Khu vực FDI “hắt hơi”, kinh tế Việt Nam “sổ mũi”

Khu vực FDI “hắt hơi”, kinh tế Việt Nam “sổ mũi”
TP - Sau 30 năm thu hút đầu tư, gần 170 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nền kinh tế Việt Nam. Nhưng phía sau đó, còn những điều đáng bàn.
Khu vực FDI “hắt hơi”, kinh tế Việt Nam “sổ mũi” ảnh 1

Nhà đầu tư nước ngoài nộp 1 tỷ đồng thuế sẽ bỏ túi 4 tỷ đồng.

Báo động nền kinh tế phụ thuộc

Sản xuất, lắp ráp và xuất khẩu của Việt Nam đang lệ thuộc dần vào một số doanh nghiệp (DN) FDI khổng lồ, Samsung là ví dụ. Chỉ một sự cố nhỏ xảy ra ở các công ty này sẽ khiến nền kinh tế Việt suy giảm. Vì sao xảy ra thực trạng này?

Chính sách thu hút FDI bắt đầu từ năm 1987 nhưng đến năm 2006 mới đánh dấu làn sóng các ông lớn đầu tư vào Việt Nam bằng sự kiện Tập đoàn Intel (Mỹ) đăng ký dự án 1 tỷ USD tại TPHCM. Tiếp đó, năm 2008, Tập đoàn Samsung đầu tư nhà máy lắp ráp điện thoại tại Bắc Ninh tổng vốn 700 triệu USD. Đến nay, số vốn Samsung đăng ký lên tới 17 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu của tập đoàn. Các “gã khổng lồ” FDI khác đã và đang đầu tư có thể kể đến như Tập đoàn Formosa (Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư gần 10 tỷ USD); LG (tổng vốn đầu tư 3 tỷ USD); Honda… Đến nay, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam lên tới 310 tỷ USD (trong đó vốn thực hiện khoảng 167 tỷ USD) với 24.200 dự án trên cả nước. Các quốc gia đầu tư FDI nhiều nhất gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Đài Loan (Trung Quốc).

“Cuộc cách mạng 4.0 là xu thế chung của thế giới, vì thế chúng ta không thể ngăn chặn nó, mà buộc phải giải bài toán làm sao FDI không áp đảo nội ngành mà lại có tính lan tỏa”.

 Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành

Dù góp phần giúp nền kinh tế thay đổi nhưng kinh tế Việt Nam đáng báo động, khi phải lệ thuộc vào các DN FDI. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2016, khu vực kinh tế FDI chiếm khoảng 50% trị giá sản lượng công nghiệp; chiếm trên 72% tổng kim ngạch xuất khẩu; đóng góp khoảng 20% thu nội địa và 20% GDP. Trong quý 3 năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt kỷ lục 7,46% cũng một phần nhờ đóng góp của Samsung (cho ra mắt sản phẩm Galaxy Note 8) và Cty Formosa sản xuất 1,5 triệu tấn thép chất lượng cao.

Còn nhớ,  năm 2016, khi Samsung phải thu hồi sản phẩm Galaxy Note 7 (vì nguy cơ cháy nổ) khiến giá trị xuất khẩu tháng 9/2016 của Việt Nam tụt giảm. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 9/2016 của cả nước đạt hơn 29,9 tỷ USD, giảm 5,2% so với tháng 8/2016.

Trước sự sụt giảm này, các chuyên gia kinh tế đã ví von, khi Samsung “hắt hơi”, nền kinh tế Việt Nam “sổ mũi” để cảnh báo về nguy cơ phụ thuộc khu vực FDI.

“Vốn FDI có mặt trái, chúng ta phụ thuộc vào nó thì rất nguy hiểm. DN FDI phụ thuộc nhiều vào quan hệ chính trị, quan hệ xã hội hay quan hệ địa chính trị khu vực. Khi những quan hệ này bị ảnh hưởng, chắc chắn DN FDI sẽ rút ra khỏi thị trường đang đầu tư. Ví dụ, vừa qua một số DN đến từ  Nhật Bản, Hàn Quốc đã rút khỏi Trung Quốc”, ông Nguyễn Văn Toàn, chuyên gia về đầu tư nước ngoài lưu ý.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tình hình kinh tế chính trị thế giới có những biến động và nguồn vốn FDI vì thế có thể cũng “ra – vào” rất nhanh theo những biến động đó. Nếu Việt Nam không nhận được sự chuyển giao công nghệ, khi DN FDI rút khỏi thị trường, Việt Nam gần như mất trắng.

“Có rất nhiều rủi ro khi kinh tế phụ thuộc nhiều vào FDI. Vì thế, ngoài hỗ trợ phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao tay nghề cho nhân lực, quan trọng hơn là phải làm sao để người lao động, DN Việt Nam làm chủ các công nghệ hiện đại. Việt Nam cũng cần xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ để có thể chủ động trong mọi tình huống và nhất thiết phải đón nhận đa dạng các nhà đầu tư vào Việt Nam, không nên quá tập trung, quá lệ thuộc vào một hoặc một vài nhà đầu tư lớn”, ông Hiếu nói.

Nộp thuế 1 tỷ đồng, DN FDI bỏ túi 4 tỷ đồng

Là một trong những tỉnh đổi thay nhờ FDI, tại hội thảo “30 năm lan toả vốn FDI” vừa diễn ra, ông Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, DN FDI giúp thu ngân sách của tỉnh tăng hơn 300 lần. Trước kia, thu ngân sách của Vĩnh Phúc khoảng 1 trăm tỷ đồng, nay đạt tới 33 nghìn tỷ đồng.

