Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:

Không phải cứ luân chuyển về là được đề bạt cao hơn

TP - Tiếp xúc cử tri Hà Nội ngày 6/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Đảng rất coi trọng công tác cán bộ, coi đây là gốc của mọi vấn đề.

Vừa qua luân chuyển cán bộ là quá trình đào tạo, thử thách xem cán bộ đó làm việc có tốt không, chứ không phải lấy cái mác đi địa phương rồi về được cất nhắc.

Không phải cứ luân chuyển về là được đề bạt cao hơn ảnh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cử tri quận Ba Đình. Ảnh: Như Ý

Không luân chuyển kiểu “chuồn chuồn đạp nước”

Cử tri Đặng Tài Tính (phường Cống Vị, quận Ba Đình), cho biết thời gian từ nay đến đại hội Đảng toàn quốc, bầu cử QH, HĐND các cấp không còn nhiều, nên cần xem lại vấn đề sắp xếp và bố trí cán bộ.

Ông Tính cho rằng, có nơi cán bộ từ Trung ương về theo hình thức luân chuyển chưa ấm chỗ lại rút về. “Có trường hợp chưa ấm chỗ, chưa tạo dấu ấn gì cho địa phương đã rút về Trung ương. Như vậy tạo ra mất ổn định trong tổ chức, xáo trộn công tác chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, ông Tính nói.

Về công tác quản lý cán bộ, ông Tính cho rằng, phải chăng những năm qua chưa chặt chẽ. Một bộ phận cán bộ đang làm mất lòng tin của dân thì làm sao dân có thể tin những cán bộ như vậy.

Trả lời cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là “công việc gốc của Đảng” như lời dạy của Bác Hồ. Cán bộ là quyết định tất cả bởi nói gì thì cũng phải có con người thực hiện.

Đảng ta hết sức coi trọng công tác cán bộ, coi đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Do vậy, cần chú trọng đào tạo, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược. Đảng đã tổ chức một số lớp dự nguồn cán bộ, cho đi luân chuyển địa phương. Các chức danh chủ chốt có thể đưa người nơi khác đến chứ không nhất thiết là người địa phương.

“Nhưng luân chuyển về đâu cũng phải theo quy định, chứ không phải như có ý kiến nói là đi một thời gian ngắn lại rút lên, kiểu chuồn chuồn đạp nước, cốt lấy cái mác đi thực tế cơ sở để về thì không phải đâu”, Tổng Bí thư nói.

Chúng ta quy định đi luân chuyển tối thiểu phải 3 năm và cũng không phải cứ đi rồi về được đề bạt lên cao hơn. Luân chuyển là quá trình thử thách xem cán bộ đó làm việc có tốt không. Tuy nhiên, cá biệt cũng có trường hợp vì yêu cầu, bố trí cán bộ thì phải rút cán bộ đó về trước thời hạn.

“Đánh chuột đừng để vỡ bình”

Cử tri Nguyễn Phú Nho (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình), cho biết cử tri rất đau xót trước tình trạng lãng phí, nhất trong bối cảnh nhân dân đang khổ, đất nước đi vay tiền để trả nợ. Lãng phí không biết bao nhiêu tiền từ mua sắm ô tô, hội nghị, kể cả đón huân chương, mừng công, hoa đầy rẫy. Ông Nho đề nghị, phải quy trách nhiệm cá nhân cho người đứng đầu, người phê duyệt và làm sao xử lý nghiêm minh cá nhân gây lãng phí.

Cử tri Trần Thị Oanh (phường Giảng Võ, quận Ba Đình) cho rằng, hiệu quả chống tham nhũng thấp, tài sản thu hồi được sau tham nhũng chỉ hơn 10% gây bức xúc trong nhân dân.

Tổng Bí thư chia sẻ, kỳ nào tiếp xúc, cử tri cũng có băn khoăn, bức xúc về phòng chống tham nhũng. “Băn khoăn, bức xúc của cư tri là đúng, nhất là thấy bên ngoài, như Trung Quốc làm quyết liệt thế không biết mình ra làm sao”, Tổng Bí thư bày tỏ.

Luân chuyển về đâu cũng phải theo quy định, chứ không phải như có ý kiến nói là đi một thời gian ngắn lại rút lên, kiểu chuồn chuồn đạp nước, cốt lấy cái mác đi thực tế cơ sở để về thì không phải đâu”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tổng Bí thư khẳng định, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước là kiên quyết chống lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, hư hỏng trong nội bộ.

Lãnh đạo Đảng nhiều lần khẳng định không ai bật đèn xanh cho hành động tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên, Tổng Bí thư cho rằng, tham nhũng rất phức tạp, có những điều chúng ta muốn mà chưa làm được. Do vậy, phải quyết liệt, quyết tâm và kiên trì phòng chống tham nhũng bằng cơ chế, luật pháp.

“Kê khai tài sản là một cơ chế nhưng người dân vẫn thấy có gì đó hình thức do kê khai không giám sát được. Nhưng Hiến pháp quy định cá nhân có quyền bí mật về tài sản. Do vậy chỉ công khai ở đâu và đến mức nhất định chứ không phải phơi bày ra tất cả”, Tổng Bí thư cho biết thêm.

Tổng Bí thư cho rằng, xử lý nghiêm tham nhũng cần các quy trình và cũng rất phức tạp. Ngoài ra, đây là vấn đề lợi ích, cấu kết, móc ngoặc với nhau. Vừa qua, chúng ta đã phát hiện và xử lý rất nghiêm, một vụ có nhiều án chứ không phải xử một lần là xong. Chúng ta kiên quyết xử lý nhưng phải tỉnh táo, chứ không phải làm rối tung lên, gây mất niềm tin.

“Như cha ông ta đã dạy đánh chuột nhưng đừng để vỡ bình, làm sao diệt được chuột nhưng giữ được bình hoa, giữ cho được ổn định để phát triển”, Tổng Bí thư nói.

Cử tri Phạm Văn Tá (phường Yên Phụ, quận Tây Hồ), cho rằng sau vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam, cử tri mong muốn Quốc hội cần bàn sâu, bàn kỹ về chiến lược kinh tế biển của Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định chủ trương phát triển kinh tế biển kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng an ninh, bảo vệ biên giới, chủ quyền quốc gia là vấn đề chiến lược, là vấn đề lớn. Trong chiến lược phát triển kinh tế đã có chủ trương đầu tư mạnh phát triển kinh tế biển, kết hợp với bảo vệ chủ quyền quốc gia.

MỚI - NÓNG
Công nương Nhật Bản qua đời
Công nương Nhật Bản qua đời
TPO - The Japan Times đưa tin Công nương Yuriko của Hoàng gia Nhật Bản vừa qua đời ở tuổi 101 vì bệnh viêm phổi. Bà không xuất hiện trước công chúng kể từ sự kiện chào năm mới 2024. 
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
TPO - Sáng nay (15/11), giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh theo giá thế giới. Giá vàng nhẫn giảm từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/lượng về mốc 81 - 82 triệu đồng/lượng, tuỳ từng thương hiệu vàng.