Thượng đỉnh Trump-Kim tại Hà Nội:

Không gì tốt hơn lời tuyên bố kết thúc chiến tranh

TPO - Không gì có thể đảm bảo tốt hơn cho an ninh của cả Mỹ lẫn Hàn Quốc bằng một tuyên bố kết thúc chiến tranh tại Hà Nội, cho dù giới phân tích có nói gì đi nữa.

Đó là nhận định của ông Harry J. Kazianis, giám đốc bộ phận Triều Tiên học, thuộc Trung tâm Lợi ích quốc gia, Mỹ.

Theo ông Kazianis, trong tiến trình  thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, Washington dường như một lần nữa quên mất một trong những khía cạnh quan trọng nhất của mối đe dọa kéo dài 70 năm mang tên Triều Tiên: sự khốn khổ của Hàn Quốc và Nhật Bản.

Và kể từ đầu những năm 1990, Washington bắt đầu, trước hết, tìm cách xóa bỏ kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. “Quan điểm này-mà chính tôi cũng vẫn chia sẻ cho đến năm ngoái-đã chặn lại hầu hết các biện pháp khác nhằm giảm nhẹ mối nguy hiểm đối với Đông Bắc Á, bán đảo Triều Tiên và lãnh thổ Mỹ từ  Triều Tiên”, chuyên gia Kazianis viết trên National Interest.

Không gì tốt hơn lời tuyên bố kết thúc chiến tranh ảnh 1 Hà Nội có thể đi vào lịch sử là nơi ra đời tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên

Đặc biệt, kể từ năm 2017, kể từ khi Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và biến nước Mỹ thành một mục tiêu hạt nhân tiềm tàng, Washington chỉ quan tâm tới việc đảm bảo cho họ khỏi một cuộc tấn công nguyên tử. “Đó là điều nên lường trước, nhưng nếu chỉ tập trung mỗi vấn đề đó thì tự nhiên bỏ qua cách phương cách khác để ít nhất giảm thiểu, nếu không loại trừ được, mối đe dọa hạt nhân mà Triều Tiên tạo ra”, ông Kazianis viết.

Có lẽ không gì tốt hơn cho Washington nếu tổng thống Donald Trump ký một tuyên bố hòa bình, chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, thứ rõ ràng liên quan đến an ninh quốc gia của cả Mỹ lẫn Hàn Quốc. Sẽ có những nhà phân tích nói một hành động như thế là thoái lui, thỏa hiệp, nhân nhượng vô nguyên tắc, tốn thời gian vô ích. Nhưng theo ông Kazianis, những phản ứng này tuy khó chịu, nhưng có thể nói không đáng ngạc nhiên bởi nhiều người Mỹ coi việc này làm tổn thương lòng tự trọng, sự kiêu hãnh của Mỹ.

“Nhưng không chấm dứt một cuộc chiến mà về mặt kỹ thuật vẫn tồn tại 7 thập kỷ có phải là ý hay? Cho đến lần gần nhất tôi kiểm tra, tôi không thấy quân đội Triều Tiên đánh nhau với quân đội Hàn Quốc, Mỹ dọc theo khu phi quân sự. Và hãy cảm ơn Chúa điều đó, bởi với một cuộc chiến với vũ khí hiện đại như ngày nay, đó là cái chết của nhiều triệu người”, ông Kazianis kết luận.

Học giả Henri Feron thuộc Trung tâm Nghiên cứu luật pháp Triều Tiên (đại học Columbia, Mỹ) cũng đồng quan điểm. “Ai cũng hiểu rằng muốn thuyết phục một người đàn ông hạ vũ khí, anh ta phải được thuyết phục là không có nguy hiểm nào xảy đến với mình”, ông lập luận. Theo ông, đòi hỏi “hoặc là tất cả, hoặc không có gì” đối với việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn đối với Triều Tiên xung đột với những nhận thức đang tồn tại hiện nay. Giám đốc tình báo Mỹ Dan Coats gần đây cũng nhận định rằng Triều Tien “khó mà từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân cũng như năng lực sản xuất, bởi vì quan điểm của giới lãnh đạo nước này coi đây là yếu tố sống còn bảo vệ chế độ”.

Nhưng ông  Feron cũng nói cho dù Triều Tiên không từ bỏ chương trình vũ khí, họ cũng có nhiều lý do để muốn có hòa bình. Theo ông, nền kinh tế còn khó khăn cộng thêm chi phí lớn cho quốc phòng là gánh nặng đối với Triều Tiên, nhưng sẽ hợp lý duy nhất trong trường hợp Triều Tiên sử dụng vũ khí làm phương tiện phòng thủ, không phải là vũ khí tấn công. Thứ mà Triều Tiên muốn là vẫn duy trì được vũ khí đồng thời thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình. Đó là khả năng cao nhất trong lúc này.

MỚI - NÓNG