Trao đổi với Tiền Phong xung quanh khối tài sản của ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ và ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ vừa được báo chí thông tin, ông Trần Đại Hưng, nguyên Phó trưởng Ban thường trực Ban Nội chính T.Ư cho rằng, không nên vội vàng quy chụp, đánh giá nhưng nếu có dấu hiệu nghi vấn thì cũng phải điều tra cụ thể, không loại trừ ai.
Ông Trần Đại Hưng cho biết:
Chủ trương của Đảng và Nhà nước đặt ra về việc kê khai tài sản cán bộ, đảng viên là chủ trương đúng đắn. Đây là một biện pháp phòng, chống tham nhũng và cũng là một biện pháp để nhà nước có thể kiểm soát được thu nhập bất hợp pháp (nếu có).
Tuy nhiên nếu như các nước phát triển có phương thức quản lý chặt chẽ nguồn thu nhập phát sinh, phát triển của công dân thì ở ta hiện điều kiện quản lý xã hội chưa được chặt chẽ như họ. Vì vậy nếu đặt vấn đề toàn xã hội giám sát thì chúng ta chưa có đủ điều kiện.
Ông Trần Đại Hưng
Không nên tham vọng là tất cả cán bộ đảng viên đều kê khai một cách thường xuyên mà nên thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt phải nhắm tới việc quản lý cán bộ đối với những người có chức vụ, quyền hạn nhất ở những thời điểm xem xét bổ nhiệm, đề bạt.
Liên quan tới thông tin về tài sản của các cán bộ, đảng viên như của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền và Phó Tổng thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh được báo chí nêu, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Sau khi báo chí nêu tài sản của các cán bộ như nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh, và dư luận đặt câu hỏi cũng là điều bình thường.
Tuy nhiên tôi cho rằng chúng ta không nên vội vàng quy chụp, đánh giá, kết luận mà phải chờ kết quả thanh, kiểm tra của các cơ quan chức năng. Vì có nhiều trường hợp về hình thức nêu lên có nhiều nghi vấn, sau khi kiểm tra cũng rõ ràng.
Nhiệm vụ của những người được báo chí, đơn thư, dư luận nêu lên phải giải trình trước tổ chức của đảng, trước ủy ban kiểm tra các cấp. Các cấp quản lý cũng phải kịp thời vào cuộc để xem xét tài sản ấy có nguồn gốc như thế nào. Nếu có dấu hiệu nghi vấn cũng phải tiến hành điều tra cụ thể, không loại trừ.
Chúng ta làm tốt điều này một mặt phục vụ phòng chống tham nhũng, thứ hai cũng đáp ứng được nhu cầu công khai minh bạch những nguồn tài sản, thu nhập chính đáng của cán bộ, đảng viên. Đối với những trường hợp có điều kiện phát triển kinh tế, làm giàu để đóng góp cho xã hội, bản thân gia đình là đáng hoan nghênh.
Cần giám sát một cách khoa học
Vừa qua báo chí đưa thông tin bản kê khai tài sản của Phó Tổng TTCP Ngô Văn Khánh. Đây cũng là lần hiếm hoi người dân được tiếp cận bản kê khai tài sản của quan chức. Vậy chúng ta có nên công bố thông tin kê khai tài sản một cách rộng rãi hay không?
Tôi nghĩ không cần thông báo rộng rãi vì khi đưa lên báo chí việc đánh giá mỗi người mỗi khác, có thể đánh giá đúng, có thể không đúng khi chưa có kết luận, chưa đầy đủ thông tin. Vì vậy thông tin kê khai tài sản nên do cơ quan trực tiếp quản lý cán bộ biết.
Về mặt khác đó cũng là những thông tin cá nhân, đó cũng là những quyền tự do của mỗi người.
Người dân đòi hỏi quyền được giám sát tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên, vậy muốn thể hiện quyền này thì phải thực hiện ra sao thưa ông?
Tôi được biết chủ trương giám sát được giao cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với các cơ quan, đoàn thể và đang triển khai. Quyền giám sát cũng cần được tổ chức, có lộ trình, khoa học và trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là phải có hiệu quả chứ không thể tùy tiện. Bởi sự tùy tiện sẽ dẫn tới những suy diễn, nghi ngờ không tốt. Vì thế, sau khi có kết quả giám sát chúng ta sẽ thông báo chung trên báo chí, trên các phương tiện truyền thông.
Quay trở lại câu chuyện của ông Trần Văn Truyền, rất nhiều người băn khoăn việc trong khoảng thời gian 6 tháng nhưng ông Truyền đã bổ nhiệm tới 60 cán bộ trước khi nghỉ hưu. Nhiều người cho rằng đây là việc bổ nhiệm ở “phút 89”, rất dễ nảy sinh những tiêu cực. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Tôi cho rằng quan trọng hơn là số lượng bổ nhiệm cần đúng nhu cầu của công tác thanh tra, vì có thể cùng một lúc đúng thời điểm lại thiếu hụt nhiều cán bộ. Điều quan trọng là phải xem trong mấy chục cán bộ mà đồng chí tổng thanh tra ký có trường hợp nào mà dư luận phân vân, không đúng tiêu chuẩn không. Nếu có trường hợp như vậy mới đáng nói và cần làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể.
Theo tôi những điều báo chí nêu về tài sản, công tác bổ nhiệm cán bộ của các cán bộ có chức có quyền vẫn chỉ là hiện tượng, vì thế không nên suy luận, quy kết. Muốn đánh giá đúng bản chất sự việc, cần sự vào cuộc của các cơ quan thanh – kiểm tra.
Niêm yết bản kê khai tài sản tối thiểu 30 ngày
Theo Thông tư hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập do Thanh tra Chính phủ ban hành ngày 31/3/2013 thì hàng năm, bộ phận phụ trách công tác tổ chức, cán bộ phải xây dựng, trình ngườ
i đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phê duyệt kế hoạch công khai Bản kê khai tài sản trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Có hai hình thức công khai bản kê khai là niêm yết và công bố tại cuộc họp.
Nếu công khai bằng hình thức niêm yết cần phải xác định vị trí niêm yết, danh sách người kê khai phải niêm yết ở từng vị trí, phương án bảo vệ, tổ chức thu nhận thông tin phản hồi, thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc niêm yết.
Thời gian niêm yết tối thiểu là 30 ngày liên tục kể từ ngày niêm yết và phải đảm bảo an toàn, không làm mất, rách, nát và đủ điều kiện để mọi người trong cơ quan, đơn vị có thể xem các bản kê khai. Tại mỗi địa điểm niêm yết phải có bản danh sách những người có nghĩa vụ kê khai và bản kê khai tương ứng.
C.K