Nhưng vị lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cũng thẳng thắn cho rằng, cần nhìn lại bất cập hạn chế trong thu hút FDI để thay đổi cho tốt hơn. “Chúng tôi chỉ nhìn theo phương diện địa phương nhưng ở Vĩnh Phúc, nếu cứ tiếp tục thu hút FDI thì sẽ nhìn thấy nền kinh tế không ổn định”, ông Thành nói.

Lý giải về điều này, ông Thành cho biết, với việc nhà đầu tư nước ngoài nộp 1 tỷ đồng tiền thuế, họ sẽ bỏ túi 4 tỷ đồng. DN trong nước cũng vậy, nhưng 4 tỷ của DN Việt sẽ vẫn ở lại Việt Nam, còn 4 tỷ của nhà đầu tư nước ngoài sẽ được chuyển về nước của họ.

“Chúng tôi đã và đang có rất nhiều chính sách ưu đãi và tạo điều kiện cho DN trong nước. Thực tế, DN vừa và nhỏ còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận ưu đãi”, ông Thành cho biết.

Theo điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dù xuất khẩu lớn như trên nhưng DN FDI chỉ mua khoảng 26,6% thiết bị đầu vào từ DN Việt, còn lại là nhập khẩu và nhập từ công ty mẹ.

“Có một con số rất ám ảnh. Cách đây một số năm thì 10 đồng xuất khẩu của Việt Nam thì 5 đồng thuộc về DN FDI, nhưng đến nay con số này là 7,5 đồng. Trong khi đó, sự liên kết giữa DN FDI và trong nước rất khiêm tốn”, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho biết.

Thu hút FDI gắn với cách mạng 4.0

Theo ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), khó khăn trong việc thu mua các bộ phận và linh kiện nội địa vẫn là một vấn đề lớn đối với các công ty Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam. Năm 2016, tỷ lệ linh kiện công ty Nhật mua của Việt Nam chỉ đạt 34,2%; thấp hơn nhiều so với các nước như Trung Quốc (67,8%); Thái Lan (57,1%) và Indonesia (40,5%).

Bên cạnh đó, việc Samsung (Hàn Quốc) liên tục đầu tư và gặp phải khó khăn trong việc tìm kiếm DN Việt tham gia vào chuỗi cung ứng đã được lãnh đạo Samsung gợi ý, DN vừa và nhỏ của Việt Nam trước tiên nên là nhà cung cấp cấp 2, cấp 3. Sau một thời gian tích lũy về công nghệ, chất lượng, DN Việt có thể tự tin hơn trở thành nhà cung cấp cấp 1 của Samsung.

Theo ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), mục tiêu từ đầu của chính sách thu hút FDI là công nghệ hiện đại và lan tỏa vào cả nền kinh tế. Nhưng thực tế, DN FDI chủ yếu thuê mặt bằng, nhân công giá rẻ, còn chưa gắn kết với DN nội địa như mong đợi.

Ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) phân tích: Trong thu hút FDI thời gian tới, sẽ tính toán gắn liền với  cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Khu vực FDI đã là một trong những đầu tàu phát triển của nền kinh tế trong 3 thập kỷ qua và tiếp tục là động lực giúp chúng ta tham gia sâu hơn vào cách mạng công nghiệp thế hệ thứ 4 này.

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, khoảng 10 năm lại đây thu hút FDI cũng đã chuyển sang chú trọng chất lượng, coi trọng quản lý kinh tế vĩ mô. Chất lượng ở đây là bản thân dự án phải đảm bảo tính bền vững của môi trường, có tính lan toả tốt.

Theo ông Thành, nền công nghiệp 4.0 sẽ khiến dòng vốn FDI sẽ mở ra nhiều lĩnh vực mới. Vì thế, cần có định hướng làm sao để thu hút FDI vào nhưng cũng phải cùng lúc hoàn thiện khung khổ pháp lý để vừa thích ứng với công nghệ vừa đảm bảo cạnh tranh, giảm phí tổn chuyển đổi. Bài toán đặt ra là làm sao vừa tiếp cận nhanh công nghệ 4.0 với vai trò thu hút FDI rất quan trọng, nhưng cũng vừa đảm bảo cạnh tranh lành mạnh.

Khi nói về mặt trái, nguy cơ tiềm ẩn ô nhiễm môi trường từ các DN FDI, người dân Việt Nam nhắc ngay đến sự cố môi trường biển Formosa vào tháng 6/2016 với 4 tỉnh miền Trung: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế. Sự cố này khiến gần 17.000 tàu thuyền khai thác hải sản phải dừng hoạt động; hơn 50.000 người dân bị ảnh hưởng trực tiếp và gần 180.000 người phụ thuộc bị ảnh hưởng.

MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Người Hà Nội chen chúc đi mua vàng
Người Hà Nội chen chúc đi mua vàng
TPO - Sáng 8/11, giá vàng trong nước đảo chiều tăng từ 1-1,8 triệu đồng/lượng. Trái ngược với hôm qua khi người dân ồ ạt bán ra, hôm nay nhiều người lại xếp hàng để mua, một số tiệm vàng phải treo biển thông báo hết hàng hoặc tạm ngừng bán.