Không thể thương mại hóa hoạt động dâng sao giải hạn

Hàng ngàn người ngồi tràn ra đường dâng sao giải hạn trước chùa Phúc Khánh, Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh
Hàng ngàn người ngồi tràn ra đường dâng sao giải hạn trước chùa Phúc Khánh, Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Dù chưa có văn bản chính thức về dâng sao giải hạn tràn lan tại các chùa hiện nay, Hoà thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định “không khuyến khích nhà chùa dâng sao giải hạn”.

Phật không dạy dâng sao

“Giáo hội Phật giáo không khuyến khích dâng sao giải hạn. Giáo lý nhà Phật không có dâng giải hạn, chỉ có lễ cầu an thôi. Giáo hội luôn nhắc nhở các chùa dù có làm lễ cho phật tử cũng phải theo chính pháp, theo giáo lý Đức phật dạy. Truyền thống dân gian về dâng sao giải hạn là hiện tượng xã hội, Giáo hội không can thiệp quá nhiều”, Hoà thượng Thích Gia Quang nói.

TS Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ nhấn mạnh triết lý và tư tưởng cốt lõi của Phật giáo hướng con người sống với tâm lành, tính thiện và thực hiện luật nhân quả. “Dâng sao, giải hạn, cầu cúng, vàng mã… là niềm tin thiếu cơ sở khoa học có từ khá sớm trong tín ngưỡng của người phương Đông, tới Việt Nam ta tín ngưỡng đó được tiếp thu, theo quan niệm có thờ có thiêng”, ông nói.

Cho rằng hình ảnh người dân tràn ra lòng đường dâng sao giải hạn là sự thiếu trật tự và văn minh, PGS.TS Lê Quý Đức, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hoá Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chỉ ra nguyên nhân: Sự vô thức tập thể. Việc dâng sao giải hạn gần đây lây lan từ người này sang người khác, dẫn đến hiện tượng sau Tết Nguyên đán người dân thi nhau kéo đền chùa, đình, đền dâng sao.

Buôn thần bán thánh

Nhiều nhà nghiên cứu văn hoá, tôn giáo gọi hiện tượng thu tiền và tổ chức dâng sao giải hạn tràn lan là “buôn thần bán thánh”. PGS.TS Lê Quý Đức nói dân chúng dâng sao giải hạn là một chuyện, đáng nói hơn là “người giải hạn”. “Nhiều người thực hành việc giải hạn cho người khác lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân. Việc thu tiền cũng là biểu hiện buôn thần bán thánh, làm lợi cho họ-có thể là các cơ sở thờ tự, địa phương có cơ sở thờ tự ấy”, ông nói.

PGS.TS Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo đánh giá dâng sao giải hạn là nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng bình thường, cần được tôn trọng, các chùa làm lễ dâng sao giải hạn đáp ứng nhu cầu đó của người dân, tuy nhiên, từ chỗ là niềm tin, là nhu cầu bình thường chuyển sang mê tín, mê muội, thậm chí đến mức cuồng tín là rất gần.

“Nếu muốn hết vận hạn, con người phải tích đức, hành thiện, thay đổi nếp sống tiêu cực bằng lối sống nếp sống tích cực theo đúng giáo lý Phật giáo về nghiệp và chuyển nghiệp. Dâng sao giải hạn là việc có thờ có thiêng có kiêng có lành, làm để thanh thản, yên tâm, điều này có tác dụng về mặt tâm lý. Do vậy, khi làm lễ dâng sao giải hạn tại các chùa, cần tránh những hành vi mù quáng, thái quá như chen lấn xô đẩy, giành giật. Không phải ngồi cả đêm, cả ngày, xì xụp khấn vái thì thần thánh mới chứng giám. Không nên ngồi tràn ra đường, ảnh hưởng đến người khác”, PGS.TS Chu Văn Tuấn phân tích.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo đề xuất các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo khi tổ chức việc cúng sao giải hạn nên tuyên truyền cho người dân hiểu đúng ý nghĩa của nghi lễ này, hướng dẫn thực hiện nghi lễ một cách trật tự, có văn hoá, tránh phản cảm, gây ảnh hưởng đến các cơ sở tôn giáo cũng như gây bức xúc trong dư luận. Các cơ sở tổ chức cúng dâng sao nên có cách thức tổ chức để tránh quá tải, lộn xộn.

Chấn chỉnh thế nào?

