Khủng hoảng di cư ở biên giới Belarus nguy cơ leo thang thành xung đột quân sự

0:00 / 0:00
0:00
Binh lính Ba Lan tuần tra ở khu vực biên giới giáp với Belarus. (Ảnh: Reuters)
Binh lính Ba Lan tuần tra ở khu vực biên giới giáp với Belarus. (Ảnh: Reuters)
TPO - Ngày 11/11, các quốc gia láng giềng của Belarus cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới phía đông của Liên minh châu Âu (EU) có thể leo thang thành xung đột quân sự. Ukraine lo ngại đến mức sẽ điều hàng ngàn binh lính ra bảo vệ biên giới.

Lithuania, Estonia và Latvia tuyên bố Belarus tạo nên mối đe doạ nghiêm trọng đối với an ninh của châu Âu. “Điều này làm tăng khả năng các vụ khiêu khích và sự cố nghiêm trọng có thể lan sang đối đầu quân sự”, tuyên bố chung của bộ trưởng quốc phòng ba nước nêu rõ.

Lithuania và Ba Lan đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở biên giới. Lithuania cho biết đã kiến nghị Liên Hợp Quốc thảo luận về việc lập “hành lang nhân đạo” ở biên giới để giúp người di cư trở về quốc gia của họ.

Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Pawel Jablonski tuyên bố đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất mà nước này phải đối mặt trong 30 năm qua và dự đoán tình hình sẽ nghiêm trọng hơn trong những ngày tới.

Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Pawel Jablonski nói rằng đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất mà nước này phải đối mặt trong 30 năm qua và dự đoán tình hình sẽ nghiêm trọng hơn trong những ngày tới.

Dù không phải thành viên EU, Ukraine cũng cảnh giác trước nguy cơ trở thành một điểm nóng nữa trong cuộc khủng hoảng di cư ngày càng nghiêm trọng. Kiev thông báo tổ chức tập trận và triển khai thêm 8.500 binh lính và cảnh sát đến biên giới phía bắc giáp với Belarus.

Người di cư mắc kẹt ở biên giới Belarus đã ném đá và cành cây vào lính biên phòng Ba Lan, dùng thân cây để phá hàng rào dây thép gai vào ban đêm để tìm đường vào EU.

EU cáo buộc Minsk khuyến khích hàng ngàn người di cư từ nhiều vùng chiến sự vượt biên vào châu Âu và có thể áp biện pháp trừng phạt mới với Belarus và các hãng hàng không chở người di cư.

Trong khi đó, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko doạ sẽ trả đũa bằng cách ngắt đường ống dẫn khí đốt tự nhiên từ Nga sang châu Âu qua Belarus. Tuy vậy, Nga chưa có phản ứng nào về tuyên bố này.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Mátxcơva sẽ giúp châu Âu xử lý cuộc khủng hoảng thiếu nhiên liệu và đang hy vọng giới chức Đức sớm cấp phép cho đường ống dẫn khí Nord Stream 2 để đưa thêm khí từ Nga sang Đức.

Trước đây, Mátxcơva thường phản ứng giận dữ khi Ukraine, quốc gia trung chuyển mà đường ống dẫn khí đi qua, chặn dòng chảy khí đốt sang phương Tây.

Nga đã điều động 2 máy bay ném bom chiến lược sang tuần tra trong không phận Belarus từ hôm 10/11 để thể hiện ủng hộ đồng minh. Belarus cho biết các máy bay Nga đã diễn tập được 2 ngày.

Điện Kremlin tuyên bố Nga không liên quan đến căng thẳng ở biên giới và gợi ý rằng sự hiện diện của lực lượng vũ trang ở cả hai bên biên giới là nguồn cơn gây căng thẳng.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG