IS lên tiếng nhận trách nhiệm
IS đã tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ tấn công làm 321 người chết và 500 người bị thương, Reuters trích nguồn hãng tin AMAQ của IS hôm qua. Nhóm này không cho biết thêm chi tiết và đưa ra bằng chứng rằng chính họ đã thực hiện vụ tấn công.
Ðòn thù?
Trong khi đó, phát biểu trước quốc hội, bộ trưởng Quốc phòng Sri Lanka Ruwan Wijewardana nói các cuộc điều tra ban đầu cho thấy “chuỗi đánh bom” được thực hiện bởi bàn tay của một “tổ chức Hồi giáo cực đoan” mà ông nêu tên là National Tawheed Jamath (NTJ) nhằm trả đũa một cuộc tấn công hồi tháng ba vào hai nhà thờ Hồi giáo ở New Zealand. Trong số những người thiệt mạng có ít nhất 35 công dân ngoại quốc, đến từ nhiều nước trên thế giới.
Vụ tấn công vào nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch, New Zealand hồi tháng 3 đã lấy đi sinh mạng của ít nhất 50 người trong một cuộc bắn giết cuồng loạn mà kẻ thực hiện là một người đàn ông coi người da trắng là tối thượng.
Vụ tấn công đó bắt đầu vào giờ ăn trưa, khi các nhà thờ Hồi giáo đang có rất đông tín đồ cầu nguyện.
Người ta đang đặt vấn đề liệu những kẻ cực đoan Hồi giáo đã có mặt tại Sri Lanka.
Mặc dù giới chức nước này đang liên hệ vụ tấn công với một nhóm cực đoan ít người biết tới là NTJ, một chuyên gia về khu vực này là Michael Kugelman viết trên CNN rằng: “NTJ không phải là một tổ chức thánh chiến (jihadist) hùng mạnh, đó chỉ là một nhóm được biết tới chủ yếu với việc bôi bẩn vào các tượng Phật”. Để thực hiện một cuộc tấn công thảm họa như vậy, NTJ cần phải được hỗ trợ, theo nhận định của ông Kugelman, “nhưng đó là ai”?
Ông Kugelman tự đưa ra luận thuyết của mình: “Al-Qaeda và IS có thể là những đối tác hợp lý, cả hai tổ chức này đều đã thực hiện các cuộc tấn công tương tự trong quá khứ. Tuy nhiên, các tổ chức này đã bị phân rã rất mạnh. Chúng có chi nhánh ở Nam Á, một số nhánh đã vượt ra khỏi Afghanistan-Pakistan, khu vực hoạt động chính”.
Nhưng theo ông Kugelman, chưa từng có ghi nhận các tổ chức cực đoan Al-Qaeda hay IS có mặt ở Sri Lanka.
Mặc dù mới chỉ xuất hiện những nghi vấn về chuyện vụ đánh bom hôm chủ nhật là đòn trả thù cho vụ thảm sát nhằm vào người Hồi giáo ở New Zealand, một chức sắc thuộc nhà thờ Thiên chúa giáo ở Sri Lanka, người may mắn thoát chết trong vụ đánh bom vào nhà thờ, kêu gọi các tín đồ Cơ đốc giáo ở nước này không thực hiện những hành vi trả đũa.
Đức cha Jude Fernando kêu gọi các tín hữu “bình tâm, im lặng và cầu nguyện bởi Chúa của Cơ đốc giáo không phải là người ưa trả thù, ông ấy là chúa của tình yêu, của hòa bình”…
Tấn công gây sốc
Các dòng tít ở trang nhất trên báo chí thế giới có lẽ đã khiến những kẻ thủ ác hài lòng, theo lời Anne Speckhard, giám đốc Trung tâm quốc tế Nghiên cứu bạo lực cực đoan. Chuyên gia này cũng cho rằng các vụ nổ phối hợp rất “giống với thủ đoạn của IS hay Al Qaeda”.
“Chúng muốn hiện diện, muốn có tuyên bố ồn ào, đây là những gì chúng tôi có khả năng làm, là mức độ chúng tôi căm ghét các người, chúng thậm chí còn thích thú với sự lên án, chúng nghĩ sẽ thống nhất được người Hồi giáo theo ý chí của chúng”, bà nói với CNN.
Bà Speckhard còn lo ngại rằng các vụ tấn công này có thể mở màn cho nhiều cuộc tấn công tương tự.
Trong số các nạn nhân của loạt đánh bom khủng bố hôm chủ nhật, có cháu trai của thủ tướng Bangladesh. Một quan chức bộ Ngoại giao cấp cao Bangladesh xác nhận rằng cháu trai của thủ tướng Sheikh Hasina đã thiệt mạng bên trong một trong những khách sạn bị tấn công ở thủ đô Colombo của Sri Lanka.
Cậu bé Zayan Chowdhury, 8 tuổi, cháu bà Hasina, đang ăn sáng với gia đình tại một nhà hàng ở khách Shangri-La thì vụ tấn công diễn ra. Cậu bé Chowdhury chết ngay tại hiện trường.
Mặc dù Sri Lanka đang trong tình trạng nước sôi lửa bỏng, đất nước này vẫn bị chia rẽ bởi cuộc khủng hoảng chính trị khởi đầu từ năm ngoái, khi tổng thống Maithripala Sirisena tìm cách loại bỏ thủ tướng Ranil Wickremesinghe.
Paikiasothy Saravanamuttu, giám đốc Trung tâm Các chính sách thay thế có trụ sở ở Colombo nói “rất rõ ràng rằng sự bất đồng và căng thẳng giữa tổng thống và thủ tướng đã ảnh hưởng đến tình thế hiện nay, và đến một chừng mực nào đó việc điều tra các vụ tấn công cũng phải đối mặt với mối quan hệ bất hòa giữa hai nhà lãnh đạo”.
“Nhưng một điều cũng rất rõ ràng là mọi thứ lúc này cần được gạt sang một bên và cần có sự thống nhất trong công tác điều tra, đưa những kẻ thủ ác ra chịu phán xử”, ông nói. Theo ông Saravanamuttu, lúc này mà còn tỏ ra bất hòa thì quả là kỳ cục. “Chính phủ cần gạt bỏ những chuyện hơn thua ân oán cá nhân để lập nên một mặt trận thống nhất, xử lý tình hình”.
Mặc dù đã ba ngày trôi qua nhưng tình hình ở Sri Lanka vẫn hết sức căng thẳng. Hôm qua, thêm Hàn Quốc gia nhập danh sách những quốc gia cảnh báo công dân khi đến Sri Lanka, sau Mỹ, Australia và Trung Quốc.