Không tích nước nếu không khắc phục xong trước mưa bão

Không tích nước nếu không khắc phục xong trước mưa bão
TP - Ngày 18-4, Ban quản lý Dự án thủy điện 3 nói sẽ dùng phương pháp chống thấm của Trung Quốc tại Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2. Trong khi đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam khẳng định sẽ kiến nghị Chính phủ cho ngừng tích nước nếu không khắc phục rò rỉ trước mùa mưa lũ.

Thủy điện Sông Tranh 2, lãnh đạo tỉnh Quảng nam kiến nghị:

Không tích nước nếu không khắc phục xong trước mưa bão

>Xử lý đập Sông Tranh 2 theo công nghệ Trung Quốc
>Sông Tranh 2 rò rỉ gấp năm lần cho phép

Ngày 18–4, đoàn công tác của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Nam gồm bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh có buổi kiểm tra, khảo sát và làm việc với BQL Dự án thủy điện 3 về việc khắc phục sự cố đập thủy điện Sông Tranh 2.

Cấm cửa, chửi mắng phóng viên

Tại buổi làm việc với đoàn công tác Viện Vật lý Địa cầu và UBND tỉnh Quảng Nam trước đó, ông Trần Văn Hải, Trưởng BQL Dự án thủy điện 3, khẳng định không hề bưng bít thông tin về sự cố rò rỉ nước tại đập thủy điện này. Tuy nhiên, sáng qua, khi theo chân đoàn kiểm tra của tỉnh, một lần nữa các phóng viên lại bị người của BQL tiếp tục cấm cửa.

Trên tuyến đường dẫn vào cửa hầm chính một barie được dựng lên với tấm biển cấm vào. Đoàn xe của lãnh đạo tỉnh khi vào đều bị kiểm soát gắt gao. Một bảo vệ và một người đàn ông đứng ra kiểm tra từng xe (kể cả xe của bí thư và chủ tịch tỉnh), kiểm tra số lượng người, và yêu cầu tất cả phóng viên trên xe xuống.

Tại khu vực khác ở giữa, dưới chân đập, nơi có hành lang kỹ thuật dẫn vào đường hầm, một nhóm người ngồi canh sẵn. Một số người có lời khiếm nhã, chửi mắng phóng viên khi cố gắng ghi hình đoàn công tác đi từ hầm ra. Đây không phải là lần đầu tiên, các phóng viên bị từ chối khi ghi nhận, thu thập thông tin về sự cố thủy điện Sông Tranh 2.

Xử lý theo công nghệ Trung Quốc

Tại buổi làm việc sau đó với đoàn công tác, ông Trần Văn Hải thông báo tình hình khắc phục sự cố. Ông Hải nói, tại Mỹ, đập thủy điện rò rỉ nước 500 lít/giây vẫn an toàn, do đó, đập thủy điện Sông Tranh 2 mức rò rỉ chưa đáng lo ngại.

Theo BQL, thời gian qua đã tập trung khắc phục sự cố bằng cách thu gom nước vào các đường hầm, không để nước chảy ra phía hạ lưu gây mất thẩm mỹ. Cao trình mực nước hiện ở mực 155m. BQL cũng công bố một số kết quả quan trắc để chứng minh đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn an toàn. Theo đó, sau khi thu gom, lượng nước quan trắc được là 75 lít/giây, cao gấp hơn 2 lần so với kết quả công bố trước đó. Số lượng trận động đất kể từ khi thủy điện Sông Tranh 2 tích nước được thống kê là trên 80. Có 10 khe nhiệt gồm các khe có số thứ tự 2, 6, 7, 8, 11, 16, 20, 23, 25, 28 có độ mở khe nhiệt từ 2mm – 6mm, không xuất hiện vết nứt bất thường trên bề mặt bê tông… Để thu gom nước vào hành lang, đơn vị thi công đã khoan 10 lỗ khoan lớn vào thân đập để thu gom nước vào 3 hành lang bên trong thân đập.

Theo ông Hải, các kết quả quan trắc, đặc biệt là độ mở của 10 khe nhiệt là tương đối lớn nhưng là “hoàn toàn bình thường, không ảnh hưởng đến an toàn đập”. Trước mắt, đang tiến hành dán, bịt khe nhiệt bằng cách bơm hóa chất vào các khe nhiệt tạo ra một chất mới giống cao su có thể co giãn.

Về việc biện pháp xử lý chống thấm, ông Hải trình bày phương pháp dán khe nhiệt ở mặt thượng lưu bằng các tấm SR kết hợp bơm keo Polyurethan công nghệ của Trung Quốc. “Đây là công nghệ đã từng được áp dụng tại đập Tam Hiệp của Trung Quốc. Chúng tôi đã gửi hồ sơ ra Bộ Công Thương và bộ ban ngành. Tập đoàn thống nhất với phương pháp này. Trong thời gian tới sẽ cử người sang Trung Quốc để đàm phán cung cấp vật liệu, học kinh nghiệm và thuê chuyên gia. Nếu khó khăn từ phía bạn sẽ chuyển qua phương pháp thứ hai với công nghệ của Mỹ và Thụy Sĩ”. Theo ông Hải, chủ đầu tư sẽ tiến hành chống thấm trước mùa mưa bão. Hiện nay, việc xử lý chống thấm thượng lưu dưới mặt nước cao trình cần phải có chuyên gia nước ngoài, bởi trình độ trong nước chưa làm được.

