Ông Ariyannanda Welianga, quan chức chính phủ Sri Lanka cho biết, hai kẻ đánh bom tự sát đã nhằm vào khách sạn Shangri- La tại thủ đô Colombo. Những tên khác nhằm vào ba nhà thờ. Khách sạn thứ tư và một ngôi nhà ở ngoại ô của thủ đô Colombo cũng nằm trong mục tiêu của bọn chúng, nhưng không rõ các vụ tấn công được thực hiện như thế nào. Ngày 22/4, cảnh sát cho biết, 24 người đã bị bắt, tất cả đều là người Sri Lanka.
Ngày 22/4, cảnh sát cho biết, số người chết và bị thương đã lên tới 790 người, trong đó có 290 người chết và khoảng 500 người bị thương.
Các quan chức chính phủ cho biết 32 người nước ngoài đã thiệt mạng, bao gồm công dân Anh, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc, Đan Mạch, Hà Lan và Bồ Đào Nha.
Một phát ngôn viên của không quân Sri Lanka cho biết, cuối ngày 21/4, quân đội Sri Lanka trong quá trình chuẩn bị đón Tổng thống Sirisena về nước đã phát hiện một quả bom ở gần cửa khởi hành ở sân bay. Họ đã phá hủy quả bom này trong một vụ nổ có kiểm soát.
Hiện nay, người ta đang lo ngại cuộc tấn công này có thể châm ngòi cho sự trở lại của bạo lực cộng đồng. Cảnh sát Sri Lanka cuối ngày 21/4 cho biết, đã có một vụ đánh bom xăng vào một nhà thờ Hồi giáo ở phía tây bắc và các vụ tấn công vào hai cửa hàng thuộc sở hữu của người Hồi giáo ở phía tây.
Theo Reuters, thời điểm các vụ đánh bom diễn ra, Tổng thống Maithripala Sirisena đang ở nước ngoài. Sự vắng mặt của tổng thống dễ khiến người ta suy diễn đến một âm mưu nào đó bắt nguồn từ mối mâu thuẫn giữa tổng thống và thủ tướng. Năm ngoái, Tổng thống Sirisena đã sa thải Thủ tướng Wickremesinghe và đưa ông Mahinda Rajapaksa lên thay thế. Vài tuần sau đó, ông buộc phải phục chức cho ông Wickremesinghe dưới sức ép của tòa án tối cao, nhưng mối quan hệ của hai người vẫn còn khá căng thẳng nhất là khi cuộc bầu cử tổng thống đang tới gần.