Không nên cấp ‘thẻ hành nghề’ cho nhà ngoại cảm

Không nên cấp ‘thẻ hành nghề’ cho nhà ngoại cảm
TPO - Theo Thiếu tướng, PGS.TS Ngô Tiến Quý, không nên coi hoạt động ngoại cảm là một nghề để cấp thẻ hoạt động, nhưng cần trân trọng khả năng đặc biệt này để sử dụng phù hợp.

> Bà Phan Thị Bích Hằng: Tôi phẫn nộ với ‘cậu Thủy’

> Các nhà ngoại cảm lên tiếng: Nhầm lẫn chứ không lừa đảo

Thiếu tướng, PGS.TS Ngô Tiến Quý
Thiếu tướng, PGS.TS Ngô Tiến Quý.

Tại buổi giao lưu trực tuyến với Petrotimes, Thiếu tướng, PGS.TS Ngô Tiến Quý (Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an, một người đã có nhiều năm gắn bó với việc giám định hài cốt bằng phương pháp khoa học) nhận định, thời gian qua và ngay cả hiện nay có quá nhiều người tự xưng rồi lại được một bộ phận nhân dân "suy tôn" là nhà ngoại cảm. Rồi rất nhiều các trung tâm ngoại cảm tìm mộ liệt sĩ mọc lên. Trong số này, tỷ lệ những nhà ngoại cảm "rởm" cực kỳ cao.

Theo ông Quý, người Việt có một nét văn hóa vô cùng đáng trân trọng là người sống luôn nhớ đến thân nhân đã chết, lo cho ngày giỗ, kỵ, lo cho mồ yên mả đẹp... Do vậy, trong khoảng 20 năm qua việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, hài cốt thân nhân bị thất lạc đã trở thành một nhu cầu mang tính xã hội rất rộng. Và cũng trong thời gian qua đã xuất hiện nhiều nhà ngoại cảm có khả năng tìm hài cốt.

“Qua nghiên cứu của chúng tôi suốt hơn 20 năm qua, cũng như nhiều nhà khoa học khác thì chúng ta không thể phủ nhận được rằng, có những người có khả năng đặc biệt, trong đó có các nhà ngoại cảm. Nhưng tình trạng lộn xộn như hiện nay thì không thể chấp nhận được. Vấn đề đặt ra là phải quản lý thật chặt chẽ việc áp dụng ngoại cảm tìm mộ liệt sĩ” - PGS.TS Ngô Tiến Quý nói.

Từ thực tế trên, ông Quý đề nghị phải có những tổ chức có đủ năng lực để kiểm tra, xác định xem họ có năng lực ngoại cảm hay không. Tiếp theo, nếu có khả năng ngoại cảm thì xác định thiên về hướng nào, cao hay thấp, cao đến mức nào.... Việc định lượng là tương đối khó và phải khảo nghiệm rất cụ thể và liên tục vì đến nay chúng ta chưa biết cơ chế tiếp cận thông tin của nhà ngoại cảm và vì ngay nhà ngoại cảm có năng lực tốt cũng không biết có khi nào đó mình đưa ra thông tin sai.

Về quản lý hoạt động của những nhà ngoại cảm, PGS.TS Ngô Tiến Quý đề xuất không nên coi hoạt động ngoại cảm là một nghề để rồi cấp thẻ cho người tự xưng là nhà ngoại cảm hoạt động. Nhưng cần phải trân trọng khả năng đặc biệt này để có biện pháp sử dụng phù hợp phục vụ yêu cầu xã hội, tránh lãng phí chất xám.

Riêng trong việc tìm mộ, nếu có nhiều thông tin, chứng cứ vật chất tin cậy trong vụ việc cụ thể thì có thể không cần giám định gen (để đỡ tốn kém). Còn lại tất cả các trường hợp khác đều phải giám định gen thì mới đủ độ tin cậy.

Cũng tại buổi giao lưu trực tuyến, PGS.TS Ngô Tiến Quý đưa ra một số đề xuất cụ thể như sau:

1. Cơ quan có thẩm quyền quản lý Nhà nước nhanh chóng có văn bản nghiêm cấm việc tổ chức hành nghề ngoại cảm tìm mộ liệt sĩ cũng như với những động cơ khác, đặc biệt là liên quan đến chính trị. Cần đưa ra chế tài từ xử lý hành chính, đến bắt buộc chữa bệnh (có nhiều người mắc bệnh tâm thần hoang tưởng), xử lý hình sự (tội lừa đảo, gây rối trật tự...)

2. Với những người được cơ quan khoa học xác định có khả năng ngoại cảm thông qua kết quả khảo nghiệm nghiêm túc (có hồ sơ đầy đủ để có thể kiểm tra, giám sát) cần được các cơ quan này quản lý, sử dụng tiếp vào việc tìm hài cốt liệt sĩ ở giai đoạn đầu. Đặt vấn đề quản lý vì phải thường xuyên giám sát, kịp thời phát hiện thông tin thiếu chính xác (vì ngay nhà ngoại cảm cũng không biết) để có hướng đi tiếp phù hợp, tránh sai sót, tốn kém tiền của của nhân dân

Các cơ quan khoa học hỗ trợ gia đình đi tìm hài cốt liệt sĩ trong nghiên cứu, đánh giá thông tin để quyết định các bước tiếp theo. Người đi tìm hài cốt liệt sĩ cần luôn tỉnh táo khi tiếp nhận và xử lý thông tin do nhà ngoại cảm cung cấp. Chỉ nên thu một khoản kinh phí nhỏ để bồi dưỡng cho nhà ngoại cảm, cán bộ chuyên môn tư vấn, còn việc đi tìm hài cốt do gia đình tự trang trải.

3. Cần thống kê và công bố rộng rãi các phòng thí nghiệm giám định gen có đủ năng lực giám định gen ty thể để Nhà nước giao nhiệm vụ và nhân dân biết khi có nhu cầu. Cần xây dựng cơ sở dữ liệu (ngân hàng) gen các thân nhân liệt sĩ để tra cứu trong giám định, nhưng sẽ rất tốn kém vì số lượng liệt sĩ chưa xác định được danh tính rất lớn. Trước mắt, cứ trường hợp nào có nhu cầu thì phân tích gen, rồi lưu lại bằng một phần mềm máy tính, có sự kết nối giữa tất cả các phòng thí nghiệm để cùng khai thác. Nhà nước nên có hỗ trợ cho các gia đình liệt sĩ khoản kinh phí nhất định vì giám định gen tương đối tốn kém.

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
TPO - Tại tòa, bị cáo thuộc đơn vị tư vấn khai quá trình thi công cho đến trước ngày diễn ra sạt trượt, đơn vị tư vấn không nhận được bất cứ phản ánh nào liên quan đến hồ sơ thiết kế. 'Nước ngầm' mà cáo trạng đề cập là do thấm từ trên xuống, lỗi này do đơn vị thi công sử dụng đất đắp không đạt yêu cầu.