Không tăng lương, 22 triệu người bị ảnh hưởng

Không tăng lương, 22 triệu người bị ảnh hưởng
TP - Hôm qua, tại buổi thảo luận về tình hình KT-XH và ngân sách của UBTV Quốc hội, trước đề xuất chưa tăng lương năm 2013 của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, cần cân nhắc chủ trương này, và đặt câu hỏi: Không có tiền lấy gì đi chợ? Còn Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhận định, 22 triệu người lao động sẽ bị ảnh hưởng nếu không tăng lương.

> UB Thường vụ QH thảo luận về bỏ phiếu tín nhiệm

Thường vụ Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 16-10
Thường vụ Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 16-10.

Nguồn thu giảm mạnh

Theo Báo cáo Chính phủ, năm 2012, thu ngân sách có nhiều khó khăn, trong đó riêng thu nội địa và thu cân đối xuất nhập khẩu giảm 25.500 tỷ đồng.

Nguyên nhân được chỉ ra là do chỉ tiêu tăng trưởng, tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP, chỉ tiêu tạo việc làm đều giảm.

Sự đóng cửa của hàng vạn DN, thị trường bất động sản, thị trường tài chính hoạt động trầm lắng cũng làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

Ủy ban Tài chính Ngân sách (TC-NS) cho rằng, mặc dù cố gắng, nhưng thu ngân sách năm 2012 có khó khăn.

So với nhiều năm trước đây, thu ngân sách không có khả năng vượt cao, hụt thu khá lớn ở nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương. Đáng lưu ý, theo báo cáo trong 18 tỉnh giảm thu, có những tỉnh vốn dẫn đầu về thu ngân sách những năm trước như Vĩnh Phúc, Đà Nẵng… Cơ cấu nguồn thu thể hiện tính thiếu bền vững, phụ thuộc vào thu từ tài nguyên, khoáng sản.

Thu nội địa và thu cân đối xuất nhập khẩu giảm mạnh. Thu từ dầu thô chủ yếu do giá dầu tăng cao và sản lượng vượt dự toán.

Như vậy, đến thời điểm này, thu ngân sách không đạt kỳ vọng, do nhiều mục tiêu kinh tế quan trọng không đạt như chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

Việc miễn, giảm, giãn thuế trên diện rộng với nhiều đối tượng trong thời gian tương đối dài dù có tác dụng khuyến khích đối với DN, cá nhân song đã tác động ngược, làm giảm thu không nhỏ với ngân sách nhà nước.

UB TC-NS yêu cầu Chính phủ đánh giá sâu hơn, làm rõ kết quả cũng như những bất cập trong áp dụng chính sách thu ngân sách năm 2012, nhất là việc miễn, giảm, giãn thuế.

Không tăng lương, 22 triệu người lao động sẽ bị ảnh hưởng

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết: Theo lộ trình từ 1-5-2013, lương tối thiểu sẽ tăng từ 1,05 triệu đồng/tháng lên 1,3 triệu đồng/tháng.

Để đáp ứng nhu cầu này, ngân sách cần chi trong năm 2013 khoảng 60-65 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, thu ngân sách năm 2012 rất khó khăn, dự báo sẽ tiếp tục khó trong năm 2013.

Căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách nhà nước, Chính phủ không bố trí nguồn thực hiện chi cải cách tiền lương theo lộ trình vào năm 2013.

Về vấn đề tạm dừng tăng lương, ông Phùng Quốc Hiển cho biết, trong Ủy ban TC-NS có rất nhiều ý kiến khác nhau. Ý kiến đồng tình cho rằng, việc tăng mức lương tối thiểu đã được thực hiện 8 lần (từ 1/2003 -5/2012) và tăng cao trong mấy năm gần đây.

Do vậy, trong bối cảnh cân đối ngân sách năm 2013 gặp rất nhiều khó khăn, việc chưa thể bố trí ngân sách năm 2013 để cải cách tiền lương là vấn đề cần được tính tới.

Bên cạnh đó, luồng ý kiến khác cho rằng cần thực hiện một phần lộ trình tăng lương tối thiểu từ 1,050 triệu đồng lên 1,150 triệu đồng và phụ cấp công vụ từ 25% lên 30% thực hiện từ 1-5-2013 để góp phần bảo đảm đời sống cho cán bộ, công chức và người lao động.

Nguồn bố trí tăng thêm sẽ lấy từ việc tăng thu từ nội địa và dầu khí, theo dự toán của Chính phủ, năm 2013 thu nội địa sẽ tăng 14,4% so với 2012 và thu dầu thô dự kiến sẽ đạt 99 nghìn tỷ đồng.

Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, đây là năm đầu tiên mà thu ngân sách hụt thu khá lớn. Do vậy cần đánh giá sâu sắc hơn tác động của tình hình đối với người lao động.

Tỷ lệ giảm hộ nghèo không đạt, tạo vệc làm không đạt - chỉ giảm được 1,76% so với chỉ tiêu 2% đề ra, nhưng có sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền. Đây là điều cần quan tâm để giảm nghèo bền vững.

Nếu không tăng lương năm 2013, có thể khiến 22 triệu người lao động bị ảnh hưởng (khoảng 7 triệu CBCC, và 15 triệu lao động trong DN). “Cần có biện pháp để thời điểm nào thuận lợi trong năm 2013 thì có thể tăng lương cho người lao động”- bà Mai nói.

Nên giảm 50% số cán bộ đi nước ngoài

Theo Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, năm 2013 sẽ còn khó khăn vì những nút thắt chưa được tháo gỡ. Nhưng vẫn phải đảm bảo hai mục tiêu: kiềm chế lạm phát và ổn định vĩ mô.

Tuy nhiên, phải có giải pháp cụ thể, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhất quán, quyết liệt. Ví dụ chống đầu tư dàn trải, rất nhiều cuộc họp đã nói, nhưng tổ chức thực hiện lại có vấn đề.

Cho rằng “bức tranh kinh tế là đáng lo ngại và năm 2013 theo đồ thị Chính phủ phân tích là ngày càng sáng lên”, ông Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm UBKHCN&MT đề nghị cần “phân tích sâu thêm nữa”.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước và nhiều ý kiến tại UBTVQH cho rằng, cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, hướng mạnh sản xuất tiêu dùng vào thị trường nội địa; tiết kiệm chi tiêu ngân sách; đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu tập đoàn.

“Phải có giải pháp giải quyết nợ xấu, không để nợ xấu tăng lên nữa, đồng thời luôn canh chừng lạm phát, bội chi ngân sách” – Ông Ksor Phước nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh, chúng ta phải xem lại mục tiêu năm 2012: Kiềm chế lạm phát đạt được, nhưng cách làm đã hợp lý chưa để bảo đảm vế 2 là tăng trưởng hợp lý. Hàng loạt khối tài sản lớn đắp chiếu, năm 2013 có giải quyết được không? Vinashin, Vinalines tiếp tục giải quyết như thế nào?

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh đến việc khơi thông thị trường, giải quyết hàng tồn kho, thúc đẩy tiêu dùng.

“Giải quyết được tồn kho thì giải quyết được nợ ngân hàng. Ngoài ra có thể tăng cho vay tiêu dùng, cho vay mua nhà thúc đẩy thị trường bất động sản, tăng đầu tư cho vùng nông thôn. Tình hình đã nhìn thấy, nhưng phải làm rõ lối ra như thế nào” - Ông Hùng nói.

Theo Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, trong điều kiện hiện nay, cần phải đẩy mạnh tiết kiệm chi tiêu công, kể cả đi nước ngoài.

Nếu chúng ta giảm 50% số cán bộ đi nước ngoài, cũng sẽ giảm được rất nhiều tiền ngân sách. Để khai thông thị trường tài chính, cần phân loại nợ xấu, để tiếp tục cho vay. Không cho vay thì DN chết, ngân hàng cũng chết.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng:

Tính toán để có nguồn tăng lương

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, cần cân nhắc chủ trương hoãn tăng lương theo lộ trình cải cách tiền lương vào năm 2013.

Theo ông, Chính phủ đặt ra mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kích hoạt nền kinh tế, kích thích tiêu dùng, nhưng lại hoãn tăng lương thì sẽ chẳng khác gì tình cảnh một bà nội trợ không có tiền lấy gì đi chợ.

Chủ tịch QH đề nghị cần rà soát lại các khoản chi từ ngân sách, có kế hoạch chi tiêu hợp lý, xem xét cắt giảm những khoản không thực sự cần thiết, để dành ra một khoản cho mục tiêu tăng lương theo lộ trình. Đồng thời, phải chủ động tính toán kỹ lưỡng vấn đề tiền lương và công bố cho người dân biết.

“Với những cán bộ đương chức, mức lương 7-8 triệu có thể vẫn đủ sống, nhưng với người về hưu chắc chắn sẽ gặp khó khăn. Nếu chỉ tăng lương 10% cho người về hưu, người có công, tính ra mỗi người chỉ tăng thêm vài trăm ngàn chứ không nhiều. Đề nghị Chính phủ tính toán xem có làm được không?” - Chủ tịch QH gợi ý.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG