Nếu đề xuất, cứ say rượu bia (ở nồng độ nhất định) mà điều khiển phương tiện tham gia giao thông là phạt tù. Vậy đã đúng chưa, thưa luật sư?
Một nguyên tắc tối thượng trong luật hình sự, đòi hỏi phải thỏa mãn để cấu thành một tội danh, đó là bắt buộc phải có hành vi, có hậu quả. Hình phạt tù chỉ khi có hậu quả pháp lý xảy ra. Vậy, chúng ta cần làm rõ, hành vi và hậu quả pháp lý ở đây là gì? Một người được gọi là “say” khi nào? Nếu với nồng độ đó, có người sẽ say, và không điều khiển được hành vi, nhưng có người khác lại là bình thường, hoàn toàn tỉnh táo thì sao?
Bản chất pháp lý, một người say khi gây ra hậu quả, vẫn bị khởi tố bình thường. Tôi đơn cử như anh lái xe trong tình trạng say xỉn, rồi anh húc vào người đi đường gây tử vong, anh hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm các quy định về giao thông đường bộ, hoặc ở nhóm hành vi khác, nếu chứng minh được các dấu hiệu cấu thành.
Luật sư có thể dẫn chứng cụ thể hơn?
Theo quy định tại Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP (nghị quyết của Hội đồng thẩm phán), hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự, có nêu: “Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ nếu chỉ căn cứ vào thiệt hại xảy ra, thì gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 202 Bộ luật Hình sự”.
Luật sư Đào Thị Liên - Giám đốc Cty Luật Tiền Phong (Hà Nội).
Cụ thể, người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. Hoặc phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định; Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng; Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; Gây hậu quả rất nghiêm trọng. Trong trường hợp phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Quay lại câu chuyện đề xuất phạt tù đối với hành vi say rượu, nếu một công dân nào đó đã sử dụng vượt ngưỡng cho phép về nồng độ cồn, nhưng chưa gây hậu quả, vậy truy cứu trách nhiệm hình sự họ có đáng không?
Quan điểm của tôi là rất không thể hình sự hóa hành chính. Nếu không gây hậu quả nghiêm trọng theo luật định, hành vi đấy (say rượu khi lái xe) đã được điều chỉnh bới chế tài hành chính rồi. Muốn khởi tố về điều khiển phương tiện giao thông thì phải định nghĩa rõ trong luật: “Như thế nào là điều khiển phương tiện khi say”. Bởi nó còn liên quan đến khả năng thích nghi của từng người. Có người, với nồng độ đó, họ vẫn chuẩn hành vi, nhưng với người khác thì đã say mèm rồi. Vấn đề này, chỉ trong y học mới phân định một cách rõ nét. Chứ khi lực lượng chức năng bắt vi phạm giao thông, họ dựa trên cảm tính là nhiều.
Nói cảm tính liệu đã chính xác chưa, bởi lực lượng chức năng sẽ được cung cấp các thiết bị hỗ trợ, như máy đo nồng độ cồn chẳng hạn?
Vậy tôi đặt giả thiết, căn cứ nào xác định máy đo của họ là chuẩn? Họ dùng kết quả đo đó để xử lý hình sự, vậy ai sẽ là người làm chứng? Và chứng cứ đó liệu có khách quan hay không? Liệu máy đo đó là không thể tác động, làm thay đổi kết quả kiểm tra hay không?
Cảm ơn bà.
Xem xét đề xuất trước ngày 31/3
Mới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải, đề xuất hình sự hóa hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi nồng độ cồn trong máu vượt quá 100mg/100ml, hoặc nồng độ cồn trong khí thở vượt quá 0,5mg/1 lít. Theo cơ quan này, hiện nay, tình trạng người điều khiển xe trên đường nhưng vi phạm nồng độ cồn vẫn chưa có chiều hướng giảm. Trong khi đó, số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân liên quan đến rượu bia chiếm tỷ lệ rất cao, là nguồn nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến an toàn của xã hội. Liên quan đến những nội dung đề xuất này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu nội dung đề xuất, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định trước ngày 31/3 tới.