sưởi cho các hộ gia đình. Hãng điện lực nhà nước Sinopec cam kết sẽ tăng nhập khẩu khí tự nhiên hoá lỏng. Ngày 29/9, giới chức Trung Quốc chỉ đạo các công ty đường sắt tăng cường hoạt động để cung cấp than cho các nhà máy điện.

MỚI - NÓNG