Không nên mổ cận thị cho trẻ

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Bởi khi đó, trục nhãn cầu chưa ổn định nên rất dễ tái cận.

Cận thị là một tật khúc xạ ở mắt thường xuất hiện khá phổ biến ở lứa tuổi học đường do thói quen sinh hoạt và học tập không đúng quy cách.

Con gái chị Huyền (Quận 9, Tp. Hồ Chí Minh) cũng không phải là một trường hợp ngoại lệ. Dù mới 10 tuổi nhưng bé đã bị cận tới 5 đi-ốp. Mọi sinh hoạt, vui chơi và việc học của bé đều phải dùng tới kính. Dù con không kêu ca nhưng mỗi lần thấy bé chật vật và vướng víu vì cái kính chị cũng thấy sốt ruột, đặc biệt là sau mỗi lần đi khám, độ cận lại có dấu hiệu tăng.

Để giảm gánh nặng “bốn mắt” cho con, chị Huyền quyết định đưa bé đi mổ cận thị. Tuy nhiên, nhiều người khuyên chị không nên mổ sớm vì rất dễ tái cận. Điều này khiến chị rất phân vân.

Thời điểm vàng - khi nào?

Trước những băn khoăn của chị Huyền, phóng viên SKGĐ đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Đặng Văn Quế, Phó Giám đốc bệnh viện Mắt Quốc tế DND. Theo bác sĩ Quế: “Cận thị là một tật phổ biến ở trẻ em. Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị cận như: đọc sách không đúng tư thế và không sử dụng đúng loại đèn điện; Trẻ học trong lớp không đủ ánh sáng, lúc sáng lúc tối, bảng bị lóa; Trẻ sử dụng vi tính và điện thoại di động thường xuyên, đặc biệt là trẻ em ở vùng thành thị, gia đình có điều kiện; Trẻ đọc sách khi bố mẹ đang chở trên xe máy, xe buýt... Trong những trường hợp này, cận thị là do mắt làm việc quá tải. Một lý do nữa là ở lứa tuổi này, nhãn cầu của trẻ còn yếu và đang phát triển nên tật cận thị rất dễ xảy ra”.

Trước tình trạng cận thị ngày càng diễn ra phổ biến ở trẻ, rất nhiều bậc phụ huynh lo lắng cho con, có những biện pháp để giúp con khắc phục tình trạng này như đeo kính gọng, kính áp tròng, giảm tải cho mắt..., nhiều người cũng đã đưa con em tới viện để mổ mắt nhằm giúp bé học tập sinh hoạt mà không phải đeo kính.

Tuy nhiên, bác sĩ Quế khuyến cáo, tất cả những trẻ em dưới 18 tuổi không nên mổ cận thị. Bởi khi ở tuổi trường thành, trục nhãn cầu ổn định, không phát triển thêm nữa thì việc mổ cận thị mới có tác dụng. Còn nếu mổ ở độ tuổi này, nó không những không mang lại hiệu quả, mà trẻ còn rất dễ bị tái cận.

Cũng theo bác sĩ Quế, với những trường hợp trẻ bị cận nặng, các bậc cha mẹ không nên vội vàng. Biện pháp trước mắt là phải đưa trẻ tới các phòng điều trị nhãn nhi tại các bệnh viện để tập nhiệt thị cho trẻ em. Đây là phòng điều trị với máy móc đơn giản, có tác dụng giúp trẻ ổn định độ cận. Ngoài ra, các bậc cha mẹ cũng có thể cho trẻ đeo kính áp tròng dành riêng cho người cận thị vào ban đêm. Hãy nhớ, phải vệ sinh mắt sạch sẽ, chăm sóc mắt đến khi độ cận ổn định mới có thể tiến hành phẫu thuật mổ mắt được.

“Các bậc cha mẹ có quan sát những cử chỉ của trẻ trong cuộc sống và học tập để phát hiện ra những dấu hiệu sớm của tật cận thị như: Nheo mắt khi nhìn vào mọi vật, nhìn nghiêng đầu; cúi gằm vào sách khi học bài; thường hay dụi mắt; sợ ánh sáng hoặc chói mắt; hay kêu nhức đầu, mỏi mắt, chảy nước mắt; xem tivi phải nhìn gần…”. - Bác sĩ Quế cho biết.

Do đó, để tránh cho trẻ bị tật cận thị, ngay từ khi trẻ bắt đầu đến trường các bậc cha mẹ cần hướng dẫn cho trẻ thói quen học tập và sinh hoạt đúng cách để bảo vệ mắt.

Để bé có đôi mắt khỏe

Để bé có đôi mắt khỏe mạnh, ngay từ khi chào đời và khi bé bắt đầu tới trường, các bậc cha mẹ phải lưu ý những điều này và tập cho bé những thói quen tốt để tránh cận thị:

- Bổ sung dưỡng chất cho mắt bằng thực phẩm giàu beta-carotene (ớt đỏ, gấc, rau xà lách, củ cải đường…), vitamin E (hạt dẻ, hạnh nhân, ngũ cốc, bơ đậu phộng, đu đủ), Kẽm (đậu đen, đậu phộng, đậu phụ, sữa, thịt bò, thịt gà..), vitamin C (ổi, bông cải xanh, xu hào, xoài, dâu, quả mâm xôi, dứa…), Selen (cá, tôm, sò, hến, gạo lức, ớt, tỏi, hành tây, nấm, cà rốt…), rau xanh…

- Giảm tải căng thẳng cho mắt, giúp mắt nghỉ ngơi: Hạn chế cho bé xem tivi, sử dụng thiết bị điện tử, cho mắt bé thư giãn sau khoảng 15 phút học tập..

- Rèn luyện thói quen tốt cho mắt như ngồi đúng tư thế, sử dụng ánh sáng đèn đỏ khi học, không nhìn sách vở quá gần, đảm bảo đủ ánh sáng cho bé khi học.

- Khám mắt định kỳ cho bé: Nên cho trẻ khám mắt định kỳ 6 tháng một lần tại các cơ sở chuyên khoa hoặc khi thấy trẻ có những dấu hiệu nhìn xa không rõ, nheo mắt, nghiêng đầu khi nhìn mọi vật…

Theo Theo SKGĐ
MỚI - NÓNG