Khu đô thị Việt Hưng-Hà Nội: Người dân phải sống cùng nghĩa trang

Khu đô thị Việt Hưng-Hà Nội: Người dân phải sống cùng nghĩa trang
TP - Hai nghĩa trang vẫn đang nằm lọt thỏm giữa khu đô thị mới, hiện đại và chỉ cách nhà dân mấy bước chân! Đó là chuyện có thật đang khiến nhiều hộ dân bức xúc vì đã trót mua nhà tại Khu đô thị mới Việt Hưng (Quận Long Biên-Hà Nội).
Khu đô thị Việt Hưng-Hà Nội: Người dân phải sống cùng nghĩa trang ảnh 1
Nghĩa trang chưa được di dời nhưng khu đô thị đã đưa vào sử dụng

Trong khi đó, nơi có trách nhiệm là Tổng Cty Đầu tư phát triển nhà và khu đô thị HUD (Bộ Xây dựng)-chủ đầu tư lại không mấy quan tâm đến bức xúc này.

Không khí ô nhiễm - nước sạch có vấn đề

Sát lô K, P Khu đô thị Việt Hưng là 2 nghĩa trang tồn tại từ lâu và đến nay vẫn còn sử dụng: Nghĩa trang Đức Giang và nghĩa trang Quán Tình. Hàng ngày, người dân khu đô thị vẫn phải ngửi mùi hương khói nghi ngút, nhất là những ngày rằm, ngày giỗ người quá cố.

“Nghĩa trang này liền sát nhà tôi. Mỗi lúc có đám cứ thấy rờn rợn, nhưng vì đã trót mua nhà nên đành chịu”- Chị Nguyễn Thị Hường ở phòng 102 nhà P4 cho biết.

Gần hơn, anh Trần Ngọc Hà (căn hộ 106 tại nhà K8) cho biết: “Lúc đến mua nhà, Ban quản lý nói sẽ di chuyển ngay, thành ra chúng tôi mới mua nhà ở đây, đâu ngờ…”- Anh Hà tỏ vẻ bức xúc.

Anh Hà và nhiều người dân cho biết thêm, tại khu nghĩa trang vẫn còn một khu đất trống và người dân thôn Quán Tình dùng làm nơi chôn cất mỗi khi thôn có người quá cố. Chỉ mấy tuần trước đã có hai người của thôn về đây yên nghỉ. Trời nắng nóng, mùi hương xộc thẳng vào trong nhà, khổ nhất là các cháu bé không quen ho sặc sụa.

Chúng tôi đem câu chuyện của cư dân Khu đô thị đến hỏi cụ Thanh – người quản trang thôn Quán Tình đã 5 năm nay. Cụ Thanh nói, hiện giờ người dân vẫn an táng người thân lìa trần ở đây: “Họ (chủ đầu tư-PV) chẳng quan tâm xem người dân “nằm” xuống thì chôn ở đâu. Đời đời, kiếp kiếp chúng tôi đã chôn người thân ở đây. Nói đi là đi được sao!?”- Cụ nói.

Bà Hảo-mẹ chị Hường cho biết, chịu đựng mùi hương đã khổ nhưng lo nhất là nước sạch. “Khi mua nhà họ nói là có nước sạch, ngờ đâu là nước giếng khoan”- Bà Hảo nói.

Anh Trần Ngọc Hà dọn đến đây ở từ tháng 10/2007 quá bức xúc về chuyện nước sạch, anh đã mang mẫu nước đi giám định. Anh cho biết, dù kết quả ra sao, anh  cũng sẽ không dám sử dụng trực tiếp nữa.

Ông Trần Huy Minh, Đội trưởng Đội quản lý chung cư lô B 5 tầng (Chi nhánh xí nghiệp 4, Công ty dịch vụ đô thị nhà ở của HUD) thừa nhận: Nguồn nước cung cấp cho khu đô thị là nước giếng khoan tại chỗ, do xí nghiệp tự xử lý.

Chưa có giải pháp cụ thể

Ông Nguyễn Tuấn Bổng-Chủ tịch phường Giang Biên cho biết, khi giải phóng mặt bằng lấy đất cho Khu đô thị, nhà đầu tư không đề cập sâu đến việc di chuyển nghĩa trang. Vì vậy, người dân vẫn sử dụng nghĩa trang cũ.

Lúc đó, phường cũng có kế hoạch di dời nghĩa trang Quán Tình đến nghĩa trang thôn Tình Quang ở ngoài đê với sự hỗ trợ của Tổng Cty HUD. Theo đó, HUD sẽ hỗ trợ việc di dời hơn 1.000 ngôi mộ; góp vốn xây dựng, cải tạo nghĩa trang Tình Quang để dân sử dụng lâu dài.

“Nhưng đấy là chuyện của 2 năm trước, sau đó chúng tôi không thấy phía Tổng Cty HUD trở lại vấn đề này nữa!”- Ông Bổng cho biết. 

Trao đổi với Tiền phong, ông Dương Văn Phúc, Phó Tổng giám đốc Tổng Cty HUD thừa nhận Tổng Cty đã có nhiều lần họp với địa phương nhưng tới nay vẫn chưa thể có giải pháp cụ thể vì còn phải vận động dân.

Ngoài ra, dân cũng có điểm còn thắc mắc về chính sách đền bù, và họ cũng cần có thời gian thay đổi một tập quán. Giải thích về những bất tiện do người dân khu đô thị phải sống chung với nghĩa trang, ông Phụng cho rằng khi mua nhà người dân đã tìm hiểu kỹ rồi.  

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.