Trường mẫu giáo bán trú Bình Trị chỉ nhận trẻ có hộ khẩu thường trú. Ảnh: Nguyễn Huy. |
Có con hơn 3 tuổi, nhưng từ đầu năm học đến nay chị Phạm Thị Hương (27 tuổi, trú xã Bình Trị, Bình Sơn) - vợ một kỹ sư công tác tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất không thể tìm được trường gửi con bán trú.
“Xã có hai trường, một trường tư, một trường công, nhưng tất cả đều kín chỗ”, chị Hương nói. Quy định trường đặt ra là chỉ nhận những con em có hộ khẩu trên địa bàn. Vợ chồng chị Hương về quê cắt khẩu, nhập vào xã Bình Trị nhưng không thể có chỗ cho con học vì chưa ở tuổi “ưu tiên đến trường”. Hơn nửa năm nay, chị phải thuê người giúp việc ở nhà trông giữ trẻ.
Cùng hoàn cảnh là chị Trần Vũ Thanh Mai (30 tuổi) - cũng có chồng là kỹ sư Nhà máy lọc dầu Dung Quất đành phải nghỉ việc ở nhà để trông con gần 4 tuổi.
“Trước đó tôi làm công nhân ở trong KKT, nhưng không có chỗ gửi con nên đành nghỉ việc ở nhà giữ cháu. Họ quy hoạch cả một KKT mà lại không bố trí thêm hệ thống trường học khiến con em chúng tôi không có chỗ để được trông giữ”- chị Mai nói.
Tại khu nhà tập thể KKT Dung Quất, nhiều công nhân than phiền cảnh đỏ mắt tìm trường mẫu giáo cho trẻ.
Theo anh Thành, công nhân Nhà máy lọc dầu Dung Quất: Trường cấp 1, cấp 2 còn có thể có chỗ cho con học, chứ riêng mẫu giáo thì chịu.
Ông Lê Văn Dũng, Phó Ban quản lý khu kinh tế Dung Quất đề nghị ngành giáo dục địa phương cần khảo sát cụ thể số lượng con em của công nhân, kỹ sư trong khu kinh tế để mở rộng quy mô trường lớp cho phù hợp. Ban quản lý từng tính tới chuyện xây trường học đạt chuẩn để đáp ứng nhu cầu học tập cho con em lao động, nhưng lại bất cập do địa bàn các nhà máy xa nhau, công nhân không thể đi hàng chục km để đến một địa chỉ gửi trẻ. |
Tại các xã Bình Hải, Bình Phú bên KKT Dung Quất cũng rơi vào cảnh quá tải lớp học mầm non, hàng trăm trẻ nhỏ phải ở nhà vì thiếu trường học.
Ông Lê Đắc Hòa, Trưởng thôn Phước Thiện (xã Bình Hải, Bình Sơn) cho hay: Thôn có đến 1.400 hộ gần bằng 50% dân số xã, nhưng cũng chỉ có 1 trường mẫu giáo với 2 lớp học.
Những năm gần đây, áp lực trường lớp do con em công nhân viên, kỹ sư tại các nhà máy KKT đến nhập cư, tạm trú tăng, nhưng trường lớp thì không tăng thêm một cơ sở nào.
Theo UBND xã Bình Hải: xã đã kiến nghị chuyện học của con em người dân, công nhân trên địa bàn lên ngành giáo dục và Ban quản lý KKT Dung quất. Tuy nhiên, việc mở rộng mạng lưới giáo dục gặp khó khăn do vướng quy hoạch, quỹ đất hạn hẹp.
Anh Phạm Đình Thắng, kỹ sư Nhà máy lọc dầu Dung Quất, ngán ngẩm: Ở đây chỉ có quán nhậu, vài quán cà phê, còn những điểm cho trẻ em vui chơi, công viên… thì hầu như trống.
Mỗi lần cho con đi chơi, hai vợ chồng vượt hàng chục cây số ra TP Quảng Ngãi hoặc ra TP Tam Kỳ (Quảng Nam).
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Dũng, Phó ban quản lý KKT Dung Quất, cho hay: Đến nay, tổng số lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong KKT là hơn 14.000 người, trong đó Nhà máy lọc dầu Dung Quất có hơn 1.300 lao động.
Hiện KKT có 2 khu ở cho công nhân với tổng số 2.000 chỗ, và đang xúc tiến triển khai thêm dự án nhà ở cho người lao động thu nhập thấp (tổng vốn 72 tỷ, do Cty TNHH MTV Đầu tư xây dựng và dịch vụ Quảng Ngãi làm chủ đầu tư).
Do số lượng lao động còn ít kéo theo các loại hình dịch vụ, tiện ích thích hợp cũng hạn chế.
Đặc thù KKT ở vị trí nông thôn nên nhiều đơn vị chưa mặn mà phát triển các hình thức dịch vụ, vui chơi, giải trí, văn hóa. Chỉ có khu Vạn Tường được đánh giá là sôi động hơn chút đỉnh.
Theo cô Nguyễn Thị Phượng, Hiệu trưởng trường Mẫu giáo bán trú Bình Trị: Xã có 8 lớp mẫu giáo, trong đó có 3 lớp bán trú với tổng số gần 260 trẻ em. Tuy nhiên, số lượng điều tra phổ cập của trường trẻ từ 3-5 tuổi trên địa bàn có đến gần 400 cháu.
Trường ưu tiên giải quyết cho các em 5 tuổi đến trường đầy đủ, còn lại các lớp 4- 3 tuổi, ai đăng ký trước thì được chọn học. Hiện lớp 3 tuổi trường chỉ nhận được 25 cháu, trong khi số trẻ ở độ tuổi này chiếm gần 140 cháu.
Ông Trần Hữu Tháp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ngãi cho hay: Quy hoạch giáo dục gắn với quy mô dân số, nhu cầu thực tiễn tại các địa phương.
Ngành đang lên phương án giải quyết những bất cập, tồn tại của giáo dục, đặc biệt là hệ mầm non tại các xã quanh KKT Dung Quất.