Không thể chống kẹt xe theo kiểu rượt đuổi

Ảnh: Kẹt xe trên đường Vành đai 2
Ảnh: Kẹt xe trên đường Vành đai 2
TP - Theo ông Nguyễn Văn Tám, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Cơ khí giao thông Vận tải TPHCM, nếu chống kẹt xe theo kiểu chỗ nào kẹt mới mở, nhà cửa kín mít, giá bồi thường cao, mở đường chỗ nào giá đất chỗ đó càng lên cao thì không đủ kinh phí để làm.

Thay vào đó, chính quyền cần rà soát, xác định những khu vực còn thưa dân, đất nông nghiệp còn nhiều để giải tỏa trắng, thành lập các khu đô thị vệ tinh, làm đường giao thông kết nối, cho xây trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại và các dịch vụ tiện ích… Thành phố quy hoạch lô, thửa và bán đất hai bên đường để thu hồi lại vốn rồi lại tiếp tục dùng khoản tiền trên để tái đầu tư những tuyến đường mới khác. Nếu hạ tầng giao thông tốt, nhiều tiện ích thì sẽ thu hút người dân, kể cả người dân từ nội thành ra mà mô hình khu đô thị Phú Mỹ Hưng là một ví dụ. Làm như vậy vừa có đường giao thông, vừa giảm áp lực cho khu vực nội thành.

Theo ông Tám, không mở đường trong nội ô thì người dân sẽ lựa chọn phương án tốt nhất. Không ai muốn ở trong một khu vực mà thường xuyên chịu đựng kẹt xe, trong khi khu đô thị mới đầy đủ tiện ích, khang trang, hạ tầng giao thông tốt… Người dân chuyển dịch ra các khu đô thị mới sẽ làm giảm áp lực giao thông trong nội ô và giảm được giá đất trong nội thành. Khi đã làm các khu đô thị ở vùng ven, có kinh phí và giá đất trong nội ô đã giảm thấp thì dùng chính nguồn tiền trên để mở đường bên trong nội ô.

“Làm như vậy sẽ ngăn được phát triển đô thị tự phát và góp phần làm bộ mặt đô thị khang trang hơn. Để làm, phải có hành lang pháp lý đầy đủ, một lộ trình lâu dài và không tư duy theo kiểu nhiệm kỳ. Các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn hiện nay vẫn còn đủ quỹ đất để làm”, ông Tám nói. 

MỚI - NÓNG