Không nên thu phí ATM với người thu nhập thấp

Không nên thu phí ATM với người thu nhập thấp
TP - Theo dự thảo thông tư mới của Ngân hàng Nhà nước, từ 1-3-2013, các ngân hàng thương mại sẽ thu phí rút tiền nội mạng. Nhiều người thu nhập thấp nói rằng, ngân hàng dụ khách làm thẻ, sao còn thu phí; nên miễn phí cho họ.

> Phí ‘đè’ chủ thẻ ATM
> Thu phí rút tiền mặt từ ATM

Chị Ngô Thị Nga, nhân viên của một công ty khoáng sản tại Phú Thọ than thở: “Thu nhập của tôi có 4 triệu đồng/tháng, công ty trả qua thẻ ATM chứ tôi muốn nhận tiền mặt hơn. Nếu ngân hàng thu thêm nhiều loại phí, với người khá giả thì không sao, chứ công nhân làm việc rất khổ, lương chỉ 1-2 triệu đồng mà phải mất phí rút tiền thì xót ruột lắm. Giờ cứ bước chân ra đường là mất đủ loại phí, mà phí ngày càng cao”.

Theo chị Nga, trước đây cơ quan trả tiền mặt, đến ngày lên phòng tài vụ lĩnh lương, chỉ mất vài phút. Từ ngày ngân hàng đến mời công ty trả tiền qua thẻ (đương nhiên miễn phí làm thẻ), chị mất vài chục phút đi rút tiền.

“Gặp lúc máy có tiền không sao, còn hết tiền hoặc bị nuốt mất thẻ thì rất phiền phức. Dụ khách hàng làm thẻ, nay lại đề ra thu phí thì khác nào lừa nhau”, chị Nga nói.

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong trong buổi sáng 17-12, nhiều khách hàng đã không rút được tiền tại một số máy ATM khu vực Đống Đa, Thanh Xuân (Hà Nội) vì máy tạm ngừng dịch vụ hoặc giao dịch thất bại.

Võ Bích Hạnh, sinh viên Đại học văn hóa (Hà Nội), đã đi 5-6 lượt qua 2 điểm đặt máy ATM của Vietcombank trên đường Láng Hạ, nhưng vẫn chưa rút được tiền vì 2/4 máy ATM tại Chi nhánh Láng Hạ tạm ngừng hoạt động trong khoảng 30 phút.

Hạnh nói: “Mỗi tháng, bố mẹ ở quê chuyển khoản cho em từ 2,5 đến 3 triệu đồng, nhưng em thường rút thành 3-4 lần. Em rút tiền bị mất phí, mà bố mẹ cũng mất phí chuyển khoản tới 15.000 đồng/lần, nếu giao dịch nhiều thì xót tiền lắm”.

Hạnh cho biết phải trả nhiều loại phí khác như phí SMS báo biến động số dư tài khoản là 8.800 đồng/tháng (thẻ Vietcombank), phí kiểm tra số dư tài khoản qua điện thoại là 1.000 đồng/lần… Hiện nay, chủ thẻ của một số ngân hàng cũng phải trả phí khi kiểm tra số dư tài khoản tại ATM. Mức phí của Agribank là 550 đồng/lần…

Một cán bộ của chi nhánh Ngân hàng Vietcombank cho biết: “Hiện Hội sở ngân hàng vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về mức thu phí các giao dịch thẻ ATM, cũng như cơ chế sử dụng nguồn tiền thu được. Mà phải chờ chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước”.

Theo cán bộ này, dù ngân hàng thu mức phí, loại phí như vậy nhưng cũng không đủ bù đắp, vì đã chịu lỗ khi đầu tư hệ thống máy ATM suốt chục năm qua. Giá một chiếc máy ATM là 500-600 triệu đồng, ngoài ra còn chi phí thuê địa điểm, người bảo vệ, cán bộ đi tiếp quỹ hằng ngày, kiểm đếm tiền...

Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng, các ngân hàng nước ngoài đã áp dụng việc thu phí dịch vụ thẻ từ lâu.

“Việc phân loại đối tượng khách hàng rất phức tạp. Ở nước ngoài, ngân hàng có thể miễn phí phát hành thẻ, phí thường niên… cho một số đối tượng như người nghèo, sinh viên. Theo tôi, ngân hàng có thể xem xét miễn phí một số lần rút tiền cho khách hàng. Chẳng hạn, tại Úc, người dùng thẻ được miễn 3 lần rút tiền/ngày, chỉ tính phí từ lần thứ 4”, ông Lực nói.

Khách hàng phải trả 9-10 loại phí thẻ ATM

Theo dự thảo thông tư của Ngân hàng Nhà nước, năm 2013, phí rút tiền nội mạng tại ATM là 0-1.000 đồng/lần, ngoại mạng tối đa là 3.000 đồng/lần. Đến năm 2015, phí rút tiền là 3.000 đồng/lần. Khách hàng chuyển khoản sẽ mất phí tối đa 15.000 đồng/lần.

Ngoài ra, ngân hàng dự kiến thu phí phát hành thẻ 0-100.000 đồng/thẻ, phí thường niên tối đa 60.000 đồng/thẻ/năm, phí vấn tin tài khoản (không in chứng từ) tại ATM tối đa 500 đồng/lần (chỉ thu giao dịch ngoại mạng), phí in sao kê tài khoản 100-800 đồng/lần. Tính chung, chủ thẻ sẽ phải trả khoảng 9-10 loại phí, chưa kể các phí phát sinh như khác hệ thống, vùng, mất thẻ…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.