Đại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết, thành phố đã giao Sở Tài chính, Sở Xây dựng tổng hợp ý kiến các sở, ngành để sắp xếp nơi làm việc cho phù hợp. Sở Nội vụ đang tiến hành thi tuyển công chức, sau đó sẽ có báo cáo số lượng công chức điều chỉnh tại các sở, ngành. Căn cứ vào đó, các sở liên quan sẽ có thống kê, phân chia lại diện tích làm việc cho phù hợp, báo cáo UBND thành phố.
8 sở, ngành bị “nhồi” vào Khu liên cơ
Dự án Trung tâm Giao dịch công nghệ thường xuyên Hà Nội sau khi có quyết định của UBND thành phố Hà Nội chuyển đổi thành Khu liên cơ như hiện nay đã được bổ sung công năng văn phòng hiện đại để bố trí trụ sở của 8 sở, ngành làm việc.
Việc điều chỉnh này kéo theo tăng mật độ xây dựng từ 2.653m2 lên thành 3.470m2 với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 48.000m2 (không bao gồm diện tích sàn tầng hầm, tầng kỹ thuật), không đáp ứng được nhu cầu hoạt động của tòa nhà, làm tòa nhà trở nên quá tải.
Quá trình thi công “chắp vá” khiến công trình liên tục gặp vấn đề khó khắc phục như: tự bổ sung cột tại vị trí trục C-3 không đảm bảo khả năng chịu lực theo công năng mới dẫn đến nứt dầm; một số thiết bị đã nhập về có công suất không phù hợp gây lãng phí...
Trước đây, Hà Nội đã cho nghiên cứu một quy hoạch khá bài bản về xây dựng khu liên cơ quan hành chính tại Khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng.
Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, tháng 8/2014, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Xây dựng nghiên cứu phương án xây dựng Khu liên cơ quan hành chính trên ô đất thuộc khu đô thị này, trong đó nêu rõ thực trạng phần lớn trụ sở làm việc của các sở, ngành Thủ đô được đóng tại các công trình nhà, biệt thự được xây dựng từ lâu. Thiết kế kiến trúc cũng như diện tích sử dụng của các ngôi nhà, biệt thự cũ này không còn phù hợp với công năng của các cơ quan.
Các trụ sở này lại nằm rải rác tại nhiều vị trí khác nhau trong nội thành nên không thuận tiện cho công tác quản lý, điều hành của UBND thành phố cũng như đối với người dân, gây khó khăn lớn trong cải cách thủ tục hành chính và thực hiện Đề án Chính phủ điện tử của thành phố Hà Nội. Do vậy, thành phố sẽ đầu tư xây dựng một khu liên cơ bài bản tại Khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng.
Tuy nhiên, dự án này đã “chết yểu”; thay vào đó, Khu liên cơ Võ Chí Công được làm theo kiểu hoán cải “chắp vá”.
Ðùn đẩy trách nhiệm về chỗ đỗ xe
Người dân bức xúc với việc đến làm thủ tục hành chính tại Khu liên cơ Võ Chí Công không có chỗ đỗ xe, nếu gửi xe thì mất tiền, trong khi các cơ quan chức năng đùn đẩy trách nhiệm về chỗ đỗ xe.
Sở Xây dựng đã báo cáo thành phố Hà Nội về phương án trông giữ ô tô, xe máy cho cán bộ và người dân đến làm việc. Theo đó, với người dân đến làm việc, Sở Xây dựng kẻ ô đỗ, sắp xếp lại ô tô để tăng khả năng đỗ xe tầng hầm B2 khối nhà 16, 27 tầng.
Tại 2 tầng hầm tòa nhà B, C thuộc dự án Khu nhà ở tái định cư công cộng phường Xuân La, Sở Xây dựng báo cáo thành phố để bố trí chỗ đỗ ô tô cho cán bộ, công nhân viên chức.
Về việc dời khỏi Khu liên cơ Võ Chí Công về trụ sở cũ, lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết, đơn vị vẫn sử dụng cả 2 địa điểm và đang đề xuất thành phố cho phép sử dụng lại trụ sở cũ để tránh lãng phí. Theo một cán bộ đang công tác tại Khu liên cơ, cơ quan của vị cán bộ này cũng đang trình báo cáo đề xuất chuyển về trụ sở cũ.
Với Dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ, khách sạn và căn hộ phường Xuân La, Sở GTVT đang đề nghị quận Tây Hồ báo cáo thành phố cấp phép tạm thời trông ô tô cho người dân, khách đến giao dịch.
Phúc đáp đề xuất này, UBND quận Tây Hồ cho biết, đối với đề nghị bổ sung mục tiêu đỗ xe cho khối nhà B thuộc dự án Khu nhà ở tái định cư tại phường Xuân La, thực tế công trình đã hoàn thành thi công phần kết cấu 2 tầng hầm; tổng diện tích tầng hầm khoảng 2.891m2 trên tổng diện tích sàn căn hộ khoảng 12.000m2.
Do đó, chỉ đảm bảo diện tích đỗ xe cho tòa nhà, nếu thay đổi thì dễ phát sinh khiếu kiện phức tạp. Do đó, quận Tây Hồ kiến nghị Sở Xây dựng bố trí bãi đỗ xe cho khu Liên cơ tại vỉa hè, lòng đường tuyến đường giữa khối nhà B và khối nhà C thuộc dự án Khu nhà ở tái định cư phường Xuân La.