Sẽ kiến nghị ngừng tích nước

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Sĩ, Phó bí thư Tỉnh ủy, băn khoăn: “Việc rò rỉ nước là có vấn đề, về lâu dài, mức thấm sẽ ảnh hưởng đến đập thế nào, làm sao đảm bảo? Đừng so sánh đập thủy điện Sông Tranh 2 với đập khác trên thế giới. Mức độ rò rỉ hiện nay có an toàn hay không ?”.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chánh văn phòng BCH PCLB Quảng Nam, dẫn chứng đập A Vương chỉ rò rỉ với mức 1,3 lít/giây, trong khi đó, đập Sông Tranh 2 rò rỉ đến mức 75 lít /giây. Tiêu chuẩn nào đảm bảo rằng đập an toàn tuyệt đối? Việc công bố kết quả từ 30 lít/giây nay lại tăng gấp đôi, khiến chính quyền và người dân thêm lo ngại. Trong khi cột nước tại đập còn hơn 40 m, bên dưới ai dám khẳng định điều gì? Có khi nào nước chảy thấm qua thân đập, chứ không riêng gì khe nhiệt hay không?

Xe chủ tịch, bí thư tỉnh Quảng Nam cũng bị kiểm tra, phóng viên phải xuống xe
Xe chủ tịch, bí thư tỉnh Quảng Nam cũng bị kiểm tra, phóng viên phải xuống xe.

Ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở NN&PTNT, nói: “Sau khi khảo sát bên trong đập, thấy nước còn thấm nhiều nên chưa thể yên lòng. Liệu phương pháp khắc phục có đảm bảo cho vùng hạ lưu và tính mạng hàng ngàn người dân hay không? Khắc phục trước mùa mưa bão là bao giờ ?”

Ông Hải nói: “Ở nước ta, các đập như thủy điện Sơn La, Bản Vẽ, A Vương, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4… đập nào cũng thấm nước nhưng con số không công bố vì EVN không cho phép. Tôi biết hết nhưng chỉ ngồi riêng tôi mới nói. Đập thủy điện Sông Tranh 2 sơ suất là do để nước thấm qua hạ lưu chảy ra ngoài”. Theo lãnh đạo BQL, quy phạm về tiêu chuẩn về lưu lượng nước thấm qua đập chưa có, mức độ thấm bao nhiêu tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Hiện nay, chỉ dựa vào con số kinh nghiệm, không có con số cụ thể vì phức tạp khó tính. Về thời gian khắc phục xong sự cố, ông Hải nói rằng, theo kế hoạch là trước ngày 30-7 tới, tuy nhiên còn phụ thuộc yếu tố nước ngoài.

Tham gia buổi làm việc, ông Lê Trí Tập, chuyên gia thủy lợi, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhận định: Đây không phải là thấm mà là rò rỉ. Theo nguyên tắc, tuyệt đối không cho nước chảy qua hạ lưu, tất cả phải được thu gom trước khi chảy ra ngoài. Ở mực nước 155m hiện nay có điều kiện quan sát thượng lưu, nên phải khảo sát nghiêm túc, tìm ra những vị trí nào còn khiếm khuyết trong thi công. “Tìm hiểu kỹ về quá trình thi công, trong các chuyến khảo sát, chúng tôi chưa tiếp cận được với hồ sơ thiết kế. Do đó đã đến lúc nhật ký thi công cần được mở ra”, ông Tập nói.

“Phương pháp BQL đưa ra trùng với phương pháp từng áp dụng ở các nơi, tuy nhiên chưa có kết quả đánh giá phương pháp thi công bê tông đầm lăn nào ở khu vực nhiệt đới như nước ta, do đó phương pháp cần phải có phản biện”, ông Tập nói. Theo ông Tập, gần như các công trình thủy điện ở nước ta và Sông Tranh 2 xây dựng đập không có xả đáy nên không kiểm tra được toàn bộ thân đập thượng lưu. “Đây là một sai lầm lớn, trên thế giới không ai làm thủy điện như thế”, ông nói.

Ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, khẳng định: “Nếu trước mùa mưa lũ không hoàn thành công tác khắc phục sự cố rò rỉ nước, tỉnh sẽ kiến nghị Chính phủ ngừng tích nước để đảm bảo an toàn cho vùng hạ lưu. Tỉnh đang tính tới phương án giãn dân, di dân vùng hạ lưu nếu thấy cần thiết”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG