Theo báo cáo tổng hợp của Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnhVĩnh Phúc, đến 7 giờ sáng 8/9, tỉnh Vĩnh Phúc không có thiệt hại về người nhưng có khoảng 100 nhà kiên cố, bán kiên cố, nhà đơn sơ, 10 điểm trường bị tốc mái, hư hại; hơn 6.000 ha lúa, gần 460ha rau màu bị thiệt hại, ảnh hưởng. Đồng thời, có khoảng 4.000 cây xanh, 72 cột điện hạ thế bị đổ, gãy; 16 trạm hạ thế hư hỏng; nhiều biển quảng cáo gãy chắn ngang trên các trục đường tỉnh lộ...
Trong sáng 8/9, lãnh đạo các huyện, thành phố đã đi kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra; yêu cầu các lực lượng tiến hành dọn dẹp cây đổ, biển quảng cáo, các công trình bị sập, hư hỏng, vệ sinh môi trường, bơm tiêu, bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Tiến hành tuần tra, canh gác tại các vị trí xung yếu, trọng điểm về thiên tai, sơ tán người dân đến nơi an toàn. Tăng cường phát sóng phát thanh cảnh báo người dân tuyệt đối không ở gần các công trình thủy lợi, hồ, đập có nguy cơ mất an toàn; chủ động khắc phục hậu quả do bão.
Cây gãy đổ trên thị trấn Tam Đảo. Ảnh: Cao Phong |
Tại huyện Tam Đảo, từ ngày 7/9, Ban Chỉ đạo PCTT&TKCN huyện Tam Đảo đã bố trí rào chắn barie 2 chiều đường lên và xuống núi Tam Đảo để cấm đường, không cho người và phương tiện lên/xuống núi trong điều kiện thời tiết xấu. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân hạn chế ra đường nếu không có việc thực sự cần thiết; hướng dẫn, cảnh báo người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bão, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Tại khu du lịch Tam Đảo, thị trấn tuyên truyền không đón khách trong dịp này để đảm bảo an toàn. Với những khách đã đặt phòng và ở lại trước cơn bão số 3 được chính quyền địa phương khuyến cáo không xuống núi, không tham gia các hoạt động du lịch ngoài trời, tuân thủ các quy định phòng, chống bão.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Tam Đảo tiếp tục tổ chức trực nghiêm túc; bám sát cơ sở để hỗ trợ các địa phương, nhất là tình huống thị trấn Tam Đảo và xã Đạo Trù có nguy cơ bị cô lập do sạt lở, mưa lũ qua các ngầm tràn...