Giáo hội Phật giáo Việt Nam từng có văn bản khuyến khích không đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự, dư luận nay tiếp tục trông chờ văn bản tương tự như vậy đối với hiện tượng dâng sao giải hạn. Hoà thượng Thích Gia Quang cho biết, Giáo hội chưa ban hành văn bản về dâng sao giải hạn, tuy nhiên trong văn bản trước đó Giáo hội luôn hướng chư tăng phật tử đến lễ chùa phải theo chính pháp.

“Chỉ khi con người nhận thức ra vấn đề, việc lễ bái mới có văn hoá hơn”, Hoà thượng Thích Gia Quang nói. Việc chùa Phúc Khánh - một trong những cơ sở thờ tự của Phật giáo thực hành dâng sao giải hạn, người dân ngồi tràn ra lòng đường - được Hoà thượng lí giải rằng Giáo hội quản lý các cơ sở thờ tự về mặt tôn giáo. Việc nhà chùa làm lễ do sư trụ trì, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm.

Nhiều ngôi chùa có tiếng ở Hà Nội như Phúc Khánh, Quán Sứ, Trấn Quốc, chùa Hà năm nào cũng quá tải dâng sao giải hạn. Việc thu tiền dâng sao giải hạn ở một số nơi theo các nhà nghiên cứu là thương mại hoá. Tính tiền như siêu thị nên có trường hợp vì thiếu 50 ngàn đồng bị nhà chùa từ chối giải hạn, cầu an. “Quan điểm của tôi là các nơi tổ chức cúng dâng sao không nên quy định mức tiền, hãy để người dân tuỳ tâm công đức cúng dường. Nếu đã quy định phải đóng bao nhiêu tiền mới được làm thì đúng là thương mại hoá”, PGS.TS Chu Văn Tuấn nói.

Không hạn chế hay cấm dâng sao giải hạn, tuy nhiên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo mong muốn Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra văn bản hướng dẫn tổ chức cúng dâng sao giải hạn tại các cơ sở thờ tự của Phật giáo, nhằm khắc phục hạn chế, bất cập, thậm chí phản cảm. “Để người dân hiểu đúng, thực hành đúng khi đi lễ tại các cơ sở thờ tự Phật giáo thì vai trò của sư trụ trì là vô cùng quan trọng. Sự hướng dẫn, giải thích của sư trụ trì hiệu quả hơn nhiều so với sự tuyên truyền của các cấp các ngành và truyền thông. Vì vậy, trong việc này, rất cần sự phối hợp của các sư trụ trì”, ông nói. 

Nguồn gốc của tục dâng sao giải hạn bắt nguồn từ Đạo giáo. Người ta quan niệm mỗi năm có một ngôi sao chiếu mệnh cho một người, mỗi năm ấy có thể có sao tốt hoặc sao xấu. Theo quan điểm này, sao xấu có nguy cơ mang đến điều không tốt lành nên con người phải dâng sao, cậy nhờ sức mạnh thần linh để vượt qua ách nạn. “Trong đời sống của chúng ta hiện nay có nhiều mối đe dọa, nhiều điều bất ưng khiến con người cảm thấy mong manh nên người ta càng tin vào cái gọi là có hạn, các ngôi sao xấu chiếu mệnh”, PGS.TS Lê Quý Đức nói.

Bộ VHTTDL yêu cầu chấn chỉnh biến tướng

Lãnh đạo Cục Văn hoá cơ sở (Bộ VHTTDL) ký văn bản số 73 ngày 18/2 gửi các Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh thành yêu cầu có giải pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động lễ hội đầu xuân. Chỉ ra hạn chế tại một số di tích và lễ hội, lãnh đạo Cục Văn hoá cơ sở nhắc đến biến tướng trong hoạt động cúng, dâng sao giải hạn, lợi dụng nhu cầu chính đáng của người dân để trục lợi.

Nhắc lại quan điểm của nhiều chức sắc Giáo hội Phật giáo về dâng sao giải hạn, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ cho biết có chứng kiến cảnh tượng hàng nghìn người xếp hàng dâng sao giải hạn mới thấy cần sớm chấn chỉnh. Lãnh đạo Bộ nêu quan điểm không nên áp dụng mệnh lệnh hành chính về việc này, tuy nhiên các nhà quản lý và nhất là các cơ sở thờ tự nên truyên truyền để người dân nhận thức và hành xử đúng đắn về dâng sao giải hạn cũng như nghi lễ tín ngưỡng khác.

MỚI - NÓNG